Trước đây, tuyến đường từ cầu B2, xã Tịnh Thọ (huyện Sơn Tịnh) đi xã Bình Hiệp thuộc huyện Bình Sơn (tỉnh Quảng Ngãi) là đường đất. Mỗi khi mưa xuống thì lầy lội, nắng thì bụi mù, ảnh hưởng không nhỏ đến việc đi lại, vận chuyển hàng hóa, nông sản của người dân.
Tấm lòng cao đẹp của sư cô Thích Nữ Tuệ Hạnh
Giờ đây, tuyến đường dài 2km này đã được mở rộng và bê tông kiên cố. Đây là công trình do sư cô Thích Nữ Tuệ Hạnh, Trụ trì chùa Kim Phú ở xã Tịnh Thọ vận động phật tử, nhà hảo tâm ủng hộ số tiền hơn 1 tỷ đồng để xây dựng.
Sư cô Thích Nữ Tuệ Hạnh (đứng giữa) có những đóng góp, vận động phật tử tham gia xây dựng nông thôn mới ở địa phương. |
Từ khi con đường hoàn thành, sư cô vận động người dân trong khu dân cư trồng cây hai bên đường để tạo cảnh quan. Khi phật tử, bà con đến chùa, cô đều vận động họ giữ gìn, bảo vệ môi trường.
Tịnh Thọ là xã thuần nông nên trong sản xuất sử dụng nhiều thuốc bảo vệ thực vật. Vì vậy, sư cô Tuệ Hạnh đặt các ống bi ở bờ ruộng và luôn nhắc nhở người dân phải bỏ chai lọ đựng thuốc bảo vệ thực vật đúng nơi để không gây ô nhiễm môi trường.
Không chỉ chăm lo việc đạo, sư cô Tuệ Hạnh luôn hết lòng chăm lo việc đời, nhất là công tác khuyến học. Hằng năm, sư cô luôn dành những suất học bổng để tặng các em có hoàn cảnh khó khăn tiếp bước đến trường. Học sinh nông thôn còn nhiều thiệt thòi, sư cô còn dự định mở các lớp học miễn phí vào cuối tuần, xây dựng thư viện mini để trau dồi văn hoá đọc.
Bên cạnh đó, sư cô còn giúp đỡ, cưu mang những người nghèo khó, kém may mắn trong cuộc sống. Như chia sẻ của sư cô: “Năm 2014, cô về trụ trì ở đây. Lúc đó đường sá đi lại khó khăn lắm! Trong thôn chỉ thấy toàn người già và trẻ em, vì người trẻ thì đi lao động ở các tỉnh phía nam. Vì vậy mà nhiều trẻ em, cụ già neo đơn bữa no, bữa đói. Thế là cô mời họ về chùa sống với mình. Về với chùa là các cụ, các em nhỏ được ăn uống điều độ, ngủ đủ giấc; học sinh thì được tạo điều kiện để học tập”.
Cùng với tấm lòng cao đẹp của sư cô thì bà con phật tử trong xã cũng nhiệt thành xây dựng nông thôn mới tại địa phương. Nhất là chăm lo phát triển kinh tế, tham gia vào các HTX nông nghiệp để nâng cao đời sống.
HTX khích lệ tinh thần đổi mới cho thành viên
Trong phát triển kinh tế hợp tác ở xã Tịnh Thọ phải kể đến HTX dịch vụ Nông nghiệp Tịnh Thọ với mô hình trồng khoai lang Nhật Bản đã đem lại thu nhập trên cùng một đơn vị diện tích gấp đôi so với trồng lúa và gấp 1,5 lần so với các loại cây trồng khác. Mô hình này đã thu hút trên 40 hộ dân là thành viên HTX tham gia và được HTX hỗ trợ trên 50% tiền giống và bao tiêu đầu ra.
HTX dịch vụ Nông nghiệp Tịnh Thọ đã khích lệ tinh thần đổi mới tư duy sản xuất tiến bộ cho nông dân địa phương. |
Giám đốc HTX dịch vụ Nông nghiệp Tịnh Thọ, ông Đỗ Minh Trang cho biết: Trong thời gian tới, HTX sẽ nhân rộng mô hình, nhằm giúp nhiều hộ nông dân phát triển kinh tế. Đồng thời, tiến hành đăng ký nhãn hiệu hàng hóa để khoai lang Nhật có chỗ đứng vững chắc trên thị trường.
Không chỉ vậy, theo ông Trang, ngoài việc thực hiện tốt các dịch vụ truyền thống như thủy lợi, tín dụng nội bộ, lâm nghiệp, HTX còn thực hiện thêm dịch vụ mới là: Liên kết với thành viên HTX sản xuất, thu mua, chế biến và tiêu thụ các loại sản phẩm nông nghiệp. Nhờ đó, doanh thu của HTX Tịnh Thọ tăng đều qua mỗi năm.
Ông Tạ Hường, thành viên HTX Tịnh Thọ, chia sẻ: Các dịch vụ của HTX đều đáp ứng nhu cầu của người dân, từ việc mua phân bón trả chậm, đến sản xuất các loại cây trồng được bao tiêu đầu ra như keo, lúa, mì, bắp, đậu phộng, khoai lang... Nhờ đó, HTX đã kích thích tinh thần đổi mới tư duy sản xuất tiến bộ cho nông dân địa phương.
