Ngay khi bão số 3 vừa đi qua, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Công điện số 100 về việc tập trung chỉ đạo, triển khai các biện pháp nhanh chóng phục hồi sản xuất nông nghiệp sau bão số 3 và mưa lũ. Trong đó, chỉ đạo các doanh nghiệp bảo hiểm khẩn trương rà soát, chi trả quyền lợi bảo hiểm cho các khách hàng bị ảnh hưởng theo đúng quy định, trước mắt thực hiện ngay việc tạm ứng bồi thường cho khách hàng theo quy định.
Tuy nhiên, số liệu từ Cục Quản lý, giám sát bảo hiểm (Bộ Tài chính) cho thấy, tính đến giữa tháng 10/2024, số tiền tạm ứng bồi thường từ các doanh nghiệp mới đạt 213 tỷ đồng, trong khi tổng số tiền ước tính thiệt hại và chi trả quyền lợi bảo hiểm là 12.811 tỷ đồng. Như vậy, số tiền bồi thường bảo hiểm mà người dân và doanh nghiệp nhận được chưa đến 1% tổng số yêu cầu bồi thường.
Lâu nay, bảo hiểm được xem như “tấm lá chắn” trước rủi ro cho nông dân và doanh nghiệp, giúp họ có trợ lực kịp thời vực dậy khi rủi ro ập đến, nhưng việc các công ty bảo hiểm có vào cuộc như sự mong chờ của người dân và doanh nghiệp không lại là câu chuyện đáng bàn.
Công ty Thương mại Nam Huy (Hải Phòng) đang gặp nhiều khó khăn đòi quyền lợi bảo hiểm sau bão lụt. |
Công ty Thương mại Nam Huy (Hải Phòng) đã mua bảo hiểm cháy nổ và rủi ro đặc biệt cho 2 nhà xưởng chế biến gỗ xuất khẩu với tổng giá trị hơn 10 tỷ đồng. Cơn bão số 3 đã khiến nhiều khu nhà xưởng và đường nội bộ của doanh nghiệp bị hư hỏng. Thế nhưng doanh nghiệp này đang gặp rất nhiều khó khăn đòi quyền lợi bảo hiểm sau bão lụt.
Bà Trần Thị Ngọc Hoa, Phó Giám đốc cho biết: "Khi mua bảo hiểm, các bạn kinh doanh nói rất nhiều những cái chúng tôi được bồi thường, rủi ro đặc biệt xảy ra bao gồm bão lũ, động đất nhưng khi tổn thất xảy ra lại có nhiều câu chữ để né tránh dẫn đến chúng tôi không được bồi thường bảo hiểm".
Hiện nay, với khoảng hơn 200 tấn sắt thép, hơn 14.000 m2 tôn mái, tôn bao che.... không còn sử dụng được nữa, nhưng Công ty Thương mại Nam Huy vẫn phải giữ lại tại hiện trường đã gần 2 tháng qua để có cơ sở làm việc với đơn vị bảo hiểm.
Thực tế, lâu nay, câu chuyện bảo hiểm “dễ mua - khó đòi” được nhiều người phản ánh, không chỉ đối với bảo hiểm phi nhân thọ, mà không ít người mua bảo hiểm nhân thọ - là sản phẩm bảo hiểm được thiết kế với quyền lợi và điều khoản nhằm mục đích bảo vệ con người trước các rủi ro liên quan sức khỏe, thân thể, tính mạng cũng gặp khó khăn trong việc đề nghị chi trả bảo hiểm.
Theo phản ánh của khách hàng khi xảy ra sự cố, việc được chi trả bảo hiểm cũng không hề dễ dàng bởi công ty bảo hiểm yêu cầu rất nhiều thủ tục rườm rà, thậm chí gây khó cho khách hàng.
