Theo đó, các doanh nghiệp bảo hiểm nhân thọ đã ghi nhận 73 trường hợp tử vong và thương tật thuộc phạm vi bảo hiểm, với tổng số tiền chi trả quyền lợi bảo hiểm ước tính là 19,8 tỷ đồng. Các doanh nghiệp bảo hiểm đã tạm ứng 14,4 tỷ đồng.
Đối với bảo hiểm phi nhân thọ, các doanh nghiệp đã tiếp nhận khoảng 13.847 thông tin thiệt hại, bao gồm bảo hiểm tài sản, xe cơ giới và bảo hiểm sức khỏe, với tổng thiệt hại ước tính lên đến hơn 11.607 tỷ đồng. Tính đến thời điểm hiện tại, các doanh nghiệp bảo hiểm phi nhân thọ đã tạm ứng tổng số tiền bồi thường là 108,3 tỷ đồng.
Đến ngày 7/10, tổng số tiền ước tính thiệt hại và chi trả quyền lợi bảo hiểm do cơn bão số 3 và lũ lụt gây ra tạm thời lên tới khoảng 11.627 tỷ đồng. |
Theo nhận định của các chuyên gia, bão số 3 đã đặt ra những thách thức không nhỏ đối với ngành bảo hiểm Việt Nam, nhất là trong quý II vừa qua, nhiều doanh nghiệp ghi nhận sụt giảm mạnh về lợi nhuận, thậm chí có doanh nghiệp còn thua lỗ, chủ yếu do mảng kinh doanh chính.
Chẳng hạn, Công ty TNHH Bảo hiểm Nhân thọ Prudential Việt Nam đạt lợi nhuận trước thuế gần 1.092 tỷ đồng, giảm 31,79% so với cùng kỳ năm trước, tương đương giảm 509 tỷ đồng; Công ty TNHH Bảo hiểm Nhân thọ AIA Việt Nam đạt lợi nhuận trước thuế hơn 581 tỷ đồng, giảm gần một nửa so với cùng kỳ (hơn 1.100 tỷ đồng); Công ty TNHH Bảo hiểm Nhân thọ Generali Việt Nam đạt lợi nhuận sau thuế 116,7 tỷ đồng, trong khi cùng kỳ năm ngoái đạt 449,8 tỷ đồng...
Các chuyên gia FiinGroup cho rằng rủi ro lớn nhất đối với các công ty bảo hiểm chủ yếu đến từ phân khúc bảo hiểm phi nhân thọ, vì bị ảnh hưởng nặng nề bởi thiên tai và biến đổi khí hậu, đang gia tăng cả về tần suất và mức độ nghiêm trọng.
Đặc biệt, cơn bão số 3 vừa qua sẽ làm tăng đáng kể chi phí bồi thường bảo hiểm cho các công ty, dẫn đến những tác động gián tiếp tiêu cực đến các công ty tái bảo hiểm thông qua các đối tác của họ.
Riêng với bảo hiểm phi nhân thọ, theo Tổ chức xếp hạng tín nhiệm tài chính AM Best, do tỷ lệ thâm nhập bảo hiểm thấp ở Việt Nam, nên tổn thất được bảo hiểm có khả năng thấp hơn nhiều so với tổn thất kinh tế.
AM Best dự kiến các công ty bảo hiểm phi nhân thọ được hãng này xếp hạng tại Việt Nam gồm: PVI, Bảo Minh, Bảo hiểm BIDV (BIC), Fubon, Tổng công ty Cổ phần Tái bảo hiểm Hà Nội (HanoiRe), Tổng công ty Bảo hiểm xăng dầu (PJICO), Tổng công ty Bảo hiểm Bưu điện (PTI), Tổng công ty CP Tái bảo hiểm Quốc gia Việt Nam (Vinare)… sẽ chịu tác động khiêm tốn từ tổn thất do bão Yagi gây ra do bảng cân đối kế toán và việc sử dụng tái bảo hiểm của những doanh nghiệp này rất mạnh.
AM Best đánh giá những doanh nghiệp được xếp hạng nói trên đều có lợi nhuận ổn định, được hỗ trợ bởi thu nhập đầu tư mạnh mẽ và tỷ lệ bồi thường hợp lý. Điều này đã giúp củng cố bộ đệm vốn, giúp các công ty bảo hiểm nhân thọ tăng khả năng hấp thụ rủi ro.
Theo đánh giá của Cục Quản lý, giám sát bảo hiểm, ảnh hưởng nặng nề để lại sau bão số 3 và mưa lũ đã tạo ra những khó khăn, thách thức đối với các doanh nghiệp bảo hiểm.
Tuy nhiên, cơ quan quản lý sẽ tiếp tục chỉ đạo, giám sát, đồng thời tạo điều kiện, đồng hành với các doanh nghiệp bảo hiểm tăng cường bám sát địa bàn và khẩn trương có phương án hỗ trợ tốt nhất cho tổ chức và cá nhân tham gia bảo hiểm khắc phục hậu quả thiên tai, nhanh chóng ổn định đời sống, sản xuất kinh doanh theo đúng quy định và tinh thần chỉ đạo của Chính phủ, Bộ Tài chính.
Thanh Hoa