Từ sự chung sức của bà con phật tử và tính hiệu quả của kinh tế hợp tác đã góp phần giúp cho xã Tịnh Thọ được công nhận đạt chuẩn xã nông thôn mới cách đây 2 năm.
Trong phát triển sản xuất và nâng cao thu nhập cho người dân và bà con phật tử, xã Tịnh Thọ đã chú trọng thực hiện chuyển dịch cơ cấu cây trồng vật nuôi, xây dựng nhiều mô hình kinh tế đạt hiệu quả cao, góp phần nâng cao thu nhập cho người dân. Đến nay, tổng thu nhập bình quân đầu người đạt 41,2 triệu đồng/người/năm, tăng 19,5 triệu đồng/người/năm so với năm 2015. Tỷ lệ hộ nghèo giảm còn 0,95%.
Bên cạnh dấu ấn của tăng ni, phật tử ở xã Tịnh Thọ, thời gian qua các địa phương khác trong huyện Sơn Tịnh cũng đã thành lập nhiều câu lạc bộ, tổ hợp tác giúp nông dân, phật tử gắn kết và chia sẻ trong phát triển kinh tế gia đình.
Đã có nhiều tổ hợp tác trong huyện được thành lập và hoạt động có hiệu quả, thu hút hàng trăm nông dân, phật tử ở địa phương tham gia. Tiêu biểu như Tổ hợp tác Nuôi cá lồng bè ở xã Tịnh Sơn, sau hơn 8 năm thành lập đã thu hút 45 hộ tham gia cùng hỗ trợ nhau trong sản xuất, tiêu thụ sản phẩm.
Khi tham gia vào tổ hợp tác này, các thành viên được vay vốn, được tập huấn, chuyển giao kỹ thuật, quy trình nuôi cá lồng, cách chọn cá giống và cách làm lồng đảm bảo an toàn trong mùa mưa lũ. Ngoài ra, giữa các thành viên trong Tổ thường hỗ trợ nhau về vốn, về tiêu thụ sản phẩm, giúp đỡ, chia sẻ nhau về kinh nghiệm, giữ gìn lồng cá cho nhau khi thời tiết bất lợi.
Đóng góp quan trọng vào xây dựng nông thôn mới
Để nghề nuôi cá chình tại xã Tịnh Sơn phát triển bền vững, người dân đã liên kết thành lập HTX Thủy sâm Sông Trà. Hiện nay, các thành viên HTX đang tập trung đầu tư, nâng cao kỹ thuật, chất lượng nuôi, hướng đến xây dựng cá chình Tịnh Sơn đáp ứng Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP).
Nghề nuôi cá chình tại xã Tịnh Sơn (huyện Sơn Tịnh) đang hướng đến phát triển bền vững với vai trò quan trọng của HTX. |
Có thể thấy việc tập hợp nông dân, bà con phật tử vào các tổ hợp tác, HTX không chỉ giúp cho họ liên kết phát triển kinh tế, làm giàu, mà còn tạo điều kiện để cho bộ mặt nông thôn mới ở các địa phương trong huyện Sơn Tịnh ngày càng phát triển giàu đẹp.
Xét về hoạt động Phật giáo, tính đến nay trên toàn huyện Sơn Tịnh hiện có 18 cơ sở chùa, tự viện. Hoạt động từ thiện xã hội ở các chùa, tự viện được thực hiện thường xuyên. Đơn cử như Tự viện An Bình, Tự viện Hòa Long cấp phát cơm, cháo từ thiện mỗi tháng 2 lần tại Trung tâm Y tế huyện.
Hay như chùa Châu Quang (ở xã Tịnh Bình), các chùa Trường Xuân, chùa Hòa Long, chùa An Bình, chùa Long Hoa ở xã Tịnh Hà, vào các dịp lễ, tết đều tặng khoảng 300 suất quà trị giá từ 300 đến 500 ngàn đồng/suất.
Ban Trị sự Giáo hội Phật giáo Việt Nam huyện Sơn Tịnh cho biết thời gian qua các cấp chính quyền đối với Phật giáo ở huyện Sơn Tịnh đã có sự quan tâm sâu sắc. Và mong rằng thời gian tới chính quyền của huyện sẽ tiếp tục hướng dẫn bà con phật tử ở địa phương sinh hoạt, tu tập đúng quy định của giáo hội, chấp hành quy định của pháp luật, tiếp tục có nhiều đóng góp cho đạo - đời, tích cực phát huy truyền thống tốt đẹp của Phật giáo Việt Nam với phương châm “Đạo pháp - Dân tộc - Chủ nghĩa xã hội”.
Ông Lê Văn Thảo, Phó Chủ tịch UBND huyện Sơn Tịnh, bày tỏ rằng những đóng góp của Phật giáo huyện Sơn Tịnh đối với công tác từ thiện nhân đạo, xây dựng nông thôn mới, phát triển kinh tế - xã hội ở địa phương trong thời gian qua là rất quan trọng.
Cho nên, theo ông Thảo, thời gian tới Ban Trị sự Giáo hội Phật giáo Việt Nam huyện Sơn Tịnh cần tiếp tục phát huy vai trò của mình trong hướng dẫn, khuyến khích Tăng ni, phật tử trên địa bàn tích cực tham gia các phong trào thi đua yêu nước, xây dựng và phát triển huyện Sơn Tịnh ngày càng giàu mạnh.
Thanh Loan