Được sự hỗ trợ của chính quyền địa phương, ông Đặng Ngọc Phố, một người con dân tộc Dao ở xã Hồng Thái đã mạnh dạn đứng ra thành lập HTX Sơn Trà với mục đích bảo tồn và phát triển hàng trăm ha giống trà cổ trăm tuổi. Từ đó phát triển thương hiệu, đưa sản phẩm chè Shan tuyết vươn ra thị trường trong và ngoài nước.
Người nặng lòng với cây chè
Xã Hồng Thái, huyện Na Hang nằm ở độ cao trung bình trên 1.000m so với mực nước biển, địa hình núi cao có độ dốc lớn, cảnh sắc thơ mộng, khí hậu quanh năm mát mẻ.
Những người cao niên ở đây kể lại rằng, chè Shan tuyết có nguồn gốc từ rất lâu đời. Chỉ biết khi lớn lên đã thấy những cây chè cổ thụ. Trước đây, người Dao, người Mông ở bản chưa biết quý trọng cây chè, cứ để mặc cây tự lớn với nắng mưa, sương gió. Chè chủ yếu là hái về rồi sao lên để gia đình uống. Vì không có giá trị nên nhiều năm trước, có những gia đình đã chặt đi hàng nghìn cây chè cổ thụ để trồng cây ăn quả và những loại cây trồng khác.
Trước sự tàn phá của người dân với cây chè, là người dân bản địa, anh Phố nhận thấy, đây là chè cổ thụ, sạch nên đã có suy nghĩ phải làm sao sử dụng chè để kinh doanh chứ không chỉ đơn thuần là sử dụng phục vụ mục đích uống của người dân địa phương.
![]() |
Audio Player
Anh Đặng Ngọc Phố, dân tộc Dao, Phó Giám đốc HTX Sơn Trà giới thiệu các sản phẩm chè Shan tuyết. |
“Chỉ có khai thác, chế biến và kinh doanh thì mới nâng cao giá trị của cây chè, từ đó người dân mới không chặt phá những cây chè cổ thụ”, anh Phố nói.
Là người dám nghĩ, dám làm, năm 2014 anh Phố chính thức bắt tay vào làm chè. Ban đầu, rất nhiều khó khăn như thiếu kinh phí để thu mua chè, không có vốn đầu tư phương tiện máy móc, chè làm ra không đạt chất lượng, cho không ai nhận, bán chẳng ai mua. Nhưng, khó khăn không làm anh nản lòng, anh vẫn quyết tâm đi trên con đường mà mình đã lựa chọn.
“Tôi muốn làm ra sản phẩm chè sạch 100% từ cây chè tại địa phương và tôi tin sẽ làm ra loại chè chất lượng được mọi người đón nhận”, anh Phố nhớ lại.
Để đạt mục tiêu, anh Phố không ngại tìm đến các cơ sở chè lâu năm tại Thái Nguyên, Hà Nội để học hỏi, mời những chuyên gia từ Hiệp hội chè về đào tạo kỹ thuật, hướng dẫn bà con cách trồng, chăm sóc cây chè, thu hoạch chè sao cho đúng, để cây chè luôn đạt sản lượng cao nhất. Mỗi lần chuyên gia đến giảng dạy, là một lần được đúc rút thêm những kinh nghiệm quý báu.
Nắm được những kỹ thuật từ thu hái, phơi chè, chế biến, anh Phố nhập máy móc từ Đài Loan về với mục đích kiểm soát tốt nhiệt độ, thời gian, để cho ra sản phẩm chè chất lượng tốt nhất.
“Mỗi mẻ chè thu hoạch tôi đều kiểm tra kỹ từng búp, thành phẩm làm ra đều phải do chính tay tôi pha uống thử, nước chè phải có màu xanh, hương vị thơm của lá, mà không được pha bất kỳ hợp chất nào tôi mới dám đưa ra thị trường. Làm nghề này như làm dâu trăm họ, mình có ưng thì mọi người mới thuận và quay lại với mình”, anh Phố tâm sự.
