Giữa tháng 8/2023 ở ấp Rạch Cá, xã Hàm Tân (huyện Trà Cú) đã khánh thành đường giao thông nông thôn với kết cấu bê tông cốt thép có chiều dài 22m, chiều rộng 2,7m, tổng kinh phí xây dựng 165 triệu đồng từ sự vận động đóng góp của Đại đức Thích Minh Trí – Chánh văn phòng Ban trị sự Giáo hội Phật giáo tỉnh Trà Vinh cùng các phật tử và mạnh thường quân.
Những việc làm thiết thực
Chính quyền địa phương đã bày tỏ sự cảm ơn, quan tâm của Đại đức Thích Minh Trí và mạnh thường quân đã hỗ trợ cho địa phương xây dựng công trình đầy thiết thực và ý nghĩa này, không chỉ góp phần phát triển hạ tầng của địa phương mà còn tạo điều kiện rất thuận lợi cho người dân trong quá trình đi lại và làm ăn để cuộc sống ngày càng được cải thiện.
Các chư tăng, phật tử đã có nhiều đóng góp trong xây dựng cầu, đường nông thôn ở huyện Trà Cú. |
Đây là cây cầu thứ 2 do Đại đức Thích Minh Trí vận động xây dựng tại xã Hàm Tân. Như hồi tháng 3/2023, Đại đức Thích Minh Trí đã kết hợp cùng chính quyền địa phương và nhà tài trợ xây dựng cầu A Di Đà Đại nguyện 7 tại xã với chiều dài 30m, ngang 3,5, kinh phí xây dựng 290 triệu đồng do quý mạnh thường quân gần xa đóng góp, bà con phật tử địa phương góp ngày công xây dựng.
Người dân xã Hàm Tân thuộc diện nghèo và khó khăn của huyện, tập trung đông đảo đồng bào dân tộc Khmer, do kinh tế xã còn nhiều khó khăn nên việc xây dựng cầu đường đi lại cho bà con còn gặp nhiều hạn chế. Chính vì vậy, việc xây dựng những cây cầu như trên từ sự đóng góp của chư tăng, quý phật tử là rất thiết thực.
Đại đức Thích Minh Trí cho biết việc các mạnh thường quân, phật tử trong thời gian qua đã luôn đồng hành chung tay xây dựng rất nhiều cây cầu cùng đường bê tông nông thôn đã giúp bà con lưu thông hàng hóa, các em học sinh tới trường được thuận tiện hơn. Cũng như góp phần cùng chính quyền địa phương xây dựng quê hương ngày càng giàu đẹp.
Cần nhắc thêm, ở xã Hàm Tân thời gian gần đây cũng đẩy mạnh phát triển kinh tế hợp tác với sự tham gia của người dân địa phương vốn là những tín đồ theo Phật giáo. Như trong tháng 8/2023, ở xã đã ra mắt HTX nông nghiệp Phú nông Hàm Tân, có 42 thành viên đa phần là thanh niên trong xã, với tổng số vốn hoạt động 180 triệu đồng.
Đây được xem là HTX thanh niên, góp phần giải quyết việc làm, tăng thu nhập, cải thiện và ổn định đời sống cho các đoàn viên thanh niên trong xã. Mô hình này được kỳ vọng sẽ góp phần giúp xã Hàm Tân thực hiện thắng lợi mục tiêu đạt chuẩn xã nông thôn mới và thực hiện việc xây dựng mô hình kinh tế của thanh niên tại xã nông thôn mới.
“Đồng tâm, hiệp lực” giúp vùng quê tươi đẹp
Còn ở xã Phước Hưng (huyện Trà Cú) cũng vừa khởi công xây dựng cầu giao thông nông thôn ở ấp Ô Rung với chiều dài 17m, ngang 3,5m. Tổng kinh phí xây dựng 179 triệu đồng, trong đó, Hội Đoàn kết Sư sãi yêu nước huyện Trà Cú vận động nhóm mạnh thường quân hỗ trợ 143 triệu đồng và nhân dân, phật tử địa phương đóng góp 36 triệu đồng. Ngoài ra, nhóm mạnh thường quân còn hỗ trợ chi phí lắp đặt đèn đường năng lượng mặt trời trên cầu và 2 bên đường dẫn lên cầu.
Những cây cầu bê tông mới xây từ sự đóng góp của chư tăng và quý phật tử giúp bộ mặt nông thôn mới ở huyện Trà Cú ngày thêm khởi sắc. |
Theo chia sẻ của bà Trần Thị Chi, Chủ tịch UBND xã Phước Hưng, Trưởng Ban chỉ đạo xây dựng nông thôn mới xã, hiện nay xã đang tập trung thực hiện các tiêu chí nông thôn mới nâng cao. Việc Hội Đoàn kết Sư sãi yêu nước vận động mạnh thường quân và phật tử địa phương đóng góp xây dựng cầu ở ấp Ô Rung là việc làm có ý nghĩa thiết thực, góp phần vào xây dựng xã nông thôn mới nâng cao của xã Phước Hưng.