Trao đổi với VnBusiness, bà Lê Thị Đức (60 tuổi, Hà Nội) cho hay, tháng 5 vừa qua, bà sang New Zealand và Singapore du lịch và mua 1 gói bảo hiểm du lịch do Bảo hiểm Chubb cung cấp, với quyền lợi là được bảo vệ sức khoẻ, tai nạn, tử vong trong quá trình du lịch. Thế nhưng thực tế đã không như vậy.
“Trong thời gian ở New Zealand, tôi bị ngã và đứt dây chằng, tôi đã đi khám và gửi tất cả giấy tờ cho bên Bảo hiểm nhưng phía bảo hiểm yêu cầu thêm rất nhiều giấy tờ khác. Sau khi tôi đã đáp ứng đầy đủ, phía bảo hiểm lại yêu cầu tôi phải cung cấp vé máy bay. Tuy nhiên, sau khi kết thúc chuyến bay, tôi không giữ lại vé, bảo hiểm lấy lý do đó để từ chối chi trả quyền lợi bảo hiểm cho tôi”, bà Đức kể.
Bà Đức bức xúc vì khi mua bảo hiểm thì nhân viên tư vấn viên nhiệt tình, giải thích nhanh gọn và đầy thuyết phục, hợp đồng được soạn sẵn với "quyền lợi đầy đủ", nhưng khi xảy ra sự cố, bắt đầu cần đến bảo hiểm, khi đó là lúc nhận ra rằng đang lạc vào mê cung với những điều khoản rối rắm và những "cạm bẫy" đầy bất ngờ. Ký thì dễ nhưng đòi quyền lợi lại khó vô cùng.
Theo các chuyên gia, đại lý bảo hiểm đi giao dịch thường dẫn ra những quyền lợi lớn để thu hút người mua. Nhưng đến khi xảy ra sự cố, người xử lý bồi thường lại đặt quyền lợi công ty lên cao hơn. “Hợp đồng bảo hiểm hiện nay như một trận đồ bát quái. Những khách hàng được các đại lý bảo hiểm giao dịch nhằm mục đích ký hợp đồng cần dịch vụ tư vấn tài chính. Đừng nghe hoàn toàn vào đại lý”, luật sư Nguyễn Văn An, đoàn Luật sư Hà Nội cảnh báo.
Theo đó, ông đề nghị các cơ quan có chức năng quản lý phải là nơi giám sát chặt chẽ, yêu cầu điều chỉnh, làm sáng tỏ hơn nữa ngữ nghĩa của hợp đồng. Nếu không, người tiêu dùng rất khó khăn để bảo vệ quyền lợi của mình.
Mặt khác, không ít khách hàng chưa quan tâm tìm hiểu kỹ, còn có tâm lý cả tin, cả nể khi ký hợp đồng bảo hiểm. Do vậy, hiện là thời điểm cần siết chặt kỷ cương thị trường, hoàn thiện chính sách để lấy lại niềm tin, qua đó người dân sẽ hiểu bản chất và tính nhân văn của hoạt động bảo hiểm.
Trước đó, tại buổi làm việc với đại diện các doanh nghiệp bảo hiểm về công tác quản lý chất lượng hoạt động đại lý bảo hiểm và chất lượng công tác chăm sóc khách hàng, Bộ Tài chính cũng yêu cầu các doanh nghiệp bảo hiểm nghiêm túc thực hiện quy định về công khai thông tin về hoạt động nghiệp vụ bảo hiểm, đặc biệt là công khai thông tin liên quan tới nội dung khách hàng cần lưu ý đối với từng sản phẩm bảo hiểm nhằm hỗ trợ khách hàng hiểu rõ về sản phẩm bảo hiểm đã tham gia. Đồng thời, kiểm soát các thông tin nêu tại bảng minh họa bán hàng, tài liệu giới thiệu sản phẩm; xử lý nghiêm các đại lý bảo hiểm tự ý thay đổi các thông tin nêu tại tài liệu này dẫn đến việc khách hàng nhầm lẫn, kỳ vọng về quyền lợi bảo hiểm không phù hợp với thực tế.
Thanh Hoa