Nhận thức rõ những khó khăn trong phát triển nông nghiệp trên địa bàn bởi điều kiện thời tiết khắc nghiệt, đất dốc, bạc màu... Trong những năm qua, Đảng bộ, chính quyền huyện Kon Rẫy đã huy động các nguồn lực, tạo điều kiện cho các HTX, doanh nghiệp và người dân phát triển sản xuất, đặc biệt là thúc đẩy chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP).
Đánh thức thế mạnh địa phương
Bà già Đeo là tên gọi sản phẩm chuối sấy giòn của gia đình chị Ngô Thị Tường Ly, thành viên HTX Đăk Tơ Lung Xanh, xã Đăk Tơ Lung, huyện Kon Rẫy. Nhờ chất lượng vượt trội, hiệu quả kinh tế cao, sản phẩm đã được công nhận đạt tiêu chuẩn chương trình OCOP cấp tỉnh năm 2020.
Chuối Bà già Đeo đang là sản phẩm OCOP nổi bật của huyện Kon Rẫy. |
Chị Tường Ly chia sẻ, vào năm 2016, khi đang là nhân viên hợp đồng của Phòng Tài nguyên và Môi trường huyện, chị được biên chế và nhận công tác tại UBND xã Đăk Tơ Lung, vùng đất có hơn 90% là đồng bào dân tộc thiểu số, đông nhất là người Ba Na và Xơ Đăng.
Từ thực tế gắn bó với cơ sở, chị nhận thấy đồng bào dân tộc thiểu số tại địa phương trồng nhiều chuối và sinh trưởng rất tốt. Tuy nhiên, ngoài việc sử dụng trong gia đình, bán nhỏ lẻ tại chợ, thì hiệu quả kinh tế mang lại không cao. Mỗi buồng chuối bán tại chỗ chỉ được 20.000 - 30.000 đồng.
Giá cả bấp bênh, đầu ra không ổn định khiến hàng trăm hộ dân ở một vùng quê có không ít tiềm năng về cây ăn quả, vẫn phải chật vật mưu sinh, cái nghèo đeo bám quanh năm.
Giữa lúc trăn trở phải làm điều gì đó để tận dụng tiềm năng, khai thác thế mạnh về điều kiện tự nhiên, tăng thu nhập cho những người dân tộc thiểu số tại địa phương, chị Ly nhận được sự hỗ trợ từ chương trình OCOP của tỉnh để xây dựng mô hình chế biến chuối sấy khô.
“Sau hơn 2 năm tìm tòi, học hỏi, không ngừng hoàn thiện, cải tiến kỹ thuật, nâng tầm công nghệ, đến nay chúng tôi đã hoàn chỉnh công thức và làm chủ quy trình chế biến chuối sấy giòn thương hiệu Bà già Đeo, được công nhận OCOP, tôi thật sự rất mừng”, chị Ly phấn khởi nói.
Hoạt động ổn định, sản phẩm làm ra đến đâu bán hết đến đó, cơ sở sản xuất chuối sấy giòn Bà già Đeo đang tạo việc làm ổn định cho gần 10 lao động thường xuyên là người Xơ Đăng, Ba Na, mức lương 4 – 6 triệu đồng/người/tháng, cùng hàng chục lao động thời vụ (vào lúc cao điểm thu hoạch), với tiền công bình quân 150 – 250 nghìn đồng/người/ngày.
Để xây dựng nền tảng vững chắc, hướng đến các mục tiêu xa hơn, cơ sở đã chủ động phát triển chuỗi giá trị sản phẩm trong và ngoài tỉnh. Về nguyên liệu, bên cạnh diện tích chuối già Nam Mỹ, tiếp tục mở rộng diện tích, cơ sở thắt chặt mối quan hệ hợp tác với HTX Nông nghiệp công nghệ cao Bắc Tây Nguyên Farm (huyện Đăk Hà), cũng như đẩy mạnh hoạt động của HTX Đăk Tơ Lung Xanh.
Về thị trường tiêu thụ, để ổn định giá bán sản phẩm, cơ sở cũng đang đẩy mạnh liên kết với các cửa hàng, chuỗi bán lẻ của các thương hiệu uy tín, tiềm năng tại TP. Kon Tum, TP. Đà Nẵng, TP. Hà Nội, Đăk Lăk...
