Báo cáo của Bảo hiểm xã hội (BHXH) Việt Nam cho thấy, đến hết tháng 11/2018, tổng số nợ BHXH bằng 3,2% so kế hoạch giao thu năm 2018.
Cố tình trốn đóng, nợ chây ỳ
Thanh tra chuyên ngành, liên ngành và kiểm tra tại 13.640 đơn vị phát hiện có 27.678 lao động thuộc đối tượng phải tham gia nhưng chưa tham gia, hoặc đóng thiếu thời gian tham gia BHXH, bảo hiểm thất nghiệp (BHTN), bảo hiểm y tế (BHYT) với số tiền phải truy đóng là 79,82 tỷ đồng; 39.021 lao động đóng thiếu mức quy định với số tiền phải truy đóng là 43,31 tỷ đồng; đã ban hành 631 quyết định xử phạt vi phạm hành chính với tổng số tiền xử phạt phải thu là 22,23 tỷ đồng.
Theo BHXH Tp.Hà Nội, đến hết quý III/2018, số tiền nợ BHXH của Hà Nội giảm được 423 tỷ đồng, tương đương 19,9% so cùng kỳ năm 2017. Tuy nhiên, so với toàn quốc, nợ BHXH ở Hà Nội vẫn cao hơn mức trung bình, ảnh hưởng đến chế độ BHXH, BHYT của hơn 300.000 lao động trên địa bàn.
Tại Tp.HCM, tình trạng chủ DN không tham gia đóng đầy đủ BHXH cho NLĐ; trốn đóng, nợ đọng BHXH diễn ra rất phổ biến. Tính đến thời điểm hiện tại, số nợ BHXH, BHYT, BHTN ở địa bàn Tp.HCM lên tới khoảng 1.800 tỷ đồng, tương ứng tỷ lệ 2,81%.
Theo Giám đốc BHXH Tp.HCM Phan Văn Mến, tỷ lệ này so với các năm trước có giảm nhiều, nhưng con số 1.800 tỷ đồng là rất lớn, bởi mức nợ này tương đương với một tỉnh có mức thu trung bình tất cả các khoản bảo hiểm.
Tính từ đầu năm đến nay, BHXH Tp.HCM đã chủ động, phối hợp tiến hành thanh tra, kiểm tra hơn 4.000 đơn vị, xử phạt vi phạm hành chính 93 đơn vị vi phạm quy định về bảo hiểm. Qua đó các đơn vị nợ đọng kéo dài cũng đã chuyển khoảng 50% trong tổng số nợ; chủ sử dụng lao động (SDLĐ) tại các đơn vị bị thanh tra, kiểm tra, đóng BHXH cho những trường hợp NLĐ chưa được đóng lên đến hơn 3.100 người.
Có thể thấy, tình trạng trốn đóng, nợ đọng BHXH với số tiền lớn, cố tình chây ỳ và thời gian nợ kéo dài của các DN vẫn diễn ra thường xuyên tại nhiều địa phương, gây khó khăn trong việc bảo đảm quyền lợi cho NLĐ. Cùng với các hoạt động thanh tra, kiểm tra chuyên ngành, BHXH nhiều địa phương đã chủ động công bố danh sách các DN nợ, chuyển hồ sơ DN nợ BHXH, BHYT đề nghị cơ quan Công an điều tra xử lý.
Một hội nghị đối thoại về BHXH tại Tp.HCM |
Đẩy mạnh thanh tra, kiểm tra, đối thoại…
Để đạt mục tiêu giảm tỷ lệ nợ xuống dưới 3%, ngoài giải pháp đẩy mạnh thanh tra, kiểm tra, BHXH Tp.Hà Nội đang tích cực đối thoại với NLĐ và các DN về vấn đề BHXH.
Giám đốc BHXH Tp.Hà Nội Nguyễn Đức Hòa cho biết để đạt được mục tiêu này, BHXH thành phố chủ động gửi thông báo kế hoạch kiểm tra, thanh tra đến các đơn vị, DN nợ BHXH, BHYT để khắc phục nợ trước khi ban hành quyết định thanh tra, kiểm tra. Đồng thời, thực hiện phân tích, phân loại nợ BHXH, BHYT gửi các sở, ngành làm cơ sở phối hợp tăng cường thanh tra, kiểm tra liên ngành về việc thực hiện chính sách BHXH, BHYT.
Tăng cường đối thoại với DN và NLĐ, nâng cao ý thức chấp hành pháp luật về BHXH, BHYT cho NLĐ đối với chủ DN cũng đang là cách làm phổ biến của nhiều địa phương.
Đề cập vấn đề này, Giám đốc BHXH Tp.HCM Phan Văn Mến cho biết BHXH Tp.HCM còn tích cực phối hợp Sở KH&ĐT, Sở Tài chính, ngành thuế và các cơ quan liên quan thực hiện đồng bộ các giải pháp. Khi DN tham gia đóng thuế, đăng ký thành lập, đồng thời cơ quan BHXH sẽ cấp mã số BHXH. Phối hợp chặt chẽ với Sở LĐ-TB&XH trong việc nhắc nợ các đơn vị hằng tháng; yêu cầu các đơn vị nợ BHXH tham gia đóng, nếu trong tháng mà không đóng thì liền tháng sau, cơ quan chức năng sẽ thanh tra, kiểm tra.
Bên cạnh đó, phối hợp các cơ quan báo chí đăng tải danh sách các đơn vị nợ bảo hiểm từ 3 tháng trở lên. Giải pháp cuối cùng là chuyển hồ sơ qua cơ quan công an khi các đơn vị vẫn cố tình vi phạm để tiến hành các biện pháp tố tụng, nhằm bảo đảm quyền lợi, thu được tiền nợ BHXH cho NLĐ.
Trần Minh