Hùng Sơn là một xã miền núi của huyện Anh Sơn được biết tới là "thủ phủ" trồng chè ở Nghệ An. Những đồi trọc ở vùng Khe Lầy trước đây được mệnh danh là đồi “chết”, nay trở thành đồi chè xanh ngát liền khoảnh rộng hơn 50 ha... Sau 20 năm gây dựng, Hùng Sơn trở thành vựa chè của huyện Anh Sơn và của Nghệ An với hơn 600 ha chè.
Liên kết để sản xuất hiệu quả
Để xây dựng chuỗi liên kết hiệu quả, xã Hùng Sơn cũng thành lập các tổ hợp tác, HTX chế biến chè với năng lực chế biến đạt 100 tấn chè búp tươi/ngày, đảm bảo đầu ra bền vững cho sản phẩm chè của đồng bào dân tộc ở địa phương.
![]() |
Xây dựng vùng nguyên liệu chè quy mô lớn để nâng cao đời sống cho bà con dân tộc. |
Năm 2020, xã Hùng Sơn sản xuất và tiêu thụ được hơn 10 nghìn tấn chè các loại, đạt doanh thu gần 40 tỷ đồng. Trong đó, chè xanh Hùng Sơn với mẫu mã đẹp của HTX chè xanh Minh Sáng đạt 3 sao OCOP (chương trình mỗi xã một sản phẩm).
Bà Trần Thị Lý, Giám đốc HTX chè xanh Minh Sáng cho biết: HTX đã hướng dẫn cho các thành viên, trong đó có người dân tộc thiểu số trồng chè theo theo tiêu chuẩn sạch, không phun thuốc, các hộ thu hái bằng tay “một tôm, hai lá”. Chính vì thế, chè xanh Minh Sáng đã có mặt ở các siêu thị trong khắp cả nước và được người tiêu dùng tin dùng...
Theo ông Nguyễn Hữu Sáng, Chủ tịch HĐND huyện Anh Sơn, với quyết tâm xây dựng Anh Sơn nằm trong tốp đầu các huyện miền núi của tỉnh Nghệ An, thời gian tới, huyện tiếp tục nâng cao năng lực lãnh đạo, sức chiến đấu của tổ chức Đảng, phát huy dân chủ, ý chí, khát vọng, sức mạnh tổng hợp của cả hệ thống chính trị, tạo niềm tin và sự đồng thuận trong nhân dân; tiếp tục đổi mới, sáng tạo để có bước đột phá trong phát triển kinh tế - xã hội; không ngừng nâng cao chất lượng xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh; thường xuyên giữ vững quốc phòng - an ninh; khai thác tốt tiềm năng, lợi thế của huyện, phấn đấu xây dựng huyện Anh Sơn phát triển nhanh và toàn diện.
Trong đó, nhiệm vụ trọng tâm là chuyển dịch cơ cấu trong nội ngành nông nghiệp theo hướng nâng cao tỷ trọng các sản phẩm nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao; thu hút đầu tư xây dựng nhà máy chế biến, tiêu thụ sản phẩm. Đặc biệt, nhân rộng các mô hình chăn nuôi gia súc, gia cầm tập trung, hiệu quả cao theo mô hình tổ hợp tác, HTX...
Hiện nay, huyện Anh Sơn đã thực hiện các chính sách dân tộc trên địa bàn với tổng kinh phí 145,4 tỷ đồng. Trong đó: đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng 42,37 tỷ đồng; hỗ trợ phát triển sản xuất chương trình 135 là 5,16 tỷ đồng; hỗ trợ các chính sách 90,63 tỷ đồng; hỗ trợ vốn vay tín dụng 7,244 tỷ đồng.
Việc hỗ trợ đã khuyến khích đồng bào vùng dân tộc thiểu số tham gia phát triển kinh tế, nâng cao đời sống. Năm 2015, tỷ lệ hộ nghèo toàn huyện là 10,52%, tỷ lệ hộ nghèo trong đồng bào dân tộc thiểu số là 47,11%, đến năm 2020 đã giảm xuống lần lượt còn 2,47% và 4,64%; tốc độ tăng trưởng kinh tế năm 2015 đạt 5,75%, năm 2020 đạt 10,13%.