Trước đây, Phước Hưng là xã đặc biệt khó khăn của huyện Trà Cú. Từ khi triển khai thực hiện xây dựng xã nông thôn mới rồi nông thôn mới nâng cao, chính quyền và nhân dân, phật tử trong xã đã “đồng tâm, hiệp lực” ra sức xây dựng vùng quê ngày thêm tươi đẹp. Đến nay, đời sống người dân nói chung, đồng bào Khmer nói riêng trong xã không ngừng nâng lên cả vật chất và tinh thần, bộ mặt nông thôn mới không ngừng khởi sắc.
Thời gian qua, cùng với sự hưởng ứng của bà con phật tử địa phương, Hội Nông dân xã Phước Hưng đã vận động thành lập 35 tổ kinh tế hợp tác có 1.051 thành viên, diện tích sản xuất 817,23 ha; tham gia xây dựng 2 mô hình cánh đồng lớn, diện tích 319 ha, tổng số 21 tổ với 245 thành viên. Ngoài ra, hội này còn vận động nông dân tham gia vào HTX nông nghiệp có 127 thành viên, vận động nhân dân đăng ký chuyển đổi 23,3 ha đất sản xuất kém hiệu quả sang các mô hình sản xuất cây, màu có hiệu quả, năng suất cao.
Cùng với hai xã Hàm Tân và Phước Hưng, ở các địa phương khác trong huyện Trà Cú cũng tích cực xây dựng xã nông thôn mới với sự tham gia nhiệt thành của bà con phật tử. Bên cạnh đó, trong giai đoạn 2018 - 2022, Hội Đoàn kết Sư sãi yêu nước huyện Trà Cú đã vận động chư tăng, đồng bào phật tử hiến hơn 9.000m² đất, đóng góp hơn 40,4 tỷ đồng để xây dựng cầu nông thôn, nhà ở dân cư…
Đúng phương châm sống “tốt đời đẹp đạo”
Riêng từ đầu năm 2023 đến nay, Hội Đoàn kết Sư sãi yêu nước huyện Trà Cú đã vận động xây dựng các công trình phúc lợi xã hội tại địa phương, với tổng kinh phí hơn 3,5 tỷ đồng. Những việc làm thiết thực của hội này, đúng với phương châm sống “tốt đời đẹp đạo” đã góp phần cùng chính quyền và nhân dân huyện Trà Cú trong quá trình xây dựng huyện nông thôn mới.
Từ đầu năm 2023 đến nay, Hội Đoàn kết Sư sãi yêu nước huyện Trà Cú đã vận động xây dựng các công trình phúc lợi xã hội tại địa phương, với tổng kinh phí hơn 3,5 tỷ đồng. |
Đại đức Thạch Nhứt, Phó Chủ tịch Thường trực Hội Đoàn kết Sư sãi yêu nước huyện Trà Cú, trụ trì chùa Svay Siêm Thmay, cho biết: Mục tiêu xây dựng nông thôn mới của Đảng và Nhà nước là nhằm nâng cao đời sống vật chất và tinh thần của người dân nông thôn. Những việc làm của Hội Đoàn kết Sư sãi yêu nước huyện trong những năm qua như: Xây dựng cầu nông thôn, xây dựng nhà ở cho hộ nghèo, các hoạt động từ thiện xã hội… đều chung mục tiêu với Đảng và Nhà nước.
“Vì vậy, hàng năm Hội Đoàn kết Sư sãi yêu nước huyện xây dựng kế hoạch cụ thể để triển khai thực hiện. Qua đó, chư tăng, đồng bào phật tử trên địa bàn huyện luôn đồng hành với Hội tham gia xây dựng các công trình, phần việc cụ thể trong xây dựng huyện nông thôn mới”, Đại đức Thạch Nhứt chia sẻ.
Để góp phần giúp cho người dân địa phương giảm nghèo bền vững và giúp cho huyện đạt các tiêu chí về huyện nông thôn mới, những năm qua, Hội Đoàn kết Sư sãi yêu nước huyện Trà Cú đã phối hợp chặt chẽ với chính quyền địa phương và các ban, ngành, đoàn thể huyện vận động các ngành chức năng hướng dẫn đồng bào phật tử áp dụng khoa học - kỹ thuật trong sản xuất, tích cực tham gia phát triển kinh tế hợp tác, giúp nâng cao thu nhập, nâng cao đời sống, vật chất tinh thần.
Những HTX hoạt động hiệu quả đã minh chứng cho điều này. Điển hình phải kể đến HTX nông nghiệp Long Hiệp, ở xã Long Hiệp (huyện Trà Cú) được thành lập năm 2018, với 72 thành viên.
Hiện nay HTX này đang thực hiện liên kết xây dựng chuỗi giá trị thương hiệu gạo Hạt Ngọc Rồng là thương hiệu gạo đầu tiên của tỉnh Trà Vinh, cung ứng lúa giống chất lượng cao, bao tiêu sản phẩm, liên kết đầu ra, hỗ trợ kỹ thuật canh tác cho thành viên... HTX cũng từng bước phát huy ứng dụng đưa tiến bộ kỹ thuật vào sản xuất nông nghiệp, tạo việc làm thường xuyên cho người dân, phật tử tại địa phương, từng bước nâng cao nhận thức, tăng thu nhập cho nông dân trên lĩnh vực sản xuất nông nghiệp.
Thanh Loan