Trụ sở HTX Mai Anh ở thôn Giàng Tra, xã SaPả (SaPa, Lào Cai), cách tâm điểm thị trấn du lịch SaPa khoảng 15 phút đường đi rẽ vào hướng núi cao. Hầu hết thành viên đều là người Mông, nên vai trò xã hội đặc biệt của HTX này đã khơi dậy tính hợp tác của người dân tộc thiểu số, vốn quen lối sống mưu sinh tự cung tự cấp.
Đòn bẩy Hợp tác xã
Theo ông Bùi Trọng Trung - Giám đốc HTX Mai Anh, HTX chuyên sản xuất và kinh doanh rau củ quả và các ngành nghề rau hoa liên quan, được thành lập ngày 20/8/2012 và đăng ký lại theo Luật HTX 2012 vào ngày 20/2/2016.
Để tổ chức và quản lý hoạt động kinh doanh, HTX chủ trương sử dụng lao động bản địa, vận động các hộ dân có đất liền kề vào HTX bằng hình thức góp đất, góp công cùng sản xuất theo phương án chung. Khi đến vụ thu hoạch rau, HTX bao tiêu toàn bộ sản phẩm, trả đầy đủ tiền bán rau cho thành viên sau khi trừ các chi phí dịch vụ đầu vào.
Do mới thành lập và đang trong thời kỳ kiến thiết cơ bản, sản lượng sản phẩm HTX và thu nhập các thành viên chưa ổn định. HTX có 30 hộ thành viên, với tổng diện tích đất trồng rau khoảng 40ha, mỗi năm 3 vụ rau cho sản lượng 1.500 tấn.
Trong 3 năm gần đây nhất (2014 - 2016), HTX duy trì vốn điều lệ 800 triệu đồng, tổng vốn hoạt động tăng từ 400 triệu lên hơn 1 tỷ đồng, doanh thu dao động khoảng 1 - 2 tỷ đồng, thu nhập mỗi hộ thành viên khoảng 6 – 7 triệu đồng. HTX ra đời đáp ứng nhu cầu sản xuất và tiêu thụ rau của các hộ dân ở các xã SaPả, Tả Phìn, Trung Chải, Bản Phùng…
Nhờ chủ động liên kết với các DN uy tín, như công ty Bình Điền (Long An), công ty Phân bón Lào Cai, HTX duy trì tốt hoạt động hỗ trợ thành viên và các hộ dân các dịch vụ đầu vào, kỹ thuật, kinh nghiệm chăm sóc các chủng loại rau theo mùa vụ, như cải bắp, cải thảo, su hào, súp lơ…
Cuối năm 2016, báo cáo với ông Nguyễn Đắc Thắng - Phó Chủ tịch Thường trực Liên minh HTX Việt Nam, trong chuyến đi khảo sát hỗ trợ HTX, Giám đốc HTX – ông Bùi Trọng Trung, khẳng định: “Ở nhiều xã núi ngoại vi tâm điểm du lịch SaPa, khi chưa ra đời HTX Mai Anh, hầu như ruộng nương chưa có rau. HTX đã trở thành “đòn bẩy” dẫn đường cho không ít hộ dân ở xã Sa Pả và nhiều xã lân cận chuyển sang làm rau và sản xuất theo tiêu chuẩn VietGap, từ đó đã tạo việc làm ổn định và nâng cao thu nhập, góp phần xóa đói giảm nghèo cho đồng bào vùng núi cao Tây Bắc”.
Mô hình sản xuất RAT VietGap tại HTX
Tạo cơ hội kết nối HTX với quốc tế
Trao đổi với Thời báo Kinh Doanh ngày 18/3, ông Phạm Đức Cường - Chủ tịch Liên minh HTX tỉnh Lào Cai, cho biết hướng tới Hội chợ Hàng nông sản và TTCN Việt Nam (sự kiện quan trọng tổ chức bên lề Hội nghị Bộ Trưởng HTX châu Á - Thái Bình Dương), tỉnh Lào Cai đã thống nhất giao Liên minh HTX tỉnh làm đầu mối lựa chọn các HTX theo các nhóm hàng thổ cẩm, mỹ nghệ, đặc sản nổi tiếng vùng núi Lào Cai, trong đó có hình ảnh quảng bá HTX Mai Anh kết nối mở rộng quan hệ hợp tác đầu tư và tiêu thụ sản phẩm với thị trường trong nước và quốc tế.
HTX Mai Anh trên thực tế đang đi từng bước vững chắc sản xuất RAT theo tiêu chuẩn VietGap. Để hoàn thành mục tiêu đề ra tới đây, HTX đang tính các giải pháp kêu gọi các nguồn lực hỗ trợ của Nhà nước, các mối quan hệ hợp tác liên kết với các tổ chức, DN trong và ngoài nước, đầu tư chiều sâu, mở rộng thị trường về Hà Nội và xa hơn nữa...
Theo ông Phạm Đức Cường - Chủ tịch Liên minh HTX tỉnh Lào Cai, HTX Mai Anh nằm trong số 15 HTX toàn tỉnh đang được các cấp ngành và trực tiếp là Liên minh HTX tỉnh Lào Cai hỗ trợ xây dựng “điểm” mô hình HTX kiểu mới gắn với chuỗi giá trị sản phẩm hàng hóa ở Lào Cai và ở vùng Tây Bắc.
Để chuẩn bị tham gia Hội chợ bên lề Hội nghị Bộ trưởng HTX tại Hà Nội, đối với riêng nhóm sản phẩm RAT của HTX Mai Anh cũng như các mặt hàng nông sản thực phẩm tươi sống, Liên minh HTX tỉnh dự kiến làm sẵn mô hình, hình ảnh giới thiệu địa chỉ, quy trình chuỗi sản xuất an toàn và quảng bá kết nối mở rộng hợp tác đầu tư, mở rộng thị trường tiêu thụ sản phẩm trong và ngoài nước.
Lưu Đoàn