Theo thống kê, trên địa bàn huyện hiện có 7 HTX, 9 tổ hợp tác hoạt động trong các lĩnh vực nông nghiệp, thương mại và dịch vụ. Trong đó, 100% HTX đã chuyển đổi hình thức hoạt động theo Luật HTX năm 2012, với tổng số 420 thành viên, hàng nghìn lao động, tạo sức ảnh hưởng không nhỏ đến hoạt động sản xuất, kinh doanh của người dân địa phương.
Hiệu quả từ liên kết
Ông Nguyễn Xuân Trung, Trưởng Phòng Tài chính - Kế hoạch huyện Kon Rẫy đánh giá, nhìn chung các HTX đang từng bước hoạt động ổn định và có hiệu quả, chú trọng định hướng cho thành viên phát triển chăn nuôi, trồng trọt gắn với liên kết và tiêu thụ sản phẩm, ứng dụng có hiệu quả các tiến bộ khoa học kỹ thuật nhằm nâng cao giá trị sản xuất.
Các HTX đang có đóng góp tích cực trong quá trình chuyển đổi cơ cấu nông nghiệp ở Kon Rẫy. |
Đơn cử, HTX Đăk Tơ Lung Xanh, thôn 4, xã Đăk Tơ Lung đang là mô hình kinh tế hợp tác điển hình tiên tiến trong lĩnh vực nông - lâm nghiệp - xây dựng không chỉ của huyện Kon Rẫy, mà trên địa bàn toàn tỉnh Kon Tum, với hàng loạt sản phẩm đặc trưng, nhiều thế mạnh.
Được thành lập từ năm 2017, xuất phát điểm với 39 hộ thành viên, 2/3 là người dân tộc thiểu số, HTX Đăk Tơ Lung Xanh đang hoạt động đa ngành nghề gồm sản xuất kinh doanh và các dịch vụ nông nghiệp khác.
Đến nay, HTX đi vào hoạt động ổn định và hiệu quả, mang về lợi nhuận cao với doanh thu năm 2020 đạt xấp xỉ 1,7 tỷ đồng, thu nhập bình quân của thành viên HTX đạt 60 – 80 triệu đồng/hộ/năm.
Ông Võ Tường, Giám đốc HTX Đăk Tơ Lung Xanh, cho biết: “Những năm qua, để phát triển bền vững, HTX đã chú trọng áp dụng tiến bộ khoa học - kỹ thuật vào sản xuất nhằm nâng cao chất lượng sản phẩm, hạ giá thành gắn với chế biến và tiêu thụ sản phẩm sạch”.
Hiện, HTX đang có 4 sản phẩm được chứng nhận VietGAP là chuối, mít, sầu riêng và chanh không hạt. Với chất lượng vượt trội, các sản phẩm của HTX luôn được thị trường ưa chuộng, giá bán cao.
HTX cũng đang hoàn thiện đầu tư cơ bản về cơ sở hạ tầng, khu sơ chế, phân loại, đóng gói sản phẩm, in ấn bao bì, nhãn mác phục vụ tiêu thụ sản phẩm, đồng thời chú trọng đầu tư phát triển nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, lắp đặt hệ thống tưới nước tiết kiệm cho vườn cây ăn quả...
Sở hữu gần 1 ha đất vườn đồi, anh A Huy, người dân tộc Ba Na, thành viên liên kết của HTX, chia sẻ ngày trước gia đình anh trồng luân phiên ngô và sắn, cả năm vất vả nhưng chỉ đủ ăn, con cái đi học theo diện hộ nghèo, đặc biệt khó khăn.
Năm 2018, được HTX Đăk Tơ Lung hỗ trợ chuyển đổi toàn bộ diện tích sang trồng chuối theo tiêu chuẩn VietGAP, kinh tế gia đình anh nhanh chóng được cải thiện. Không chỉ được hỗ trợ về kỹ thuật, vật tư đầu vào, cuối vụ anh còn được HTX bao tiêu sản phẩm với giá cao.
“Giờ làm việc nhàn hơn ngày xưa nhiều, không cần thức khuya dậy sớm nữa, bởi hầu hết các công đoạn từ làm đất, tưới nước, đến xử lý sâu bệnh hại, thu hoạch, vận chuyển đều đã có máy móc hỗ trợ. Sản phẩm làm ra không lo được mùa mất giá. Với sự đồng hành của HTX, 2 năm qua, mỗi năm tôi thu về gần 60 triệu đồng, sau khi trừ chi phí”, anh A Huy hồ hởi nói.
