Thu hoạch củ đẳng sâm của đồng bào dân tộc Cơ Tu, huyện Tây Giang, tỉnh Quảng Nam. |
Thời gian qua, huyện Tây Giang triển khai dự án “Mô hình cây dược liệu liên kết theo chuỗi giá trị gắn với tiêu thụ sản phẩm” tại địa bàn 2 xã Ga Ry và Ch’Ơm, bước đầu đem lại hiệu quả kinh tế khả quan.
"Phất lên" nhờ đẳng sâm, ba kích
Đẳng sâm, Ba kích... vốn là loài cây quen thuộc với đồng bào Cơ Tu huyện Tây Giang. Từ loài giống chuẩn bản địa, cùng với chế độ canh tác hoàn toàn theo tự nhiên, đã góp phần tạo ra những hoạt chất, đặc tính quý giá vốn có của các loài dược liệu quý này. Tuy nhiên, do không biết canh tác đúng kỹ thuật nên giá trị thu lại thấp, bị thương lái ép giá, cùng với đó đầu ra cho sản phẩm không có nên người dân không mặn mà trồng.
Anh Alăng Lơi (thôn Achoong, xã Ch’Ơm) kể, gia đình anh trồng hơn 1ha đẳng sâm đến mùa thu hoạch mà vẫn chưa bán được vì giá quá thấp. Nhiều lần anh liên hệ với doanh nghiệp chế biến dược liệu để thu mua nhưng vẫn chưa có kết quả. Tương tự anh Lơi, nhiều hộ trồng sâm ở hai xã này cũng gặp khó khăn đầu ra sản phẩm vì giá quá thấp, chỉ từ 25 nghìn đồng đến 120 nghìn đồng/ký đẳng sâm tươi.
Trong bối cảnh đó, huyện Tây Giang triển khai “Mô hình cây dược liệu liên kết theo chuỗi giá trị gắn với tiêu thụ sản phẩm” tại địa bàn 2 xã Ga Ry và Ch’Ơm. Theo đó là sự ra đời HTX Trường Sơn Xanh với chức năng thu mua sản phẩm các cây dược liệu như đẳng sâm, táo mèo, sa nhân.
Hiện nay, riêng ở xã Ch’Ơm có 100% hộ dân tham gia trồng đẳng sâm với tổng diện tích hơn 200ha, trong đó thôn Achoong chiếm gần một nửa. Dự án liên kết để phát triển các vùng trồng cây dược liệu giúp cho người dân có nguồn thu nhập và nâng cao đời sống, nên nhiều hộ dân phấn khởi tham gia.
Được HTX Nông nghiệp dịch vụ xã Ch’Ơm hỗ trợ bao tiêu sản phẩm, hàng trăm hộ gia đình như anh Alăng Lơi đã có thu nhập ổn định từ cây đẳng sâm khoảng 150 - 200 triệu đồng.
“Giá trị của cây đẳng sâm là đem lại cho mình thêm kinh tế, có tiền mua gạo để ăn. Không giống như hồi xưa, không có tiền chỉ có thể lấy lúa rẫy về giã cũng mệt mỏi. Giờ có tiền thì có thể mua gạo sẵn từ đồng bằng về ăn, không giống ngày xưa quá cực khổ”, anh Alăng Lơi nói.
Đại diện UBND huyện Tây Giang cho biết, đẳng sâm vốn là loài cây dược liệu quen thuộc với đồng bào Cơ Tu. Loài cây này đã giúp hàng trăm hộ dân trên địa bàn huyện Tây Giang thoát nghèo, ổn định cuộc sống. Đẳng sâm là cây dễ trồng, được chăm sóc, bón phân, làm cỏ... sau khoảng 2 năm bắt đầu cho thu hoạch.
HTX tạo sinh kế cho đồng bào DTTS
Đối với cây ba kích, hiện ở Tây Giang có HTX nông lâm nghiệp Thiên Bình ở xã Lăng, là một điển hình trong việc phát triển loài cây dược liệu này.
