Tại Dự thảo Thông tư mới, nhiều quy định về đối tượng, chế độ ốm đau, thai sản… được điều chỉnh sát và phù hợp với thực tế hơn.
Bổ sung đối tượng
Dự thảo Nghị định đang lấy ý kiến về việc bổ sung vào cuối khoản 1 Điều 2 với nội dung: “Người hoạt động không chuyên trách ở xã, phường, thị trấn đồng thời là người giao kết hợp đồng lao động quy định tại điểm a và điểm b khoản 1 Điều 2 của Nghị định số 115/2015/NĐ-CP thì tham gia BHXH bắt buộc theo đối tượng quy định tại điểm a và điểm b khoản 1 Điều 2 của Nghị định số 115/2015/NĐ-CP”.
Về thời gian nghỉ việc được tính hưởng chế độ
Dự thảo Thông tư đề xuất sửa đổi điểm b khoản 2 Điều 6 như sau: “Tháng nghỉ việc hưởng chế độ ốm đau được tính từ ngày bắt đầu nghỉ việc hưởng chế độ ốm đau của tháng đó đến ngày trước liền kề của tháng sau liền kề. Trường hợp có ngày lẻ không trọn tháng thì mức hưởng chế độ ốm đau của những ngày lẻ không trọn tháng được tính theo công thức dưới đây, nhưng tối đa bằng mức trợ cấp ốm đau theo tháng:
Mức hưởng chế độ ốm đau đối với bệnh cần chữa trị dài ngày của những ngày lẻ không trọn tháng = (tiền lương đóng BHXH của tháng liền kề trước khi nghỉ việc)/24 ngày * Tỷ lệ hưởng chế độ ốm đau (%) * Số ngày nghỉ việc hưởng chế độ ốm đau.
Tại Dự thảo Thông tư mới, nhiều quy định điều chỉnh sát và phù hợp với thực tế hơn |
Về trường hợp người lao động nghỉ việc trên 14 ngày
Dự thảo Thông tư bổ sung điều kiện hưởng BHXH bắt buộc khi nghỉ trên 14 ngày vào cuối khoản 3 Điều 6 với nội dung, theo đó:
“Người lao động thuộc đối tượng đóng BHXH bắt buộc vào quỹ ốm đau và thai sản bị ốm đau, tai nạn mà không phải tai nạn lao động hoặc phải nghỉ việc để chăm sóc con dưới 7 tuổi bị ốm đau mà thời gian nghỉ việc từ 14 ngày làm việc trở lên trong tháng (bao gồm cả trường hợp nghỉ việc không hưởng tiền lương) thì mức hưởng chế độ ốm đau được tính trên mức tiền lương đóng BHXH của tháng liền kề trước khi nghỉ việc. Trường hợp các tháng liền kề tiếp theo người lao động vẫn tiếp tục bị ốm và phải nghỉ việc thì mức hưởng chế độ ốm đau được tính trên tiền lương tháng làm căn cứ đóng BHXH của tháng liền kề trước khi nghỉ việc”.
Trường hợp đi làm sau 30 ngày nghỉ ốm
Dự thảo Thông tư sửa đổi, bổ sung khổ đầu tiên của khoản 1 Điều 7 như sau:
“1. Người lao động đã nghỉ việc hưởng chế độ ốm đau từ đủ 30 ngày trở lên trong năm, bao gồm cả thời gian nghỉ việc hưởng chế độ ốm đau do mắc bệnh thuộc Danh mục bệnh cần chữa trị dài ngày do Bộ Y tế ban hành, trong khoảng thời gian 30 ngày đầu trở lại làm việc mà sức khỏe chưa phục hồi thì được nghỉ dưỡng sức, phục hồi sức khỏe theo quy định tại Điều 29 của Luật BHXH.
Căn cứ xác định thời gian tối đa trong một năm hưởng chế độ dưỡng sức, phục hồi sức khỏe sau ốm đau theo trường hợp nghỉ việc hưởng chế độ ốm đau cuối cùng trước khi nghỉ dưỡng sức, phục hồi sức khỏe (ốm đau thông thường hoặc ốm đau thuộc danh mục bệnh cần chữa trị dài ngày)”.
Đồng thời, Dự thảo Thông tư bổ sung vào cuối khoản 2 Điều 9 với nội dung như sau: “Đối với trường hợp người mẹ không đủ điều kiện hưởng chế độ thai sản khi sinh con mà người cha đủ điều kiện quy định nêu trên thì được hưởng trợ cấp một lần khi sinh con theo Điều 38 của Luật BHXH”.
Về quy định hưởng chế độ khi thai sản
Dự thảo sửa đổi khổ đầu khoản 3 và bổ sung khoản 4 Điều 10 như sau:
“3. Trường hợp lao động nữ mang thai đôi trở lên mà khi sinh nếu có con bị chết hoặc chết lưu thì thời gian hưởng chế độ khi sinh con và trợ cấp một lần khi sinh con được tính theo số con được sinh ra, bao gồm cả con bị chết hoặc chết lưu.
4. Lao động nam đang đóng BHXH bắt buộc vào quỹ ốm đau và thai sản khi vợ sinh con được nghỉ việc hưởng chế độ thai sản theo quy định tại khoản 2 Điều 34 của Luật BHXH thì có thể nghỉ làm nhiều lần nhưng tổng thời gian không quá thời gian quy định.
Thời gian nghỉ việc hưởng chế độ thai sản của lao động nam được tính trong khoảng thời gian 30 ngày đầu kể từ ngày vợ sinh con, đối với trường hợp nghỉ làm nhiều lần thì thời gian bắt đầu nghỉ việc lần cuối cùng vẫn phải trong khoảng thời gian 30 ngày đầu kể từ ngày vợ sinh con”…
Trần Minh