“Tiếp lửa” cho HTX phát triển
Không chỉ trồng trọt, lĩnh vực chăn nuôi của huyện cũng đang hình thành nhiều chuỗi liên kết hiệu quả. Điển hình có thể kể đến mô hình liên nuôi cá lồng giữa HTX dịch vụ nông nghiệp xanh Kon Bo Deh và Trung tâm cá giống và thức ăn thủy sản Tá Tiến.
Với sự đồng hành của HTX, một số hộ dân đồng bào dân tộc thiểu số thôn 11, xã Đăk Ruồng triển khai mô hình nuôi cá lồng trên hồ chứa Kon Bo Deh, quy mô 6 lồng nuôi với 33.000 con. Hiện, các lồng nuôi đang phát triển tốt, cho giá trị ổn định trên 100 triệu đồng/lồng/năm.
Huyện sẽ tích cực bổ sung các nguồn lực hỗ trợ HTX phát triển nhằm tạo việc làm cho người dân tộc thiểu số. |
Trưởng Phòng Tài chính - Kế hoạch huyện Kon Rẫy, ông Nguyễn Xuân Trung cho biết, để nâng cao hiệu quả khu vực kinh tế hợp tác, HTX trên địa, những năm qua, huyện luôn quan tâm tháo gỡ khó khăn, tạo mọi điều kiện thuận lợi để các HTX phát triển bền vững.
Trong đó, huyện đã tổ chức nhiều hoạt động xúc tiến thương mại, thu hút được sự tham gia của nhiều doanh nghiệp, qua đó nhiều sản phẩm đặc trưng của HTX đã tìm kiếm được đối tác, ký kết được các hợp đồng tiêu thụ sản phẩm, góp phần thúc đẩy tăng trưởng kinh tế chung tại địa phương.
Bên cạnh đó, nhờ sự hỗ trợ tích cực của chính quyền địa phương và ngành chức năng, các HTX, tổ hợp tác có thêm “bệ đỡ” từ nguồn vốn đầu tư, chuyển giao kỹ thuật, tạo đầu ra cho sản phẩm… giúp các đơn vị hoạt động có hiệu quả, bước đầu ứng dụng công nghệ cao vào sản xuất, chế biến, bảo quản sản phẩm.
Ngoài ra, để góp phần nâng cao hiệu quả sản xuất, kinh doanh của các HTX, huyện Kon Rẫy có những cơ chế để phân bổ hỗ trợ đầu tư cơ sở hạ tầng nhằm giúp các HTX chuẩn hóa quy trình sản xuất, ứng dụng khoa học – kỹ thuật, đảm bảo tiêu chuẩn chất lượng VietGAP, tạo chuỗi liên kết với các doanh nghiệp tiêu thụ sản phẩm...
Tuy nhiên, cần phải nhìn nhận thẳng thắn, đa phần các HTX, tổ hợp tác trên địa bàn huyện đang hoạt động với quy mô nhỏ, thiếu vốn kinh doanh, trình độ quản lý của đội ngũ cán bộ HTX, tổ hợp tác chưa cao, vấn đề kết nối thị trường, liên kết với doanh nghiệp còn nhiều khó khăn.
Số HTX thành lập mới trên địa bàn huyện tuy có tăng nhưng còn ít so với tiềm năng, yêu cầu phát triển. Số lượng HTX được tiếp cận với các chính sách hỗ trợ, đặc biệt là hỗ trợ tín dụng và chính sách giao đất, cho thuê đất còn tương đối hạn chế.
Để góp phần thúc đẩy kinh tế hợp tác tiếp tục phát triển, trong giai đoạn 2021-2030, huyện Kon Rẫy tập trung khuyến khích phát triển và thành lập mới các HTX ở mọi lĩnh vực, tăng cường mở rộng quy mô, ứng dụng khoa học kỹ thuật.
“Nếu sự chủ động của các HTX, thành viên, sự tham gia của doanh nghiệp, cùng sự đồng hành của địa phương, khu vực kinh tế hợp tác trên địa bàn huyện sẽ ngày càng phát triển về số lượng, nâng cao về chất lượng, hiệu quả hoạt động. Đóng góp tích cực vào quá trình phát triển kinh tế - xã hội của địa phương, đem lại cuộc sống ấm no, hạnh phúc cho người dân trên địa bàn”, Nguyễn Xuân Trung nhấn mạnh.
Hưng Nguyên
Bài cuối: Tạo bước đột phá với công nghệ cao