Vườn ươm cây ba kích của HTX nông lâm nghiệp Thiên Bình. |
HTX nông lâm nghiệp Thiên Bình hoạt động theo Luật HTX kiểu mới năm 2012 với 11 thành viên, phần lớn là người Cơ Tu. HTX có vườn ươm giống ba kích rộng 1.500m2, có thể ươm tạo 400.000 cây giống ba kích tím mỗi năm. Để giúp bà con đỡ vất vả, tăng cao năng suất lao động, tăng giá trị kinh tế cho nông sản, HTX đã đầu tư mua sắm nhiều loại máy móc phục vụ việc sơ chế, rửa, sấy nông sản, máy ngâm ủ và lọc rượu ba kích, đẳng sâm.
Ông Nguyễn Bá Hiển, giám đốc HTX nông lâm nghiệp Thiên Bình nói rằng, phần lớn thành viên HTX là người đồng bào Cơ Tu, không có vốn nên HTX phải đứng ra vay mượn nhiều tỷ đồng, hỗ trợ xã viên chi phí trong suốt thời gian triển khai mô hình. Chặng đường đi rất gian nan, phải mất 4 - 5 năm gầy dựng mới đâu vào đấy được.
Hiện nay, giá ba kích là 400 - 500 nghìn đồng/kg, HTX đang nỗ lực tạo nguồn giống ba kích thương phẩm, giúp hạ giá thành nguyên liệu ba kích xuống còn 150 - 200 nghìn đồng/kg tươi.
“Giá thành ba kích quá cao không phải người tiêu dùng nào cũng có thể tiếp cận được nên HTX quyết tâm tạo sản phẩm nhiều, chỉ có nguồn nguyên liệu dồi dào thì mới có thể hạ giá thành, đáp ứng được yêu cầu công nghiệp chế biến sâu về cây dược liệu”, ông Hiển nói.
Nhờ vào sự tính toán, làm ăn bài bản của Hội đồng quản trị HTX, nhiều hộ dân đã có thu nhập hàng trăm triệu đồng/năm từ việc tham gia trồng và chế biến dược liệu.
Từ việc phát triển trồng các loài dược liệu kể trên, huyện Tây Giang đã hình thành 7 mô hình HTX và 50 THT, giải quyết việc làm cho hơn 500 lao động thường xuyên và hàng nghìn lao động thời vụ.
Đặc biệt, để sản phẩm có thương hiệu, tăng cao giá trị, các HTX đã đưa sản phẩm làm ra tham gia chương trình OCOP năm 2019, trong đó trà túi lọc đẳng sâm của HTX Nông nghiệp Dược liệu Tây Giang; HTX Dược liệu Đức Huy được xếp hạng sản phẩm OCOP 4 sao cấp tỉnh năm 2019.
Từ một sản phẩm tươi thô, giá trị kinh tế thấp, mục đích sử dụng không nhiều, thị trường tiêu thụ ít, các HTX Dược liệu ở Tây Giang đã tuyển chọn, sơ chế, chiết xuất bằng nước tinh khiết để chiết ra những hoạt chất trong củ đảng sâm, cô đặc bằng kỹ thuật công nghệ hiện đại để tạo ra sản phẩm Cao đảng sâm Tây Giang, sau đó đóng chai, gắn tem, nhãn mác lưu thông trên thị trường và được người tiêu dùng đón nhận.
Các mô hình HTX đang góp phần thay đổi nhận thức của người dân Cơ Tu trong sản xuất quy mô nhỏ lẻ sang sản xuất tập trung theo hướng hàng hóa. Từ đó góp phần rất lớn trong giảm nghèo bền vững, tăng thu nhập bình quân đầu người trên địa bàn toàn huyện.
Hoàng Hà
Bài cuối: Đẩy mạnh phát triển kinh tế tập thể, HTX