Với 14 xã, dân số toàn huyện Vân Hồ hiện nay gần 60 nghìn người, chủ yếu là đồng bào dân tộc thiểu số. Trước đây, đồng bào dân tộc vốn quen với tập quán sản xuất nhỏ lẻ, manh mún, phương thức sản xuất lạc hậu, hạn chế áp dụng tiến bộ kỹ thuật vào sản xuất. Tuy vậy, từ khi các mô hình HTX kiểu mới ra đời đã giúp nhiều đồng bào dân tộc thay đổi cách thức sản xuất.
Đánh thức tiềm năng cây ăn quả
Là một trong những đơn vị đầu tiên của huyện Vân Hồ triển khai mô hình trồng cam đường canh theo hướng hữu cơ, sau 5 năm triển khai mô hình, HTX nông sản hữu cơ Pa Cốp, xã Vân Hồ đã thu hoạch năm thứ 4 với giá trị kinh tế cao.
Kinh tế gia đình của các thành viên HTX Nông nghiệp hữu cơ Pa Cốp khấm khá nhờ trồng cam. |
Ông Đỗ Hữu Hạnh, Phó Chủ tịch HTX Nông nghiệp Hữu cơ Pa Cốp cho hay, HTX được thành lập năm 2018 và chuyển toàn bộ 3,5 ha trồng cam đường canh sang hướng sản xuất hữu cơ, sản lượng đạt trung bình 12-15 tấn quả/ha, giá bán ổn định ở mức từ 40-45 nghìn đồng/kg.
Đến nay, HTX Nông nghiệp Hữu cơ Pa Cốp có 10 thành viên, đang canh tác trồng 23 ha cam đường Canh, 4 ha trồng cam Vinh và 20 ha trồng mận. Riêng hộ gia đình ông Đỗ Quý Hạnh trồng 9 ha cam đường Canh, 2 ha nhãn muộn và 6 ha xoài ngọt.
Về đầu ra, ông Hạnh chia sẻ, 40-50% sản phẩm của HTX Pa Cốp được doanh nghiệp thu mua, phần còn lại bán cho thương lái. Mỗi vụ thu hoạch đạt doanh thu bình quân 650 triệu đồng/ha, trừ chi phí 150 triệu đồng, còn lại lợi nhuận đạt 500 triệu đồng/ha.
Tiết lộ về bí quyết đạt được lợi nhuận cao, ông Đỗ Quý Hạnh cho hay, gia đình ông cũng như nhiều thành viên HTX đã chuyển hướng sang canh tác xanh, chỉ sử dụng phân bón hữu cơ. Nhờ vậy, giảm được chi phí phân bón, qua đó giảm phát thải khí nhà kính, bảo vệ đất và môi trường, đồng thời đạt năng suất cao.
Hay ở xã Chiềng Xuân, ông Mùi Văn Thịnh, Chủ tịch UBND xã phấn khởi nói: Tư duy sản xuất của người dân trong xã đã thay đổi rất nhiều theo hướng sản xuất nông nghiệp bền vững. Điều đó được minh chứng toàn xã hiện có khoảng 500 ha cây ăn quả các loại, thay thế cây ngô, lúa nương, cây sắn trên diện tích đất nương.
“Trung bình một năm, sản lượng quả đạt hơn 1.000 tấn, lợi nhuận trung bình ước tính khoảng 100 triệu đồng/ha. Hiện nay, chúng tôi đang vận động người dân trồng, chăm sóc cây ăn quả theo hướng VietGAP, sản xuất hữu cơ để nâng cao năng suất, giá trị sản phẩm”, ông Thịnh chia sẻ.
'Cai' thuốc trừ sâu cho rau
Cùng với đó, Vân Hồ đã và đang mở rộng diện tích các sản phẩm nông sản chủ lực, như cam Chiềng Xuân, Suối Bàng; quýt Pà Puộc - Chiềng Yên; lúa tẻ râu - Song Khủa, rau an toàn Vân Hồ; chè Tô Múa, Chiềng Khoa, gắn với xây dựng thương hiệu, phát triển các chuỗi sản xuất tiêu thụ nông sản.
Chị Lò Thị Nguyễn (trái) – Giám đốc HTX Măng sạch Xuân Nha. |
Là một trong những HTX thành lập sớm nhất của xã Vân Hồ vào năm 2015 do người dân tộc thiểu số làm lãnh đạo, với 20 thành viên, HTX rau an toàn Vân Hồ đã từng bước xây dựng được thương hiệu, mang lại doanh thu trên 3 tỷ đồng/năm.
Bà Mùi Thị Năm, Phó Giám đốc HTX rau an toàn Vân Hồ, thông tin: "Thời gian đầu, chúng tôi khá lúng túng, do các thành viên chưa nắm được quy trình kỹ thuật trồng rau và xử lý rau khi bị sâu bệnh. Từ khi được Trung tâm Dịch vụ nông nghiệp huyện chuyển giao các phương pháp xử lý sâu bệnh và học hỏi kinh nghiệm từ các HTX trồng rau của huyện Mộc Châu, chúng tôi đã nắm được kỹ thuật và áp dụng quy trình VietGAP trong sản xuất".
