Với những điều kiện tự nhiên thuận lợi, Lục Nam có nhiều sản phẩm nông nghiệp đặc trưng. Đến nay, toàn huyện có hơn 30 loại nông sản thế mạnh, nhiều thương hiệu đã trở thành đặc sản gắn liền với địa danh vùng đất “sông Lục, núi Huyền” và ngày càng lan tỏa mạnh như Na Lục Nam, dứa Bảo Sơn, khoai sọ Khám Lạng…
Nông sản không còn cảnh "áo gấm đi đêm"
Cách đây vừa tròn 2 năm, vào tháng 8/2019, nhờ sự hỗ trợ của cơ quan chức năng, HTX Na dai Nghĩa Phương, xã Nghĩa Phương công bố quyết định thành lập và nhận giấy chứng nhận sản phẩm na dai đạt tiêu chuẩn VietGAP.
Ông Hoàng Ngọc Thành, Giám đốc HTX Na dai Nghĩa Phương, cho biết nhờ được chứng nhận tiêu chuẩn VietGAP, có tem nhãn, mã truy xuất nguồn gốc, sản phẩm của HTX và các hộ sản xuất na trên địa bàn không còn “áo gấm đi đêm”, giúp người tiêu dùng dễ dàng nhận diện, tin dùng.
Na dai đang là một trong những sản phẩm nông nghiệp chủ lực của huyện Lục Nam. |
Xã Nghĩa Phương hiện có hơn 400 ha na dai, nhiều hộ dân có thu nhập từ 150 đến 500 triệu đồng/năm, trong đó có nhiều hộ đồng bào dân tộc thiểu số. Việc thành lập HTX và sản phẩm được chứng nhận VietGAP là điều kiện thuận lợi để mở rộng quy mô sản xuất và tiêu thụ sản phẩm, giúp na dai Nghĩa Phương vươn xa.
Anh Hoàng Văn Tú, dân tộc Tày, xã Nghĩa Phương chia sẻ bằng kỹ thuật cắt cành để ép cho na dai ra quả gối vụ từ thân cây, người trồng na có thể tăng thu nhập gấp đôi.
Theo anh Tú, mùa na gối vụ cho thu hoạch tập trung trong tháng 9 - 10 và nhờ có kỹ thuật này, tổng thời gian thu hoạch na lên tới gần 5 tháng/năm, dài gấp đôi so với thời vụ thông thường, từ đó nông dân có thu nhập cao hơn.
“Nhà có 1 ha đất đồi trồng na, nếu chỉ bán na chính vụ thu nhập chỉ có khoảng 150 triệu đồng, nhưng từ khi làm na gối vụ, doanh thu mỗi năm của gia đình tôi không dưới 300 triệu đồng. Không chỉ có nhà tôi, nhiều gia đình trong vùng, trong đó không ít hộ là người dân tộc thiểu số, đang làm giàu nhờ cây na”, anh Tú bộc bạch.
Giống như ở Nghĩa Phương, xã Huyền Sơn cũng đang là địa phương có được thành công lớn với cây na dai, với sự tham gia của HTX na dai Huyền Sơn trong vai trò dẫn dắt sản xuất.
Theo lãnh đạo HTX, lợi ích lớn nhất của na dai gối vụ là thời điểm thu hoạch bán ra thị trường lúc mùa na chính vụ đã kết thúc, nên giá bán cao và đắt hàng. Na dai chính vụ dao động ở mức 20.000 - 25.000 đồng/kg, nhưng na dai gối vụ không dưới 30.000 đồng/kg, ở gần cuối vụ na loại 1 lên tới 40.000 - 45.000 đồng/kg.
Kỹ thuật ép na ra quả từ thân đã làm giàu cho nhiều hộ gia đình tại địa phương, giúp nhiều gia đình dân tộc thiểu số người Tày, Nùng, Dao, Sán Dìu… thoát nghèo.
Anh Lục Lí Sáng, dân tộc Sán Dìu, người có kinh nghiệm gần 10 trồng na ở Huyền Sơn, cho biết quả na mọc từ thân cây được che chắn bởi lá phía trên, không còn bị rám nắng, sương, nên mã luôn sáng đẹp.
