Trong báo cáo tài chính Quý 1/2022 công bố gần đây của một “đại gia” trong ngành bất động sản ở các tỉnh phía Nam là CTCP đầu tư Nam Long có vài điểm đáng chú ý liên quan đến khoản nợ trái phiếu và một vài tên tuổi doanh nghiệp (DN) trong ngành bảo hiểm.
Rủi ro dồn tiền vào trái phiếu bất động sản
Cụ thể, theo thuyết minh trong báo cáo tài chính về khoản vay và nợ dài hạn thì nợ trái phiếu của DN này tính đến 31/3/2022 là hơn 2.000 tỷ đồng. Trong đó, có thể kể đến một số trái chủ là công ty bảo hiểm nhân thọ như: Công ty TNHH Manulife (Việt Nam) với 2 khoản tiền là 510 tỷ đồng và 270 tỷ đồng, Công ty TNHH Bảo hiểm nhân thọ AIA (Việt Nam) với 2 khoản tiền 120 tỷ đồng và 8 tỷ đồng, Công ty TNHH Bảo hiểm nhân thọ Generali (Việt Nam) với 2 khoản tiền là 30 tỷ đồng và 5 tỷ đồng.
Việc rót vốn đầu tư trái phiếu bất động sản của một số công ty bảo hiểm nhân thọ trong thời gian gần đây gây không ít lo ngại về yếu tố rủi ro. |
Mục đích của các khoản vay trái phiếu này là tài trợ và đầu tư cho các dự án bất động sản, có lãi suất từ 6,5% đến 10,5%. Tài sản đảm bảo phần lớn là cổ phiếu do Nam Long sở hữu và quyền sử dụng đất tại xã An Thạnh, huyện Bến Lức, Long An.
Nêu ra vài dữ liệu từ một công ty địa ốc nêu trên như một dẫn chứng về việc rót vốn đầu tư trái phiếu bất động sản của một số công ty bảo hiểm nhân thọ trong bối cảnh hiện nay.
Điều đáng nói, những nhận định từ phía cơ quan quản lý cho thấy trái phiếu bất động sản trong thời gian gần đây chưa tuân thủ quy định của pháp luật tiềm ẩn nhiều nguy cơ cho thị trường bất động sản.
Nhất là với những trái phiếu có lãi suất cao, được bảo đảm bằng cổ phiếu luôn chứa đựng nhiều yếu tố rủi ro. Như vậy, với các trái chủ là những công ty bảo hiểm khi dồn tiền cho công ty bất động sản cũng sẽ khó tránh những rủi ro này.
Trong khi đó, cách đây khoảng 5 năm, một số đánh giá cho thấy các DN bảo hiểm ở Việt Nam hiện nay chủ yếu sử dụng vốn nhàn rỗi để đầu tư vào trái phiếu Chính phủ và tiền gửi ngân hàng, với tỷ trọng trên 85%.
Thời điểm trên, một phó cục trưởng Cục Quản lý và Giám sát bảo hiểm của Bộ Tài chính cho rằng với yêu cầu đặc thù của hoạt động kinh doanh bảo hiểm là luôn phải bảo đảm năng lực tài chính nhằm đáp ứng cam kết dài hạn của các hợp đồng bảo hiểm (đặc biệt trong lĩnh vực bảo hiểm nhân thọ), các DN bảo hiểm luôn ưu tiên lựa chọn các tài sản tài chính có tính an toàn cao và thời hạn dài, như trái phiếu Chính phủ và tiền gửi ngân hàng.
Thậm chí, đại diện của công ty quản lý quỹ của một DN bảo hiểm nhân thọ còn khẳng định chắc nịch là đầu tư của công ty phần lớn là trái phiếu Chính phủ, xem trái phiếu Chính phủ là trọng tâm đầu tư, các loại tài sản khác như tiền gửi ngân hàng, cổ phiếu, bất động sản...chỉ chiếm tỷ trọng nhỏ.
Còn trong bối cảnh hiện tại, việc các công ty bảo hiểm đầu tư trái phiếu, rót vốn vào mảng bất động sản đang có nhiều ý kiến gây tranh cãi.
