Để thị trường phát triển, nhiều chuyên gia cho rằng doanh nghiệp bảo hiểm cần đa dạng hóa sản phẩm, nâng cao chất lượng dịch vụ và cải tiến sản phẩm, phát triển ứng dụng công nghệ vào bảo hiểm...
Bảo hiểm nhân thọ “hạ nhiệt”
Theo thông tin cập nhật từ Hiệp hội Bảo hiểm, thị trường bảo hiểm nhân thọ tăng trưởng chậm lại trong thời gian qua. Cụ thể, trong 4 tháng đầu năm, doanh thu phí bảo hiểm khai thác mới đạt 15.026 tỉ đồng, giảm 8,2%. Tổng doanh thu phí bảo hiểm toàn thị trường ước đạt là 51.782 tỉ đồng, tăng 14,5% so với cùng kỳ năm trước.
Đến hết tháng 4, tổng số hợp đồng khai thác mới của các doanh nghiệp bảo hiểm nhân thọ là 925.896 hợp đồng, giảm 22,8% so với cùng kỳ năm 2021, chủ yếu giảm ở sản phẩm bảo hiểm liên kết chung chiếm tỷ trọng 40,6%, giảm 37,7% và sản phẩm bảo hiểm tử kỳ chiếm tỷ trọng 27,3%, giảm 32,4%. Ngược lại, sản phẩm bảo hiểm liên kết đơn vị chiếm tỷ trọng 23,1%, tăng 94,2%, bảo hiểm sức khỏe tăng 30% so với cùng kỳ.
Manulife nằm trong nhóm năm doanh nghiệp đứng đầu ngành bảo hiểm nhân thọ, so kè về số hợp đồng bảo hiểm lẫn doanh thu phí khai thác mới với các doanh nghiệp Bảo Việt, AIA, Prudential và Dai-ichi. |
Theo nhận định của các chuyên gia, hiện tại, vẫn còn khá sớm để đưa ra dự báo về tăng trưởng phí mới cả năm 2022 và sự sụt giảm trong 4 tháng chưa ảnh hưởng nhiều đến tốc độ tăng trưởng tổng doanh thu phí bảo hiểm toàn khối. Cụ thể, tổng doanh thu phí bảo hiểm toàn thị trường trong 4 tháng ước đạt là 51.782 tỉ đồng, tăng 14,5% so với cùng kỳ.
Manulife, Bảo Việt, AIA, Prudential và Dai-ichi là năm doanh nghiệp đứng đầu ngành bảo hiểm nhân thọ, so kè về số hợp đồng bảo hiểm lẫn doanh thu phí khai thác mới.
Tuy nhiên, các chuyên gia cho rằng, trong bối cảnh đà giảm phí mới được cho là còn tiếp diễn ít nhất là trong quý II/2022 có thể khiến tổng doanh thu phí bảo hiểm tăng chậm lại, thậm chí sụt giảm mạnh. Nguyên nhân được các doanh nghiệp bảo hiểm cho rằng, việc tuyển dụng đại lý bảo hiểm mới gặp nhiều khó khăn trước sức hút từ những ngành nghề khác như bất động sản, chứng khoán, du lịch - dịch vụ… phục hồi sau dịch.
Bên cạnh đó, các doanh nghiệp bảo hiểm đang khó khăn trong việc tuyển dụng nhân sự. Hiện tổng số nhân sự toàn ngành đang thấp hơn cùng kỳ năm ngoái. Điều này đặt ra câu hỏi, liệu thị trường bảo hiểm nhân thọ bước vào giai đoạn điều chỉnh giảm với tốc độ tăng trưởng tổng doanh thu phí xuống dưới mức 20%/năm?
Tại buổi cập nhật thông tin về thị trường bảo hiểm nhân thọ Việt Nam tuần qua, ông Ngô Trung Dũng, Phó tổng thư ký Hiệp hội Bảo hiểm cho hay, ước tính tốc độ tăng trưởng thị trường trong năm nay sẽ tiếp tục chậm lại (còn khoảng 17%), sau bước tăng trưởng dài (25-30%/năm). Vì ở thị trường lân cận như Đài Loan, Nhật Bản, Hàn Quốc... mức tăng 3-5% được xem là hài lòng, nên trường hợp con số tăng trưởng hằng năm 10% trong thời gian tới tại nước ta vẫn hấp dẫn.
Doanh nghiệp kỳ vọng có thể trở thành "cánh diều ngược gió"
Về bức tranh thị trường bảo hiểm nhân thọ trong những năm tới, các chuyên gia lạc quan cho rằng vẫn là “điểm sáng” do còn nhiều động lực để phát triển.
Ông Dũng nhận định hiện có nhiều động lực để thúc đẩy thị trường Việt Nam phát triển trong dài hạn, bao gồm quy mô thị trường còn nhỏ, ước tính đến cuối năm 2021 chỉ có khoảng 11% dân số tham gia bảo hiểm nhân thọ, thu nhập và kiến thức của người dân được cải thiện. Kỳ vọng GDP bình quân đầu người đến năm 2030 đạt khoảng 7.500 USD, tầng lớp trung lưu gia tăng.
Bên cạnh đó, theo ông Dũng, một động lực khác là việc cải tiến sản phẩm, phát triển ứng dụng công nghệ vào bảo hiểm... và nâng cao chất lượng dịch vụ. “Các doanh nghiệp bảo hiểm đang không ngừng nâng cao dịch vụ chăm sóc khách hàng, tăng cường độ tương tác với khách hàng và làm việc này tương đối tốt. Các khâu thẩm định, bồi thường bảo hiểm cũng được thực hiện nhanh chóng hơn trước”, ông Dũng nói.
Mặc dù thị trường bảo hiểm gặp thách thức trong thời gian tới, nhưng nhìn nhận ở góc độ doanh nghiệp, ông Sang Lee, Tổng giám đốc Manulife Việt Nam lạc quan cho rằng, doanh nghiệp bảo hiểm cũng có thể trở thành "cánh diều ngược gió".
Vị giám đốc này nhận định, trong nửa cuối năm, thị trường tuyển dụng toàn ngành sẽ quay trở lại. Do đó, tăng trưởng tổng doanh thu phí sẽ được cải thiện.
“Một trong những giải pháp đang triển khai nhằm thu hút khách hàng đó là kiểm soát chất lượng tư vấn là khi khách hàng có nhu cầu mua bảo hiểm thông qua kênh ngân hàng, công ty bảo hiểm sẽ gọi xác nhận để biết khách hàng đã thực sự hiểu sản phẩm sắp mua chưa, chứ không vội cấp hợp đồng ngay”, ông Sang Lee nói.
Thanh Hoa