Khi bắt tay vào xây dựng nông thôn mới, xã Vân Hồ xác định cần thúc đẩy liên kết sản xuất gắn với tiêu thụ sản phẩm, tăng cường ứng dụng khoa học công nghệ vào sản xuất, nâng cao chất lượng sản phẩm mở rộng thị trường tiêu thụ nông sản.
Để làm được điều này, các cấp ngành tích cực tuyên truyền đổi mới hình thức tổ chức sản xuất theo hướng thành lập các HTX, tổ hợp tác liên kết sản xuất; hình thành liên kết theo chuỗi giá trị, gắn sản xuất với tiêu thụ sản phẩm đối với các lĩnh vực sản xuất nông nghiệp. Đến nay, xã đã hình thành được các mô hình hoạt động hiệu quả, làm nền tảng nâng cao kinh tế, xã hội.
Phát huy nguồn lực tại chỗ
Thành lập năm 2018, THT sản xuất và tiêu thụ rau an toàn Bó Nhàng 2 chuyên trồng các loại rau, củ, quả; tiêu thụ và thu mua các mặt hàng nông sản cho nhân dân. Các thành viên tập trung trồng các loại rau, củ, quả, ngắn ngày để cung cấp cho thị trường thành phố Hà Nội và các tỉnh khu vực miền Nam.
Xác định chất lượng cần đặt hàng đầu, thành viên dành nhiều thời gian chăm sóc, áp dụng các biện pháp phòng trừ sâu bệnh thông qua trồng rau trong nhà lưới, che phủ ni lông. THT chú ý lựa chọn nguồn giống mới có năng suất, chất lượng cao; thực hiện nghiêm ngặt quy trình sản xuất rau theo tiêu chuẩn VietGAP.
Theo đó, các thành viên sử dụng phân vi sinh, dùng các loại thuốc bảo vệ thực vật trong danh mục cho phép, bảo đảm nguồn nước tưới không bị ô nhiễm, ghi chép đầy đủ các số liệu về thời gian, dung lượng, số lượng phân bón, thuốc bảo vệ thực vật, các loại vật tư nông nghiệp khác; có bảng, biểu cắm trên các luống rau để nhận biết... Nhờ đó, rau sản xuất ra đến đâu đều được tiêu thụ hết đến đó.
“Trước đây, nếu trồng lúa cả năm mới được 1 vụ, thu nhập chỉ được hơn 10 triệu đồng thì từ khi trồng rau, thu nhập của gia đình đã tăng nhiều lần. Mỗi năm trừ chi phí, gia đình tôi để dư được 60 - 70 triệu đồng”, anh Nguyễn Văn Sa, thành viên THT Bó Nhàng 2 cho biết.
Hiệu quả từ mô hình trồng rau an toàn của THT đã được khẳng định việc tận dụng điều kiện tự nhiên và chú trọng áp dụng khoa học kỹ thuật giúp người dân liên kết sản xuất theo hướng VietGAP hiệu quả. Hoạt động của mô hình này tạo thêm nhiều việc làm cho người dân đồng thời nâng cao thu nhập trên cùng một đơn vị diện tích canh tác.
Ngoài trồng rau màu, người dân Vân Hồ những năm gần đây còn đẩy mạnh phát triển trồng cây ăn quả. Một trong những mô hình hoạt động hiệu quả là HTX nông trại Vân Hồ. Ông Đỗ Quý Hạnh, thành viên HTX cho biết, tham gia HTX, thành viên được hướng dẫn kỹ thuật trồng, chăm sóc, thu hoạch quả theo tiêu chuẩn VietGAP và được đảm bảo đầu ra cho sản phẩm.
Trồng cam giúp thành viên HTX nông trại Vân Hồ nâng cao thu nhập. |
Để vườn cam đạt chất lượng cao, thành viên cần chủ động nguồn nước tưới cũng như việc tiêu thoát nước vào mùa mưa. Các loại phân bón cho cam thường là phân chuồng, phân gà, lõi ngô ủ cùng rơm rạ, xử lý kỹ về nấm, bệnh trước khi đem bón. Vào mùa mưa, vườn cam xuất hiện nhiều sâu bệnh nên thành viên phải thường xuyên theo dõi để phòng bệnh cho cây kịp thời; dùng các bẫy, bả treo trên cành cây để đuổi sâu, bướm, ruồi vàng có hại...
Tuân thủ kỹ thuật đã giúp HTX nông trại Vân Hồ thu hút được đối tác đến liên kết thu mua và trở thành điểm tham quan đặc trưng của du khách trong và ngoài tỉnh.
Hoạt động của HTX mang về nguồn thu trung bình 2,5 tỷ đồng/năm và tạo việc làm cho 30 lao động thời vụ với 200 nghìn đồng/người/ngày. Ngoài ra, HTX còn sẵn sàng hỗ trợ người dân kỹ thuật sản xuất khi cần.