Bên cạnh đó, thời điểm quả na sinh trưởng không còn nắng gắt nên lớn nhanh, tốn rất ít chi phí chăm sóc. Quả na được nuôi từ thân, tiếp nhận được nhiều chất dinh dưỡng nhất nên rất to. Thực tế ở Huyền Sơn từng ghi nhận có những quả na nặng tới 0,5 - 0,7 kg, to gấp đôi quả na chính vụ.
Gia tăng giá trị sản phẩm
Cũng như na dai, nhiều sản phẩm chủ lực, đặc trưng của huyện Lục Nam đang được chính quyền địa phương, các HTX, tổ hợp tác, doanh nghiệp và người sản xuất quan tâm xây dựng thương hiệu.
Những sản phẩm này được hướng dẫn sản xuất theo các tiêu chuẩn bảo đảm an toàn, nâng cao chất lượng, thành lập HTX làm chủ sở hữu thương hiệu, lập hồ sơ đăng ký bảo hộ nhãn hiệu.
Các HTX có vai trò quan trọng trong thúc đẩy các sản phẩm nông sản chủ lực trên địa bàn huyện. |
Đơn cử vào năm 2018, Phòng Kinh tế và Hạ tầng huyện Lục Nam khảo sát, hướng dẫn các chủ sản phẩm chả giã tay Lục Nam và rượu Núi Huyền làm hồ sơ, hỗ trợ kinh phí đăng ký nhãn hiệu tập thể.
Đến nay, cả hai sản phẩm chả giã tay Lục Nam của HTX Chả giã tay Lục Nam (thị trấn Đồi Ngô) và rượu Núi Huyền của HTX Nấu rượu gạo truyền thống Núi Huyền (xã Bắc Lũng) đều đã được Cục Sở hữu trí tuệ (Bộ Khoa học và Công nghệ) có quyết định công nhận nhãn hiệu hàng hóa tập thể.
Bà Nguyễn Thị Lâm, Giám đốc HTX Núi Huyền, cho biết nghề nấu rượu truyền thống đang thu hút hơn 200 hộ dân (khoảng 70% dân số) trên địa bàn xã Bắc Lũng tham gia. HTX cùng các thành viên, hộ liên kết đã nhất trí chủ trương tập trung nâng chất lượng, mở rộng quy mô sản xuất và thống nhất bảo đảm tiêu chuẩn, độ đồng đều của sản phẩm.
“Kể từ sau khi được công nhận nhãn hiệu tập thể, thị trường tiêu thụ của HTX được mở rộng, giá trị tăng khoảng 25%. Hoạt động của HTX chính là điểm tựa vững vàng cho người dân, đặc biệt là các hộ đồng bào dân tộc thiểu số trên địa bàn thoát nghèo, làm giàu”, bà Lâm nhấn mạnh.
Theo đại diện UBND huyện Lục Nam, để phát huy và gia tăng giá trị sản phẩm làng nghề, sản phẩm chủ lực, đặc trưng trên địa bàn, những năm qua, huyện đã chỉ đạo các xã, thị trấn, người đứng đầu các cơ quan, đơn vị thuộc UBND huyện đăng ký, thực hiện nhiệm vụ trọng tâm trong năm phù hợp với lĩnh vực quản lý, theo dõi.
Sau khi đăng ký nhiệm vụ trọng tâm, cơ quan chức năng huyện sẽ phối hợp cùng lãnh đạo địa phương triển khai vận động và lập danh sách các cơ sở sản xuất có uy tín để thành lập HTX. Tiếp đó, huyện trực tiếp tư vấn, định hướng các HTX tổ chức lại sản xuất, nâng cao chất lượng sản phẩm, mở rộng quy mô nhằm tăng sức cạnh tranh trên thị trường.
Bên cạnh đó, UBND huyện đã tổ chức rà soát, lập một số quy hoạch chuyên ngành nhằm phát triển các nông sản có thế mạnh, hỗ trợ xây dựng thương hiệu như vùng chăn nuôi, sản xuất rau - quả an toàn, chất lượng cao.
Việc phát triển những sản phẩm thế mạnh, đặc trưng thể hiện sự quyết tâm của huyện Lục Nam nhằm tạo sức bật trong phát triển nông nghiệp. Điều đó không những bảo tồn được các giá trị truyền thống, tăng thu nhập, nâng cao đời sống người dân, đặc biệt là đồng bào dân tộc thiểu số, mà còn là niềm tự hào của người dân nơi đây.
Lệ Chi
Bài cuối: Đánh thức tiềm năng du lịch