Theo Liên minh HTX tỉnh Lào Cai, hiện toàn tỉnh có 222 HTX nông nghiệp, trong đó có 180 HTX đang hoạt động cho hiệu quả. Việc phát triển các HTX đã thúc đẩy sản xuất sản phẩm nông nghiệp ở khu vực nông thôn miền núi ngày một bền vững, góp phần hình thành và phát triển chuỗi giá trị nông sản xuất khẩu. Mô hình kinh tế tập thể sẽ từng bước giúp người nông dân tránh được tình trạng “được mùa, mất giá”, có thu nhập ổn định để vươn lên thoát nghèo.
Lao đao vì dịch bệnh
Tuy nhiên, theo số liệu thống kê, chỉ tính riêng năm 2020, do ảnh hưởng của đại dịch Covid-19, lượng khách đến Lào Cai chỉ đạt 2,3 triệu lượt, giảm 55% so với năm 2019. Ngành du lịch lao đao khiến các HTX trong lĩnh vực này cũng phải chịu vô vàn khốn khó.
Tiêu biểu như HTX Mường Hoa (xã Tả Van) là nơi thu hút các đồng bào dân tộc thiểu số làm việc, trong đó có đồng bào dân tộc Giáy. HTX vừa phát triển ngành dệt thổ cẩm vừa phát triển du lịch cộng đồng.
Để thu hút khách, HTX đã đầu tư homestay, làm các dịch vụ du lịch như ăn uống, tắm thuốc dân tộc… Gia đình bà Liềng Thị Chi (người dân tộc Giáy, thôn Tả Van Giáy, xã Tả Van) cũng là thành viên HTX cho biết, với lượng khách lưu trú trung bình dao động từ 200-250 lượt người/tháng, trung bình homestay mang lại nguồn thu hàng tỷ đồng mỗi năm.
![]() |
HTX Mường Hoa là nơi tạo việc làm cho không ít phụ nữ Giáy. |
Tuy vậy, dịch Covid-19 xuất hiện từ đầu năm 2020 kéo dài đến nay đã khiến hoạt động kinh doanh của gia đình bà luôn trong trạng thái cầm chừng và gần như mất hẳn nguồn khách nước ngoài vốn chiếm tới 80% lượng khách của homestay trước đây.
Khi lượng khách du lịch ít cũng khiến đầu ra cho sản phẩm dệt thổ cẩm của HTX giảm khoảng 30-40% so với trước khi trưa có dịch. “Hiện nay, do ảnh hưởng của dịch Covid-19, các đơn đặt hàng của HTX giảm mạnh nên ảnh hưởng đến thu nhập của thành viên”, chị Sùng Thị Lan, Giám đốc HTX cho biết.
Không chỉ ảnh hưởng đến ngành du lịch, hoạt động của các HTX sản xuất hàng hóa cũng bị tác động nặng nề, kéo theo đó là việc làm và thu nhập của người lao động trong HTX bị sụt giảm.
Ông Lồ A Lếnh, Giám đốc HTX Hoàng Liên (thị xã Sapa) cho biết, dịch bệnh khiến các hội chợ trong và ngoài tỉnh tạm ngừng nên HTX gặp khó khăn trong xúc tiến thương mại cho sản phẩm, đầu ra cho nông sản cũng thu hẹp.
Giúp HTX thích nghi hoàn cảnh
Qua khảo sát của Sở nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Lào Cai, các HTX trên địa bàn tỉnh đều có quy chế hoạt động, phương án sản xuất kinh doanh. Tuy nhiên, do dịch Covid-19 xảy ra bất ngờ, diễn biến phức tạp và kéo dài nên vẫn còn có HTX chưa thích nghi được với hoàn cảnh.
Đồng thời, do HTX thường không có tài sản thế chấp, do đó không thể đầu tư mở rộng quy mô sản xuất kinh doanh. Ngoài ra, có HTX khi thành lập chỉ để hoàn thành tiêu chí nông thôn mới hoặc thành lập với thành viên chủ yếu trong gia đình, dòng họ nên khó thu hút thành viên mở rộng quy mô. Việc liên kết giữa các HTX với hộ nông dân gặp khó khăn do tính ràng buộc pháp lý giữa HTX và nông dân không cao, chủ yếu thông qua hợp đồng liên kết có chứng thực của chính quyền địa phương.