THT Bó Nhàng 2 và HTX Vân Hồ là những mô hình tiêu biểu trong sản xuất, góp phần tạo chuyển biến tích cực trong nhận thức của người nông dân, giúp họ hiểu rõ tầm quan trọng của phát triển kinh tế gắn với vệ sinh an toàn thực phẩm, xây dựng và quảng bá thương hiệu nông sản an toàn… Đây cũng là điều kiện cần và đủ để xã Vân Hồ tiến nhanh trên con đường xây dựng nông thôn mới.
Ngoài phát triển kinh tế, xã còn xây dựng trạm y tế, bê tông hóa các tuyến đường giao thông liên bản, nội bản. Ngoài ra, nhân dân còn đóng góp đất, ngày công xây dựng nhà văn hóa, trường học… Đến nay, xã đã cơ bản hoàn thiện các tiêu chí trong quá trình xây dựng nông thôn mới.
Hoàn thiện tiêu chí văn hóa
Trong xây dựng nông thôn mới, có tiêu chí về cơ sở vật chất văn hóa và thôn, bản văn hóa (tiêu chí số 6 và tiêu chí số 16 trong Bộ tiêu chí nông thôn mới của tỉnh. Đây được coi là tiêu chí “điểm” và là lợi thế vì Vân Hồ vốn có nhiều giá trị văn hóa truyền thống. Phát huy được điều này không chỉ góp phần khơi dậy những nét đẹp của xã vùng núi, làm cho xóm làng thêm khởi sắc mà còn làm cho đời sống tinh thần trong mỗi gia đình được nâng lên, tình làng nghĩa xóm thêm thắt chặt, an ninh, quốc phòng của địa phương được giữ vững, góp phần đẩy nhanh tiến trình xây dựng nông thôn mới trên địa bàn.
Nắm được điều này, xã lựa chọn và tập trung xây dựng Pa Chè là bản văn hóa tiêu biểu. Hiện, Pa Chè đang đẩy mạnh thực hiện cuộc vận động “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa”; phát huy tốt vai trò, uy tín của người cao tuổi vận động bà con thực hiện tốt các chủ trương của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước và hương ước, quy ước của bản, tích cực tham gia các phong trào, hoạt động tập thể, xây dựng nếp sống văn minh, bài trừ hủ tục, tệ nạn xã hội...
Qua đó, bản Pa Chè đã đạt được nhiều kết quả tích cực trong xây dựng đời sống văn hóa, như: Nam nữ kết hôn đúng độ tuổi quy định của pháp luật; đám cưới được tổ chức gọn nhẹ nhưng vẫn giữ được nét văn hóa truyền thống. Người dân dần xóa bỏ những hủ tục lạc hậu, mê tín dị đoan. Các lễ hội và hoạt động văn hóa, thể thao được tổ chức thường xuyên để người dân rèn luyện sức khỏe, tạo không khí vui tươi, lành mạnh và góp phần giữ gìn các giá trị văn hóa truyền thống.
Người dân bản Pa Chè tích cực giữ gìn và phát triển những giá trị truyền thống đi đôi với nâng cao giá trị kinh tế. |
Bên cạnh đó, bản còn tích cực chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi, đưa giống mới có năng suất, chất lượng cao vào thâm canh. Hiện bản đang chăm sóc 22 ha chè, 26 ha mận hậu, gần 15 ha cây đào, gần 125 ha ngô, dong riềng và rau màu các loại, sản lượng lương thực đạt khoảng 2.500 tấn/năm. Nhiều hộ dân còn đầu tư xây dựng chuồng trại, trồng cỏ voi để chăn nuôi gia súc nhốt chuồng. Đến nay, tổng đàn gia súc của bản Pa Chè đạt gần 300 con, đem lại thu nhập ổn định cho người dân.
Điểm sáng Pa Chè thúc đẩy đời sống của người dân trong lao động sản xuất và xây dựng văn hóa xã hội. Đến nay, xã đã cơ bản hoàn thiện 19/19 tiêu chí trong quá trình xây dựng nông thôn mới theo đúng mục tiêu đã đề ra. Người dân và các cấp ngành đang dồn lực rà soát và hoàn thiện những chỉ tiêu cuối cùng về môi trường, hệ thống chính trị và quốc phòng an ninh nhằm về đích nông thôn mới vào cuối năm 2020.
Nếu được công nhận xã nông thôn mới vào đầu năm 2021, xã Vân Hồ sẽ tiếp tục nâng cao các tiêu chí, trong đó, chú trọng phát triển các mô hình kinh tế hợp tác; tăng cường nguồn lực củng cố và phát triển hệ thống cơ sở vật chất văn hóa, thể thao nhằm đáp ứng nhu cầu sinh hoạt văn hóa của người dân.
Huyền Trang