Như nội dung báo cáo với Đoàn công tác đi thực tế Lào Cai, do Ban Kinh tế Trung ương chủ trì vừa qua, UBND tỉnh này đã ban hành Đề án phát triển HTX giai đoạn 2011 - 2015 và định hướng đến năm 2020. Trong đó, quan điểm của tỉnh Lào Cai là phát triển kinh tế tập thể (KTTT) gắn với việc giải quyết đồng bộ các mục tiêu như cơ cấu lại ngành nông nghiệp, phát triển nông nghiệp, nông dân, nông thôn và chương trình xây dựng nông thôn mới.
Chính sách HTX lồng ghép
Theo Liên minh HTX tỉnh Lào Cai, thể chế hóa quan điểm trên của tỉnh, việc hỗ trợ phát triển KTTT của tỉnh hiện nay được thực hiện lồng ghép trong các cơ chế, chính sách có tác động lớn đối với KTTT, bao gồm đất đai, tín dụng, đào tạo, dạy nghề, khuyến nông, khuyến ngư và khuyến công.
Trên địa bàn Lào Cai hiện có gần 4.500 tổ hợp tác (THT) và 289 HTX các loại hình, trong đó năm 2014 phát triển mới 35 HTX và giải thể 2 HTX. Những địa bàn có số lượng lớn HTX là Tp.Lào Cai (76 HTX), các huyện Văn Bàn (50 HTX), SaPa (42 HTX), Bát Xát (37 HTX)…
HTX sản xuất chế biến cá nước lạnh SaPa đang có triển vọng phát triển
Về kết quả triển khai một số chính sách hỗ trợ phát triển KTTT và HTX, đến nay tỉnh Lào Cai đã giao đất không thu tiền sử dụng đất cho 2 HTX (diện tích gần 16,6ha, đã cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất - sổ đỏ), cho 53 HTX thuê đất với tổng diện tích gần 216ha, có 18 HTX được cấp sổ đỏ, trên diện tích trên 148ha. Trong đó năm vừa qua có 2 HTX thuê 21.461m2 đất và 2 HTX được cấp 11.461m2 đất sổ đỏ. Thế nhưng, ngoai 62 HTX có trụ sở riêng, còn hầu hết HTX chưa có đất, hoặc chưa có điều kiện đầu tư, phải mượn hoặc thuê nhà thành viên HTX làm trụ sở.
Tổng hợp về chính sách tín dụng, có 22 HTX vay vốn ngân hàng thương mại khoảng 31 tỷ đồng, có 3 HTX vay 2,85 tỷ đồng từ Quỹ hỗ trợ phát triển HTX Trung ương và 3 HTX vay 910 triệu đồng từ nguồn vốn 120 của Liên minh HTX…
Trong khi đó, ở lĩnh vực nông nghiệp chỉ có một số HTX đổi mới hoạt động theo hướng tổng hợp và chuyên sâu, như chăn nuôi gia súc, gia cầm, rau sạch, nuôi cá nước lạnh… có triển vọng phát triển tốt. Còn khá nhiều HTX nông nghiệp hoạt động cầm chừng, chưa định hướng được thành viên HTX sản xuất và chưa tìm đầu ra sản phẩm.
Đáng nói hơn, những khó khăn của các HTX đã tồn tại nhiều năm nhưng chậm được khắc phục, đó là về vốn, cơ sở vật chất, trình độ quản lý, chất lượng nguồn nhân lực… Cụ thể, hầu hết HTX phi nông, nhất là HTX công nghiệp - TTCN còn thiếu vốn đầu tư thiết bị, sản phẩm kém chất lượng đã tác động tiêu cực đến hiệu quả hoạt động.
Kiến nghị cơ chế bảo đảm
Mới đây, ông Nguyễn Khắc Dũng, Phó Chủ tịch Liên minh HTX tỉnh Lào Cai, cho rằng Đảng và Nhà nước đều coi trọng vai trò, vị trí của KTTT và HTX, nhưng cơ chế chính sách HTX thiếu đồng bộ, sự phối hợp giữa cá nhân, tổ chức hỗ trợ HTX chưa tốt. Nhiều chế độ chính sách Nhà nước ưu đãi cho HTX, cho nông dân không được thực hiện.
Ví như Nghị định 41 cho HTX vay vốn phát triển sản xuất nông nghiệp không cần thế chấp, nhưng đến nay không có HTX nào được vay. Mặt khác, các HTX hầu như không được tiếp cận thông tin về quy hoạch sử dụng đất, về phân bổ các nguồn tài chính cho đầu tư phát triển, về nâng cao năng lực cạnh tranh hội nhập.
Theo ông Dũng, các cấp ngành liên quan cần xây dựng cơ chế bảo đảm để chế độ, chính sách ưu đai HTX đến được với HTX và nông dân. Cơ chế đó cũng phải đồng thời bảo đảm quyền được tiếp cận thông tin của HTX để phục vụ tổ chức hoạt động, hỗ trợ phát triển và nâng cao năng lực hội nhập.
Liên minh HTX tỉnh đang kiến nghị với UBND tỉnh cần triển khai tốt chính sách lồng ghép có tác động trực tiếp hoặc gián tiếp đến HTX. Cụ thể, tỉnh chỉ đạo tiếp tục thực hiện hiệu quả hơn các tiểu hợp phần, bao gồm “Hỗ trợ sinh kế và dịch vụ sản xuất”, hỗ trợ các hoạt động phát triển kinh tế xã hội cho phụ nữ theo dự án giảm nghèo tỉnh Lào Cai giai đoạn 2… Từ đó củng cố rút kinh nghiệm cho hoạt động của THT, HTX trong các lĩnh vực sản xuất kinh doanh ở vùng sâu, vùng xa.
Lưu Đoàn