Để tháo gỡ khó khăn cho HTX, hiện Liên minh HTX tỉnh đã tiến hành rà soát các HTX trên địa bàn để nắm chắc tình hình khó khăn của các HTX như thiếu đất sản xuất, thiếu vốn, thiếu kỹ thuật, thiếu nhân lực trình độ cao... Từ đó, sẽ đề ra các giải pháp cụ thể cho từng đối tượng để củng cố, kiện toàn và hỗ trợ.
Đồng thời, tỉnh cũng chú trọng hỗ trợ các HTX nâng cao năng lực thích ứng thông qua việc đào tạo về khoa học công nghệ, kết hợp xây dựng các mô hình HTX kiểu mới gắn với liên kết sản xuất, chế biến, tiêu thụ sản phẩm giữa các HTX với HTX và HTX doanh nghiệp để làm cơ sở nhân rộng ở địa phương.
![]() |
HTX Hoàng Liên đang được các cấp ngành hỗ trợ phát triển sản xuất theo hướng xanh, bền vững. |
Đặc biệt là chú trọng thí điểm mô hình đưa trí thức trẻ về các HTX bằng việc vận dụng linh hoạt nguồn kinh phí hỗ trợ được quy định (dành một phần kinh phí trong xây dựng nông thôn mới để đầu tư nguồn nhân lực chất lượng cao cho các HTX). Đây được xem là giải pháp hiệu quả nhất để các HTX có thể bổ sung cán bộ trẻ có năng lực, được đào tạo bài bản.
Trên thực tế, những năm qua, có không ít HTX ăn nên làm ra nhờ sự quan tâm thu hút và phát triển đội ngũ quản lý, cán bộ có chuyên môn giỏi được đào tạo bài bản cùng với đó có sự đổi mới về tổ chức và hoạt động. Có những HTX sau khi được đào tạo, hỗ trợ đang dần thích ứng với thị trường như HTX Mường Hoa. Trước khó khăn của dịch Covid-19, từ đầu năm 2021, chị em trong HTX đã không bỏ cuộc mà vẫn tiếp tục duy trì sản xuất ở mức vừa phải để sẵn sàng cung ứng sản phẩm khi thị trường ổn định trở lại, cũng là để chị em rèn luyện tay nghề có bù đắp thu nhập.
Mới đây, HTX Mường Hoa là một trong những mô hình được dự án Thúc đẩy doanh nhân nữ Lào Cai mở rộng kinh doanh lựa chọn giúp đỡ nhằm tháo gỡ khó khăn. Theo đó, ngoài việc được hỗ trợ đồng hành trong sáu tháng, các thành viên HTX còn được hướng dẫn xây dựng chuỗi giá trị hợp lý, sử dụng mạng xã hội để bán hàng.
Ðây là đòn bẩy quan trọng giúp thành viên HTX trang bị thêm kỹ năng, kiến thức để tự tin mở rộng phát triển sự nghiệp kinh doanh của mình. Chị Sùng Thị Lan chia sẻ: "Sự hoạch định, cố vấn đồng hành của địa phương và dự án đã giúp HTX năng động, nhạy bén hơn trong tiếp cận thị trường, từ đó giúp chúng tôi khắc phục được phần nào khó khăn do ảnh hưởng của đại dịch Covid-19".
Hay như HTX Hoàng Liên đang được Liên minh HTX tỉnh định hướng phát triển theo hướng xanh để xây dựng chuỗi bền vững, thông qua việc hỗ trợ chế biến và đóng gói sản phẩm.
Ông Trương Mạnh Hùng, Chủ tịch Liên minh HTX tỉnh Lào Cai, cho biết Liên minh HTX tỉnh đang tư vấn HTX Hoàng Liên tập trung vào phát triển các sản phẩm vốn là thế mạnh địa phương, phù hợp với sinh thái và môi trường. Đồng thời, cần đẩy mạnh nghiên cứu sản phẩm, nghiên cứu thị trường, phát huy tính sáng tạo, tạo ra nhiều dòng sản phẩm từ sản phẩm gốc ban đầu để phát huy tối đa chuỗi giá trị gia tăng của sản phẩm.
Vĩnh Bảo