Kết hợp nhiều mục tiêu
Kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội thiết yếu được đầu tư xây dựng, đến nay đã có 100% số xã có đường ô tô đến trung tâm; 100% số hộ dân tộc thiểu số được sử dụng điện lưới quốc gia; 100% số xã được phủ sóng phát thanh, truyền hình; 100% số xã có hạ tầng viễn thông; có 24 trường học trên địa bàn 8 xã; 8/8 xã có trạm y tế.
![]() |
Diện mạo mới ở xã vùng biên Phúc Sơn. |
Bên cạnh đó, công tác giáo dục, đào tạo cán bộ cho địa phương vùng đồng bào dân tộc thiểu số và đối với cán bộ là người đồng bào dân tộc thiểu số có nhiều chuyển biến, đạt hiệu quả cao. Số cán bộ công chức người dân tộc làm ở cấp huyện là 4 người; cấp xã 12 người, trong đó tham gia cấp ủy huyện 2 người, cấp ủy, HĐND, UBND và các chức danh chủ chốt cấp xã 4 người.
Đời sống văn hóa, tinh thần của các dân tộc thiểu số có nhiều khởi sắc; các giá trị văn hóa dân tộc được quan tâm bảo tồn và phát huy thông qua các chính sách ưu tiên khuyến khích phát triển làng nghề, làng có nghề, công tác bảo tồn và phát huy bản sắc văn hóa ở vùng đồng bào dân tộc thiểu số do cấp ủy chỉ đạo như: Nghề dệt thổ cẩm ở bản Bộng, xã Thành Sơn; nghề đan mây, tre mỹ nghệ ở bản Vều, xã Phúc Sơn và xã Cẩm Sơn; bảo tồn và phát huy văn hóa cồng chiêng ở các bản đồng bào dân tộc (đến nay đã trang bị 10 bộ cồng chiêng ở 3 xã) gắn với phát triển du lịch sinh thái...
Ông Thái Thanh Quý, Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh Nghệ An đánh giá, Anh Sơn có lợi thế so sánh mang đặc trưng riêng của một huyện trung du miền núi của tỉnh. Bên cạnh đó, cùng với những thành tựu của đất nước, của tỉnh và những nền tảng vững chắc đã tạo dựng được trong quá trình phát triển vừa qua, Anh Sơn có nhiều điều kiện và thời cơ thuận lợi để phát triển đột phá, nhanh và bền vững hơn trong bối cảnh mới.
Theo đó, trong thời gian tới, huyện Anh Sơn cần tập trung cơ cấu lại, nâng cao hiệu quả, giá trị gia tăng kinh tế ngành nông, lâm nghiệp theo hướng hữu cơ, nông nghiệp sạch, công nghệ cao, thân thiện với môi trường và thích ứng với biến đổi khí hậu. Trước hết, là duy trì và mở rộng hợp lý diện tích, tăng cường ứng dụng khoa học kỹ thuật, nâng cao năng suất, chất lượng, sản lượng cây công nghiệp chủ lực đáp ứng nguyên liệu sản xuất chế biến đã được xác định và quy hoạch như: chè, mía… tạo ra các sản phẩm chủ lực có giá trị cao, thị trường ổn định.
Thực tế thời gian qua, rau màu đã được gieo trồng ở nhiều xã trong huyện và mang lại hiệu quả cao, tuy nhiên còn mang tính tự phát, mạnh ai nấy làm. "Tôi đề nghị huyện cần mạnh dạn quy hoạch, đầu tư khoa học kỹ thuật, chú trọng liên kết sản xuất theo hình thức tổ, đội, HTX liên kết với các doanh nghiệp để phát triển Anh Sơn thành “thủ phủ” rau, củ, quả ngắn ngày đảm bảo an toàn sinh học, đạt tiêu chuẩn thực phẩm sạch của khu vực miền Tây, hướng đến thị trường ở các đô thị, trung tâm thương mại trong và ngoài tỉnh, kể cả xuất khẩu để nâng cao giá trị kinh tế của nông sản cho người dân, đặc biệt là vùng dân tộc thiểu số", ông Quý nhấn mạnh.
Thy Lê