Sự lan tỏa đầy tích cực
Không chỉ có chuối, hiệu quả của chương trình OCOP còn tạo động lực cho nhiều sản phẩm nông nghiệp khác của huyện Kon Rẫy. Nổi bật trong số đó là cây mắc ca, hiện đang được nhiều hộ dân trên địa bàn huyện xác định là cây kinh tế chủ lực.
Huyện đặt mục tiêu có 11 sản phẩm OCOP 2 - 3 sao cấp tỉnh trong năm 2021. |
Đến nay, toàn huyện phát triển được trên 74 ha diện tích cây mắc ca, trong đó xã Đăk Ruồng có 69,2 ha, xã Đăk PNe có 4,62 ha, xã Đăk Tờ Re có 0,5 ha. Hầu hết các vùng trồng đều đang được chăm sóc, phát triển rất tốt, ít sâu bệnh. Đặc biệt, có 7 ha tại xã Đăk Ruồng đã cho thu hoạch, ước năng suất từ 10 kg quả khô/cây.
Anh Yê Gli, người Ba Na, xã Đăk Ruồng, cho biết gia đình triển khai trồng mắc ca từ năm 2015, đến nay cây đã bắt đầu cho quả, chất lượng rất tốt. Cây mắc ca có thể khai thác trong 40 năm, nếu được chăm sóc tốt, giá trị đem lại cao gấp 2 – 3 lần cây cà phê, chi phí đầu tư lại thấp hơn 50%.
“Tôi cùng nhiều hộ khác trên địa bàn xã đang tích cực xây dựng sản phẩm OCOP, nên rất mong muốn cấp ủy, chính quyền các cấp tiếp tục có chính sách hỗ trợ để đẩy nhanh tiến độ, đồng thời đầu tư xây dựng đường giao thông nông thôn vào khu sản xuất để tạo thuận lợi cho việc kết nối thị trường, xây dựng thương hiệu”, anh Gli nhấn mạnh.
Bà Đinh Thị Mỹ Hảo, Phó Bí thư Huyện ủy Kon Rẫy, cho biết để thực hiện tốt kế hoạch tỉnh giao, trong năm 2021 huyện Kon Rẫy phấn đấu phát triển 200 ha cây mắc ca theo hướng trồng tập trung tại các xã, thị trấn có lợi thế và tiềm năng phù hợp với sinh trưởng và phát triển của cây mắc ca.
Đồng thời, huyện sẽ xây dựng chính sách hỗ trợ phát triển cây mắc ca lồng ghép vào nguồn vốn của các chương trình 135 và chương trình khuyến nông, đẩy mạnh công tác tuyên truyền phát triển cây mắc ca theo hướng an toàn sinh thái, ứng dụng công nghệ cao, hoàn thiện đóng gói, tem truy xuất sản phẩm, đáp ứng tiêu chuẩn OCOP.
Từ nay đến năm 2025, huyện đặt mục tiêu ít nhất mỗi xã được công nhận một sản phẩm OCOP. Hiện, bên cạnh sản phẩm chuối sấy khô, hạt mắc ca, huyện đang có 7 sản phẩm OCOP được đánh giá đạt 2 – 3 sao cấp tỉnh.
Các sản phẩm đặc trưng thế mạnh đang được huyện chú trọng xây dựng OCOP là rượu nếp xã Đăk Tờ Re, măng khô xã Đăk Tơ Lung, gạo sạch xã Tân Lập, bí thơm xã Đăk Gli, tiêu đen thị trấn Đắk Rve, xâm đá xã Đăk Pne...
Rõ ràng, chương trình OCOP được lồng ghép hiệu quả với chuỗi các chương trình mục tiêu quốc gia về giảm nghèo, xây dựng nông thôn mới… trên địa bàn huyện Kon Rẫy đang phát huy hiệu quả tích cực, tạo sức lan tỏa mạnh mẽ, góp phần thay đổi cách nghĩ, cách làm của người dân, đặc biệt là đồng bào dân tộc thiểu số trên địa bàn.
Hưng Nguyên
Bài 2: Điểm tựa kinh tế hợp tác, HTX