Nhờ vậy, năng suất luôn đạt ở mức 10 tấn rau/ha, mang lại nguồn thu nhập ổn định cho các thành viên. Đến nay, HTX đã có 12 ha trồng các loại rau xanh, cung cấp rau quanh năm cho các bạn hàng và người dân địa phương.
Chị Lò Thị Nguyễn, Giám đốc HTX Măng sạch Xuân Nha hồ hởi cho biết, vừa qua, HTX đã trang bị một xưởng chế biến ở bản Tưn, xã Xuân Nha. Xưởng rộng 400 m2 với trang thiết bị hiện đại để chế biến măng xuất sang Đài Loan. Trước đó, măng chỉ được bán dưới dạng nguyên liệu thô với giá thành thấp và chất lượng không ổn định. Tuy nhiên, giờ đây, giá măng của HTX cao hơn thị trường 20%.
Xưởng chế biến của HTX Măng sạch Xuân Nha có khả năng sơ chế được nguyên liệu thu hoạch từ 1.000 ha măng trồng. “Doanh nghiệp ký hợp đồng với HTX thu mua tất cả măng chế biến trong 20 năm tới. Thỏa thuận này giúp HTX non trẻ thêm vững bước trên con đường phát triển. Trong hợp đồng, doanh nghiệp cũng cam kết cung cấp 70% vốn cần thiết để mua nguyên liệu thô và chuyển giao kỹ thuật chế biến cho HTX”, chị Lò Thị Nguyễn cho hay.
Tăng thêm cơ chế hỗ trợ HTX
Có thể thấy, nhờ thực hiện đồng bộ các giải pháp, huyện Vân Hồ đã “gặt hái” được nhiều thành công trong sản xuất nông nghiệp. Trên địa bàn huyện đã và đang hình thành các vùng sản xuất tập trung theo hướng hàng hóa, góp phần mang đến những mùa xuân no ấm cho người dân nơi cửa ngõ của tỉnh.
Huyện Vân Hồ đẩy mạnh hỗ trợ các mô hình HTX hoạt động hiệu quả, giúp người dân khai thác hiệu quả tiềm năng |
Việc hỗ trợ phát triển các mô hình sản xuất nông nghiệp và các HTX vùng đồng bào dân tộc thiểu số đã và đang được huyện Vân Hồ tiếp tục rà soát triển khai, góp phần thực hiện có hiệu quả công tác xóa đói, giảm nghèo vùng đồng bào dân tộc thiểu số ở địa phương.
Tính đến hết tháng 11/2022, huyện Vân Hồ có 65 HTX, trong đó, đa số các HTX hoạt động lĩnh vực sản xuất nông nghiệp. Ông Thái Bá Sinh, Trưởng phòng NN&PTNT huyện Vân Hồ, cho biết: Phòng tham mưu cho UBND huyện tổ chức rà soát, đánh giá các mô hình kinh tế và các HTX hoạt động hiệu quả trên địa bàn. Từ đó, đề xuất hỗ trợ, định hướng các mô hình và HTX duy trì hoạt động và mở rộng quy mô, giúp người dân khai thác hiệu quả tiềm năng, thế mạnh của địa phương để phát triển kinh tế. Từng bước thực hiện mục tiêu giảm nghèo với mức bình quân 4%/năm theo nghị quyết Đại hội Đảng bộ huyện nhiệm kỳ 2020-2025 đã đề ra.
Hiện nay, huyện đang triển khai hỗ trợ 14 mô hình kinh tế và HTX hoạt động trên lĩnh vực sản xuất nông nghiệp, trong đó, tỷ lệ HTX do người dân tộc thiểu số làm chủ chiếm khoảng 70%. Trong năm 2022, huyện Vân Hồ đã hỗ trợ bao bì nhãn mác cho các HTX theo Nghị quyết 128/NQ-HĐND của HĐND tỉnh Sơn La, với tổng kinh phí 300 triệu đồng; hỗ trợ các mô hình kinh tế và các HTX trên địa bàn kinh phí mua phân bón, cây, con giống và vật tư phục vụ sản xuất nông nghiệp theo Quyết định số 803-QĐ/UBND ngày 31/8/2022 của UBND huyện Vân Hồ trị giá 1,2 tỷ đồng.
UBND huyện Vân Hồ còn tạo điều kiện cho các HTX phát triển và nâng cao hiệu quả hoạt động thông qua các việc vận dụng có hiệu quả các cơ chế, chính sách của Trung ương và của tỉnh. Theo đó, hỗ trợ các HTX vùng dân tộc thiểu số đào tạo, bồi dưỡng nguồn nhân lực đảm nhiệm công việc kế toán, quản lý hồ sơ, sổ sách. Đồng thời, đẩy mạnh liên kết, thông qua các doanh nghiệp đầu mối tiêu thụ nông sản để đảm bảo đầu ra sản phẩm cho nông dân...
Thy Lê