Những ý kiến trái chiều
Nhất là mới đây, khi Quốc hội thảo luận ở hội trường về dự thảo Luật Kinh doanh bảo hiểm (sửa đổi) thì việc cấm DN bảo hiểm kinh doanh, đầu tư vào mảng bất động sản đã nhận được một số ý kiến góp ý từ các đại biểu Quốc hội.
Một số đại biểu cho rằng việc cấm DN bảo hiểm kinh doanh bất động sản là phù hợp, nhưng cũng góp ý dự thảo luật cần làm rõ DN bảo hiểm, chi nhánh có được góp vốn kinh doanh bất động sản hay không. Nếu được phép thì luật cần nêu rõ giới hạn tỷ lệ vốn góp, để tránh cách hiểu khác nhau trong thực thi.
Còn theo ý kiến từ phía dư luận, sẽ ra sao nếu công ty bảo hiểm lấy tiền an sinh của người dân để đầu tư bất động sản và thua lỗ, tuyên bố phá sản? Khoản an sinh của người dân sẽ đi về đâu? Nhà nước nếu có quy định cấm là để bảo vệ cho người dân.
Theo những ý kiến này, bởi vì đặc thù của ngành bảo hiểm nên cấm là đúng, tránh trường hợp chiếm dụng vốn, làm ăn bát nháo. Tiền bảo hiểm là khoản an sinh của người dân đóng vào để đảm bảo cho tương lai: Hưu trí, ốm đau, tử tuất…
Trái lại, một số ý kiến khác cho rằng dùng tiền của khách hàng để kinh doanh chính là nguồn thu lợi nhuận của DN bảo hiểm. Kinh doanh gì thì cũng có rủi ro chứ không riêng gì kinh doanh bất động sản. Cái cần là các chế tài yêu cầu các DN bảo hiểm phải có nghĩa vụ bảo đảm quyền lợi của khách hàng.
Và nên chăng hạn chế quy mô vốn góp, quy mô vốn đầu tư trên vốn chủ với DN bảo hiểm hoạt động kinh doanh bất động sản thay vì cấm hẳn. Vì theo luật Doanh nghiệp thì mọi thực thể đều được kinh doanh bình đẳng nếu pháp luật không cấm.
Trong khi đó, đứng về phía các DN trong ngành bất động sản, mới đây Hiệp hội Bất động sản Tp.HCM (HoREA) đã có kiến nghị gửi đến Uỷ ban thường vụ Quốc hội cho phép DN bảo hiểm được sử dụng vốn nhàn rỗi của mình để đầu tư bất động sản.
Theo quan điểm của HoREA, rất cần thiết cho phép DN bảo hiểm dùng “vốn nhàn rỗi từ dự phòng nghiệp vụ” để “đầu tư tài chính, đầu tư vốn” vào một số lĩnh vực, trong đó có lĩnh vực bất động sản (nhưng không được thực hiện hoạt động kinh doanh bất động sản), tương tự như nhiều nước cho phép DN bảo hiểm được đầu tư tài chính.
Bởi lẽ, nguồn vốn bảo hiểm cũng là một nguồn vốn xã hội hóa rất lớn cần được khai thác, sử dụng hiệu quả sẽ bổ sung thêm một nguồn vốn đầu tư, góp phần chia sẻ bớt áp lực cho các tổ chức tín dụng.
Về mức vốn mà DN bảo hiểm được phép đầu tư vào lĩnh vực bất động sản, phía HoREA nhận thấy quy định “DN bảo hiểm được sử dụng vốn nhàn rỗi của mình để đầu tư tài chính, góp vốn vào lĩnh vực bất động sản với mức tối đa 10% đối với DN bảo hiểm phi nhân thọ, tối đa 20% đối với DN bảo hiểm nhân thọ” tại Điều 62 Nghị định 73/2016/NĐ-CP là phù hợp và vẫn phải đảm bảo thực hiện nguyên tắc DN kinh doanh bảo hiểm “tự chịu trách nhiệm về hoạt động đầu tư, bảo đảm tính an toàn, hiệu quả và thanh khoản”.
Thanh Loan