Nguyên tắc bảo hiểm y tế (BHYT) là nhằm bảo đảm chia sẻ rủi ro giữa những người tham gia BHYT. Người dân mua thẻ BHYT để được hưởng chế độ bảo hiểm bất cứ khi nào có nhu cầu. Thẻ BHYT là căn cứ để được hưởng các quyền lợi về BHYT. Mỗi người chỉ được cấp một thẻ BHYT.
Thời hạn hiệu lực sau khi mua thẻ
Theo Nghị định số 146/2018/NĐ-CP thay thế Nghị định 105/2014 hướng dẫn thi hành một số điều của Luật BHYT sẽ có hiệu lực thi hành từ ngày 1/12/2018, đối với trẻ em dưới 6 tuổi (sinh trước ngày 30/9): Thẻ BHYT có giá trị sử dụng đến hết ngày 30/9 của năm trẻ đủ 72 tháng tuổi; sinh sau ngày 30/9 thì thẻ BHYT có giá trị sử dụng đến hết ngày cuối của tháng trẻ đủ 72 tháng tuổi.
Đối với học sinh, sinh viên: Giá trị sử dụng bắt đầu từ ngày 1/10 năm đầu tiên của cấp tiểu học. Đối với học sinh lớp 12: Giá trị sử dụng đến hết ngày 30/9 của năm đó. Sinh viên năm thứ nhất của khóa học: Giá trị sử dụng từ ngày nhập học (trừ trường hợp thẻ của học sinh lớp 12 đang còn giá trị sử dụng thì nối tiếp với ngày hết hạn của thẻ trước đó). Đối với sinh viên năm cuối của khóa học: Giá trị sử dụng đến ngày cuối của tháng kết thúc khóa học.
Đối với người đã hiến bộ phận cơ thể theo quy định của pháp luật: Giá trị sử dụng ngay sau khi hiến bộ phận cơ thể.
Người hưởng trợ cấp thất nghiệp: Giá trị sử dụng từ tháng đầu tiên hưởng trợ cấp thất nghiệp ghi trong Quyết định hưởng trợ cấp thất nghiệp.
Người được phong tặng danh hiệu Nghệ nhân Nhân dân, Nghệ nhân Ưu tú: Giá trị sử dụng từ ngày cơ quan BHXH nhận được Quyết định phê duyệt danh sách của cơ quan nhà nước có thẩm quyền
Người nghèo (nhóm 3), người cận nghèo (nhóm 4) được ngân sách nhà nước hỗ trợ 100% mức đóng BHYT: Giá trị sử dụng được xác định tại Quyết định phê duyệt danh sách.
Đối tượng bảo trợ xã hội: Giá trị sử dụng từ ngày được hưởng trợ cấp xã hội tại Quyết định của UBND cấp huyện.
Đối với đối tượng khác: Giá trị sử dụng từ ngày người tham gia nộp tiền đóng BHYT.
Trường hợp đối tượng người thuộc hộ gia đình nông - lâm - ngư - diêm nghiệp có mức sống trung bình (nhóm 5 và nhóm 6): Tham gia BHYT lần đầu hoặc tham gia không liên tục từ 3 tháng trở lên trong năm tài chính: Thẻ BHYT có thời hạn sử dụng là 12 tháng kể từ ngày thẻ BHYT có giá trị sử dụng.
Người dân mua thẻ BHYT được hưởng chế độ bảo hiểm bất cứ khi nào có nhu cầu |
Mức hưởng với người mua thẻ
Một điểm mới của Nghị định 146 là không bắt buộc toàn bộ thành viên hộ gia đình phải tham gia BHYT cùng một thời điểm; thực hiện giảm trừ mức đóng khi thành viên thứ 2 tham gia trong năm tài chính. Quy định này thuận lợi cho người tham gia BHYT theo hộ gia đình, góp phần mở rộng đối tượng BHYT.
Đặc biệt, quy định về đi khám chữa bệnh (KCB) không đúng tuyến trong Nghị định cũng nêu rõ, với bệnh nhân đi KCB không đúng tuyến BHYT, dù được cơ sở nơi tiếp nhận chuyển tuyến đến cơ sở KCB khác, quỹ BHYT thanh toán chi phí KCB theo như đi trái tuyến.
Nghị định cũng quy định, giá trị sử dụng của thẻ BHYT tương ứng số tiền đóng BHYT (trừ đối tượng là trẻ em dưới 6 tuổi).
Kể từ ngày thẻ BHYT có giá trị sử dụng, Quỹ BHYT sẽ chi trả chi phí KCB BHYT, người dân đã có thẻ BHYT chỉ phải chi trả một phần chi phí này. Mức hưởng cụ thể đối với người tham gia BHYT theo hộ gia đình được quy định tại Điều 22 Luật BHYT.
Trường hợp đi KCB BHYT đúng quy định: 80% chi phí KCB BHYT trong phạm vi, mức hưởng quy định (có giới hạn tỷ lệ thanh toán một số thuốc, hóa chất, vật tư y tế và dịch vụ kỹ thuật theo quy định của Bộ trưởng Bộ Y tế).
Trường hợp tự đi KCB BHYT không đúng quy định: Không được thanh toán đối với chi phí điều trị ngoại trú và được thanh toán 60% chi phí điều trị nội trú tại cơ sở y tế tuyến tỉnh, 40% chi phí điều trị nội trú tại cơ sở y tế tuyến Trung ương.
Để được hưởng đầy đủ quyền lợi về BHYT, người dân nên đến KCB tại cơ sở đăng ký KCB ban đầu ghi trên thẻ BHYT. Trường hợp vượt quá khả năng chuyên môn, sẽ được chuyển tuyến theo đúng quy định.
Mức hưởng BHYT theo mức độ bệnh tật, nhóm đối tượng trong phạm vi quyền lợi và thời gian tham gia BHYT.
Trần Minh