Sự chủ động, linh hoạt trong sản xuất, thích ứng thị trường đang giúp nhiều gia đình giáo dân huyện Lương Tài xây dựng được các mô hình kinh tế cho thu nhập trên 100 triệu đồng/năm. Trong đó phải kể đến một số mô hình tiêu biểu như: trang trại VAC ở thôn Ngọc Cục, Hương La (xã Tân Lãng), thôn Nghĩa La (xã Trung Chính), thôn Thọ Ninh (Phú Lương).
Liên kết nâng tầm sản xuất
Nhiều giáo dân thành lập HTX, tổ hợp tác, công ty, mở ra nhiều cơ hội việc làm, với mức thu nhập ổn định trên 4 triệu đồng/người/tháng. Qua đó, góp phần nâng cao mức thu nhập bình quân đầu người của giáo dân ở các xứ, họ đạo trên địa bàn huyện lên hơn 50 triệu đồng/người/năm, tỷ lệ hộ nghèo giảm còn chưa đầy 2%.
Giáo dân huyện Lương Tài đang chủ động liên kết để thành lập các HTX, phát triển nông nghiệp theo quy mô lớn. |
HTX VAC (vườn – ao – chuồng) Trung Nghĩa, thôn Nghĩa La, xã Trung Chính đang là một trong những đơn vị kinh tế trọng điểm trong phát triển nông nghiệp hiệu quả, do những người công giáo làm chủ, trên địa bàn huyện Lương Tài.
Bà Nguyễn Thị Hóa, Giám đốc HTX VAC Trung Nghĩa, cho hay HTX được thành lập và đi vào hoạt động từ năm 2014, gồm 7 hộ thành viên đều là người công giáo, với mục tiêu liên kết để nâng cao nội lực, ứng dụng hiệu quả khoa học – kỹ thuật, để hướng tới phát triển sản xuất lớn, hiện đại, tạo ra những sản phẩm nông nghiệp giàu sức cạnh tranh, có giá trị kinh tế cao.
Hiện, 100% thành viên HTX đang phát triển mô hình sản xuất theo hướng trang trại tổng hợp, kết hợp hiệu quả giữa trồng trọt và chăn nuôi. Hộ sản xuất lớn có diện tích hơn 3 ha, hộ sản xuất nhỏ có diện tích trên 1 mẫu (tương đương 3.600 m2). Thu nhập bình quân đạt từ 50 đến 300 triệu đồng/hộ/năm.
Với tư cách là “tư lệnh” của HTX, bà Nguyễn Thị Hóa là một trong những người phát triển sản xuất lớn và thành công nhất trong đơn vị. Đến nay, gia đình bà sở hữu khu trang trại rộng trên 3 ha, chủ lực là chăn nuôi lợn, gà, cá, kết hợp vườn cây ăn quả, cây lấy gỗ, đã được huyện Lương Tài chứng nhận đủ điều kiện chăn nuôi khép kín.
Hiện tại, các ao nuôi cá đang tạo ra nguồn thu chính cho gia đình bà Nguyễn Thị Hóa, với tổng diện tích trên 4 mẫu (tương đương hơn 14.400 m2), được phân chia thành 3 khu nuôi trồng riêng biệt, gồm 1 ao cá chép (7 sào), 1 ao cá trắm và 1 ao nuôi cá gối đầu.
Những năm qua, nhờ thị trường tiêu thụ ổn định, giá bán các loại cá giống và cá thương phẩm của gia đình bà Nguyễn Thị Hóa và các thành viên HTX VAC Trung Nghĩa khá ổn định.
Cụ thể, giá bình quân cá trắm giống 2 tháng tuổi bán với giá 150.000 đồng/kg, gần 3 tháng tuổi có giá 200.000 đồng/kg; cá chép giống có giá 2.000 đồng/con gần 3 tháng tuổi. Cá trắm thương phẩm có giá trên 50.000 đồng/kg, cá chép giá dao động 38.000 – 40.000 đồng/kg.
Giám đốc HTX Nguyễn Thị Hóa chia sẻ, việc liên kết sản xuất trong HTX giúp các hộ có điều kiện trao đổi kinh nghiệm, nâng cao năng lực sản xuất, đặc biệt là kịp thời ứng phó với những biến động thị trường, tránh tình trạng “được mùa, giá giảm”, đất nhiều mà vẫn nghèo.
Đơn cử, trong năm 2019, khi dịch tả lợn châu Phi hoành hành, giá lợn xuống thấp, thị trường bất ổn, HTX ngay lập tức định hướng các thành viên giảm số lượng đàn lợn, tăng cường đầu tư cho ao nuôi cá, trồng cây ăn quả, qua đó đảm bảo tốt nguồn thu hàng năm.
Giữa năm 2020, khi dịch tả lợn được kiểm soát, HTX chủ động hỗ trợ thành viên tái đàn, tăng đàn, đón đầu đợt tăng giá, có thời điểm đạt trên 110.000 đồng/kg lợn hơi, các hộ thu lãi 7 – 8 triệu đồng/con lợn (nặng 100 kg).