![]() |
Người lao động của HTX Sơn trà đang thu hái chè. |
Sau khi có được những sản phẩm ưng ý, anh Phố gửi sản phẩm đến bạn bè, bà con để dùng thử, đánh giá và góp ý. Mỗi lần bán ra anh đều chờ khách hàng dùng thử và đợi phản hồi từ khách. Khách mua mà không quay lại anh suy nghĩ nguyên nhân, tìm cách hỏi thăm khách hàng để nhận được những lời đánh giá, nhận xét, góp ý… Khi sản phẩm chè được mọi người nhiệt tình ủng hộ, anh nhờ chính quyền huyện hỗ trợ về thiết kế mẫu mã sản phẩm, kiểm định chất lượng để đưa ra thị trường.
Với suy nghĩ "đi một mình sẽ không đi được xa", vậy là anh Phố đã trao đổi với các hộ dân trong xã cùng nhau tham gia tổ hợp tác (THT) sản xuất chè. Trong quá trình tổ chức sản xuất, kinh doanh nhận thấy hoạt động của THT có nhiều hạn chế, năm 2017 các thành viên THT đã đầu tư máy móc thiết bị hiện đại như: máy sao công nghệ Đài Loan, máy vò, máy sàng, máy đóng gói hút chân không...
Để hương chè Shan tuyết mãi bay xa
Tháng 6/2018, được sự hỗ trợ của chính quyền địa phương và Liên minh HTX tỉnh Tuyên Quang, anh Phố cùng 8 thành viên khác đã chính thức thành lập HTX Sơn Trà, đồng thời ký kết thu mua toàn bộ chè của người dân địa phương với tổng diện tích hơn 64 ha của 80 hộ dân trong toàn xã.
Đến nay sản phẩm chè Shan tuyết của HTX Sơn Trà do anh Đặng Ngọc Phố, dân tộc Dao làm Phó Giám đốc đã trở thành “đặc sản” nổi tiếng của huyện Na Hang và được trưng bày tại gian hàng của Nhà khách huyện Na Hang. Với sự nỗ lực không ngừng nghỉ, hiện HTX Sơn Trà đã xây dựng được nhiều điểm trưng bày, giới thiệu và bán hàng như: 3 cơ sở ở Hà Nội, 2 cơ sở ở Quảng Ninh, 1 cơ sở ở Hải Phòng, 1 cơ sở ở Thanh Hóa… nhằm mục đích giới thiệu đến đông đảo người dân và khách du lịch.
Để đảm bảo sản lượng chè cung cấp cho sản xuất, mỗi năm HTX thu mua trên 150 tấn chè búp tươi của bà con, tăng thu nhập cho các hộ trồng chè, tạo việc làm thường xuyên cho 6 - 7 công nhân, thu nhập bình quân của thành viên và người lao động trong HTX từ 5-7 triệu đồng/người/tháng.
Đến nay, sản phẩm chè Shan tuyết Na Hang đã được cấp nhãn hiệu hàng hóa, tem truy xuất nguồn gốc, xuất xứ, được thị trường trong và ngoài tỉnh ưa chuộng. Nhờ đó, cây chè Shan tuyết từ cây rừng hoang nay đã cho người dân ở Hồng Thái thu nhập bình quân đạt 35 triệu đồng/ha/năm, trở thành một trong những sản phẩm OCOP mạnh ở địa phương. Năm 2021, HTX Sơn Trà phấn đấu bán ra thị trường 12 - 15 tấn chè Shan tuyết thành phẩm, doanh thu đạt 4 - 5 tỷ đồng.
“Ngày 28/8/2019 tại buổi tiếp đón Thủ tướng Malaysia Mahathir Mohamad trong chuyến thăm chính thức Việt Nam, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc (nay là Chủ tịch nước) đã chọn sản phẩm chè Shan tuyết của HTX Sơn Trà, xã Hồng Thái (Na Hang) làm quà tặng Thủ tướng Malaysia. Đây là niềm vinh dự và tự hào cho HTX nói riêng và cho đặc sản chè Shan tuyết của địa phương nói chung”, anh Phố nói.
Phạm Duy
Bài cuối: Chỉ dẫn địa lý giúp chè Na Hang vươn xa