Một trong năm vấn đề Thủ tướng Chính phủ khen ngợi bảo hiểm xã hội (BHXH) Việt Nam chính là việc đơn vị này cải cách sớm nhất, sớm đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin, xây dựng cơ sở dữ liệu quốc gia về BHXH; chia sẻ thông tin, giám sát việc thanh toán, chi trả BHXH, bảo hiểm y tế (BHYT). Hệ thống công nghệ thông tin của BHXH được triển khai từ Trung ương tất cả cấp quận/huyện, cơ sở y tế. Qua đó giảm mạnh thời gian nộp BHXH của các doanh nghiệp (DN) từ 335 giờ/năm trước đây xuống còn 45 giờ/năm; giảm từ 115 bộ thủ tục hành chính xuống còn 28 bộ...
Kết nối, liên thông, tích hợp an toàn
Theo Nghị định 146/2018, quy định và hướng dẫn biện pháp thi hành một số điều của Luật BHYT vừa được Thủ tướng ký ban hành, chậm nhất đến ngày 1/1/2020, BHXH Việt Nam phải phát hành thẻ BHYT cho người dân.
Trước đó Thủ tướng đã chỉ đạo, giao cho BHXH Việt Nam chủ trì, phối hợp với các bộ ngành liên quan xây dựng Dự thảo Quyết định của Thủ tướng về cấp, quản lý và sử dụng thẻ BHYT điện tử. “Thủ tướng yêu cầu thẻ BHYT điện tử phải gắn chíp với giải pháp công nghệ do Việt Nam làm chủ; bảo đảm kết nối, liên thông, tích hợp an toàn và chia sẻ dữ liệu với các bộ ngành, địa phương liên quan”, ông Đào Việt Ánh - Phó Tổng Giám đốc BHXH Việt Nam, cho biết.
Thực tế, trước đây người tham gia BHXH muốn kiểm tra quá trình đóng BHXH, mức lương được hưởng, thời gian công tác của bản thân không biết kiểm tra ở đâu, mà phải qua khâu trung gian là đơn vị sử dụng lao động, rồi đến cơ quan BHXH để tra cứu, tìm hiểu thông tin. Quá trình này mất nhiều thời gian và không tiện lợi, chỉ khi hết tuổi lao động, đến thời gian nghỉ hưu hoặc giải quyết chế độ, người lao động mới biết đến sổ BHXH.
Với thẻ điện tử, khi đi khám bệnh, trong trường hợp thẻ chưa đến tay người dân nhưng trong hệ thống đã có thông tin thì chủ thẻ vẫn được giải quyết bình thường. Các cơ sở khám chữa bệnh chỉ cần nhập mã thẻ, họ tên, ngày tháng năm sinh chủ thẻ, hệ thống sẽ trả kết quả là thẻ có hợp lệ hay không. Người dân cũng có thể tra cứu quyền lợi của mình, thậm chí tra cứu những lần khám chữa bệnh nếu đã khám chữa bệnh trên Cổng thông tin điện tử của ngành bảo hiểm.
Các chuyên gia y tế cho rằng việc sử dụng thẻ BHYT điện tử giúp cơ sở y tế phát hiện các trường hợp trùng thẻ, thẻ vi phạm bị thu hồi. Trong trường hợp thẻ được cấp nhưng chưa đến tay người tham gia BHYT hoặc người bệnh quên thẻ thì người tham gia BHYT chỉ cần đọc mã số thẻ, bệnh viện sẽ giải quyết chế độ khám, chữa bệnh như bình thường.
Việc cấp thẻ BHYT điện tử sẽ yêu cầu các thông tin định danh như ảnh, vân tay, mã vạch... sẽ giúp người dân giám sát, tránh gian dối trong hoạt động khám chữa bệnh BHYT ở các cơ sở y tế.
BHYT điện tử là một thay đổi rất mới |
Chế độ BHYT phát huy tốt nhất
Theo ông Dương Tuấn Đức - Giám đốc Trung tâm Giám định BHYT và Thanh toán đa tuyến khu vực phía Bắc (BHXH Việt Nam), việc cấp thẻ BHYT điện tử sẽ tiết kiệm được chi phí cho ngành. Lâu nay, thời hạn sử dụng thẻ BHYT của từng nhóm đối tượng ghi trên thẻ giấy có thể là 3 tháng, 6 tháng, 1 năm. Hết thời hạn sử dụng, cơ quan BHXH phải cấp lại thẻ, gây tốn kém chi phí in, chuyển phát, mất nhiều thời gian của cán bộ BHXH.
Do cấp dồn vào một thời điểm, cho nên một số địa phương đã có tình trạng cấp chậm, cấp sai đối tượng, sai thông tin trên thẻ. Tỷ lệ thẻ cấp đổi hàng năm do rách, hỏng cũng tương đối lớn. Hơn nữa, việc sử dụng thẻ này đồng nghĩa với việc người bệnh đã có mã định danh liên thông tại các cơ sở y tế và cơ sở bảo hiểm có liên quan, khi đến cơ sở khám chữa bệnh không cần mang theo giấy tờ tùy thân có ảnh như hiện nay.
Việc triển khai sử dụng thẻ BHYT điện tử được xem là một thay đổi rất mới trong việc giúp chế độ BHYT có thể phát huy tốt nhất vai trò của mình đối với việc khám chữa bệnh của mọi người. Nó có thể giúp người tham gia bảo hiểm có thể được khám chữa bệnh mọi lúc, mọi nơi chỉ với các thông tin cơ bản là cơ sở khám chữa bệnh có thể tìm ra thông tin để có thể ghi nhận việc khám chữa bệnh là hợp lệ.
Trần Minh