Là huyện miền núi phía Tây của tỉnh Nghệ An, Anh Sơn có nhiều điều kiện thuận lợi để phát triển cây chè. Theo số liệu của Phòng NN&PTNN Anh Sơn, huyện hiện có 2.500ha chè nguyên liệu, trong đó hơn 1.700ha đã cho thu hoạch. Chè Anh Sơn hằng năm cung cấp cho thị trường trên dưới 20.000 tấn chủ yếu phục vụ nhu cầu tiêu dùng trong tỉnh Nghệ An, khu vực Bắc Trung bộ và một phần dành cho xuất khẩu.
Tiềm năng cây chè, điểm sáng Hùng Sơn
Việc đầu tư mạnh mẽ vào phát triển sản xuất cây chè với ưu tiên “là cây công nghiệp mũi nhọn của vùng” đã biến chè thành “cây đổi đời” cho người dân nơi đây, với thu nhập từ hàng chục đến hàng trăm triệu đồng mỗi năm.
Khi cây chè ở Anh Sơn mang lại hiệu quả cao nhãn tiền, tất yếu quy mô phát triển được mở rộng, tính tổ chức trong sản xuất, tiêu thụ ngày càng chặt chẽ, tạo nên những chuỗi giá trị thông suốt và lợi nhuận tối ưu trên thị trường. Lúc này, kiểu sản xuất truyền thống theo hộ gia đình nhỏ lẻ, manh mún sẽ bị phá vỡ bởi sự khắc nghiệt của cơ chế thị trường và nếu muốn tồn tại thì các gia đình cá thể buộc phải liên kết với nhau, cùng tạo ra những nguồn lực to lớn để đủ sức đối phó với những thách thức khó lường của thị trường. Đó là quy luật tất yếu và cũng là yêu cầu bức thiết của thực tiễn dẫn đến sự ra đời của mô hình HTX.
Tại Anh Sơn hiện nay, dù huyện có nhiều vùng được quy hoạch sản xuất chè với diện tích rất lớn, nhưng mới chỉ có 1 HTX được thành lập ở xã Hùng Sơn. Kể từ lúc thành lập đến nay, HTX Hùng Sơn đã chứng minh được tính ưu việt của mô hình HTX đối với việc phát triển cây chè ở địa phương.
![]() |
Xã viên HTX Chè Hùng Sơn thu hoạch chè
Theo ông Hoàng Đình Mỹ, Chủ tịch UBND xã Hùng Sơn, HTX chè đã thu hút được hơn 600 hộ tham gia. Bên cạnh các nhiệm vụ cơ bản của một HTX truyền thống là chuyên cung cấp các dịch vụ đầu vào cho quá trình sản xuất như con giống, phân bón, thuốc bảo vệ thực vật, hệ thống điện nước… HTX còn chủ động tìm thị trường tiêu thụ cho sản phẩm, khi đại diện cho xã viên ký hợp đồng bao tiêu sản phẩm với 3 nhà máy chè trên địa bàn. Nhờ đầu ra ổn định mà xã viên yên tâm sản xuất, chất lượng chè ngày càng tăng lên.
“Với diện tích 533ha, 6 tháng đầu năm nay, sản lượng chè tại Hùng Sơn đạt 4.700 tấn, lợi nhuận thu về trên dưới 17 tỷ đồng. Và, điều ý nghĩa hơn cả là chính nhờ nguồn thu ổn định từ cây chè mà từ một xã nghèo vài năm về trước, Hùng Sơn đã nhanh chóng “trở mình” đạt được tiêu chí 10 về thu nhập bình quân đầu người trong xây dựng nông thôn mới, cũng như là xã cán đích nông thôn mới đầu tiên và nhanh nhất của huyện. Thành công này là thành quả từ sự nỗ lực hết mình của Đảng bộ, chính quyền và nhân dân xã trong đó không thể thiếu vai trò to lớn của HTX trên mặt trận kinh tế”, ông Mỹ tự hào cho biết.
Những định hướng trong tương lai
Trao đổi với Thời báo Kinh Doanh, ông Nguyễn Ngọc Giang - Phó Trưởng phòng NN&PTNN huyện Anh Sơn, cho biết: “Xác định chè là cây công nghiệp chiến lược của địa phương, trong những năm qua, huyện đã quy hoạch, sản xuất tập trung các vùng chè nguyên liệu có năng suất cao như ở Hùng Sơn, Long Sơn, Phúc Sơn để cung cấp nguồn nguyên liệu cho các nhà máy trên địa bàn. Thời gian tới, Phòng NN&PTNN huyện tiếp tục mở các lớp tập huấn về KH-KT cho các hộ trồng chè trên địa bàn. Đồng thời cử các cán bộ khuyến nông có kinh nghiệm trực tiếp bám địa bàn, hướng dẫn, trợ giúp về KH-KT cho nông dân theo suốt quá trình sinh trưởng và phát triển của cây chè cũng như trong suốt quy trình trồng, chăm sóc, thu hoạch bảo quản”.
Từ điểm sáng phát triển HTX ở xã Hùng Sơn, vấn đề thành lập và phát triển các HTX trên địa bàn huyện để tạo điều kiện tiếp tục “làm mạnh cây chè”, tạo “đòn bẩy” thúc đẩy ngành nông nghiệp ở địa phương phát triển đang rất được lãnh đạo huyện Anh Sơn quan tâm chỉ đạo. Ông Nguyễn Hữu Sáng, Chủ tịch UBND huyện Anh Sơn, chỉ rõ: “Để tái cơ cấu ngành nông nghiệp theo hướng nâng cao giá trị và phát triển bền vững, ngoài việc phát huy tiềm năng sẵn có của vùng với lấy phát triển cây chè và các sản phẩm từ cây chè là trung tâm thì bên cạnh việc quy hoạch, xây dựng các vùng sản xuất chè tập trung có chất lượng cao, cần thiết phải thành lập các HTX chuyên về cây chè. Trước mắt các HTX này có nhiệm vụ liên kết các hộ gia đình sản xuất nhỏ lẻ vào một khối thống nhất, đảm bảo cung cấp các yếu tố cần và đủ để họ sản xuất theo một quy trình quy định. Khi các HTX trưởng thành, sẽ tự mình gánh vác mọi quy trình trong chuỗi giá trị của cây chè, từ bảo đảm các yếu tố đầu vào đến chế biến, bảo quản và rất có thể là đưa thương hiệu chè Anh Sơn xuất ngoại”.
Nguyễn Hiếu