Thêm động lực để phát triển
Ông Phạm Thanh Hải, Chủ tịch UBND huyện Lương Tài, đánh giá trên “mặt trận” sản xuất nông nghiệp, khu vực giáo dân của huyện đang chứng kiến sự nổi lên của nhiều đơn vị kinh tế hợp tác, phát huy vai trò “bệ đỡ” kinh tế hộ, trở thành điểm tựa vững chắc để các thành viên phát triển sản xuất, làm giàu bền vững.
Cần thêm nhiều chính sách hỗ trợ để giáo dân huyện ổn định sản xuất, phát triển bền vững. |
Cụ thể, trong hơn 2 năm qua, các HTX dịch vụ nông nghiệp ở 8 làng công giáo trong huyện đã phối hợp với các Chi Hội phụ nữ, Hội Nông dân và Hội Cựu chiến binh bảo lãnh với ngân hàng, tạo điều kiện cho bà con giáo dân vay vốn hàng chục tỷ đồng, đầu tư xây dựng các mô hình chăn nuôi, trồng trọt hiệu quả.
Các HTX, tổ hợp tác cũng phối hợp các cấp, ban ngành, trung tâm dạy nghề huyện tổ chức 24 lớp tập huấn chuyển giao kỹ thuật cho 1.200 lượt giáo dân tại các địa phương.
Tại các lớp học, bà con giáo dân được hướng dẫn kỹ năng quản lý sử dụng vốn vay đúng mục đích, đúng địa chỉ và đạt hiệu quả kinh tế cao. Nâng cao kỹ năng gieo trồng, chăm sóc phòng trừ sâu bệnh cho những giống lúa hàng hóa năng suất cao, kỹ thuật chăn nuôi phòng chống dịch bệnh cho gia súc, gia cầm…
Được trang bị kiến thức vững vàng, các lao động người công giáo sau khi học nghề đều trở thành lao động chính tại các HTX, hoặc tự khởi nghiệp với các mô hình kinh tế thu về hàng chục, hàng trăm triệu đồng mỗi năm.
Điển hình như gia đình bà Nguyễn Thị Định, làng giáo toàn tòng Nghĩa La, xã Trung Chính. Gia đình bà đầu tư 5 tỉ đồng mua gần 3 ha trang trại và đầu tư vào trồng cây, nuôi lợn, thả cá, mỗi năm thu 240 triệu đồng. Gia đình ông Chu Quang Ngà ở làng giáo toàn tòng Thọ Ninh, xã Phú Lương chuyển đổi 2 mẫu ruộng trũng làm trang trại, mỗi năm thu nhập từ 50 đến 60 triệu đồng…
Đáng chú ý, sự khởi sắc của kinh tế nông nghiệp đang tạo sức lan tỏa tích tới các ngành tiểu thủ công nghiệp, ngành nghề truyền thống, sản xuất kinh doanh dịch vụ tổng hợp trên địa bàn huyện, mang lại hiệu quả kinh tế đáng ghi nhận.
Điển hình, thôn Tử Nê (xã Tân Lãng) có hơn 100 hộ làm nghề truyền thống sản xuất chế biến bánh đa và mì gạo. Mỗi hộ thu nhập từ 5 đến gần 30 triệu đồng/tháng. Sản phẩm của họ cung cấp cho nhiều tỉnh, thành phố phía Bắc.
Hay tại làng giáo toàn tòng Lai Tê (xã Trung Chính) có nghề truyền thống đan chài, lưới, đến nay các hộ có thu nhập 50 – 70 triệu đồng/hộ/năm. Làng giáo Hương La (xã Tân Lãng) với nghề thợ xây, tạo việc làm ổn định cho hàng chục lao động, với mức thu nhập ổn định 5 – 7 triệu đồng/người/tháng...
Kinh tế ổn định là nền tảng để người công giáo huyện Lương Tài gìn giữ những giá trị văn hóa, nâng cao đời sống tinh thần. Đến nay, 100% đường giao thông nông thôn vùng giáo của huyện được bê tông hoá. Nhà Văn hoá và nhà thờ của các xứ, họ đạo được xây dựng khang trang, sạch đẹp.
Năm 2021, diễn biến bất thường của dịch bệnh Covid-19 ảnh hưởng không nhỏ đến đời sống của cộng đồng công giáo huyện Lương Tài. Tuy nhiên, nhờ sự chủ động, linh hoạt trong sản xuất, đặc biệt là cuộc vận động "Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh" đã và đang trở thành một luồng sinh khí mới, lan tỏa sâu rộng trong phong trào thi đua yêu nước, làm kinh tế giỏi, người công giáo huyện đang rất tự tin vượt qua khó khăn, vững bước tương lai.
Bài cuối: Chuyện những người “thắp lửa” ở xứ đạo
Nhật Minh