Bước vào mùa đại hội cổ đông (ĐHCĐ) năm 2022, nhiều doanh nghiệp bảo hiểm phi nhân thọ thận trọng với mục tiêu lợi nhuận năm nay. Nguyên nhân được cho là do chi phí bồi thường bảo hiểm có thể tăng lên, các doanh nghiệp đua cạnh tranh bằng cách hạ phí nhằm mở rộng thị phần, lãi suất tiền gửi ngân hàng vẫn ở mức thấp…
Kế hoạch lợi nhuận “đi lùi”
Khảo sát kế hoạch kinh doanh năm 2022 của các công ty bảo hiểm phi nhân thọ niêm yết đã công bố đến thời điểm hiện tại, đa phần các doanh nghiệp đều kỳ vọng tăng trưởng khả quan về doanh thu phí bảo hiểm nhưng lại thận trọng về lợi nhuận với các kế hoạch tốc độ tăng thấp hơn doanh thu phí bảo hiểm gốc, thậm chí có doanh nghiệp nhận định lợi nhuận tăng trưởng âm.
Bảo hiểm AAA đặt tham vọng trở thành một trong những công ty bảo hiểm hàng đầu niêm yết trên sàn giao dịch chứng khoán trong vòng 3 năm tới |
Tại ĐHCĐ tổ chức mới đây, đại diện Công ty cổ phần PVI (PVI Holdings) cho biết, năm 2022, PVI Holdings đặt mục tiêu kinh doanh thận trọng với tổng doanh thu hợp nhất tăng nhẹ 4,9% so với thực hiện năm 2021 lên mức 11.652 tỷ đồng, nhưng lợi nhuận trước thuế giảm mạnh 17,26% về mức 911 tỷ đồng.
Tương tự, trong tờ trình ĐHCĐ, Bảo hiểm Bưu điện (PJICO) đặt mục tiêu đạt 3.678 tỷ đồng doanh thu bảo hiểm gốc, tăng 10% so với năm 2021. Tuy nhiên, chỉ tiêu lãi trước thuế “đi lùi” về 250 tỷ đồng, giảm 43% so với lợi nhuận thực hiện năm 2021.
Theo tờ trình gửi đến các cổ đông vừa cập nhật, HĐQT Tổng công ty Bảo hiểm BIDV (BIC) đã đề xuất điều chỉnh tăng kế hoạch lợi nhuận năm 2022 từ 385 tỷ đồng lên 435 tỷ đồng, giảm 13,4% so với năm trước.
Một trong những lý do khiến các doanh nghiệp bảo hiểm thận trọng với kế hoạch lợi nhuận trong năm 2022 là chi phí bồi thường bảo hiểm có thể tăng lên làm ảnh hưởng tới lợi nhuận, bởi khi dịch bệnh đã được kiểm soát, mọi người và phương tiện ra đường nhiều hơn, nên rủi ro tai nạn sẽ lớn hơn, từ đó làm tăng chi phí bồi thường.
Theo thông tin từ Tổng cục Thống kê, doanh thu phí toàn thị trường bảo hiểm quý I/2022 ước tính tăng 13% so với cùng kỳ năm trước, trong đó doanh thu phí bảo hiểm lĩnh vực phi nhân thọ tăng 9%.
Bên cạnh đó, lãi suất tiền gửi ngân hàng vẫn đang ở mức thấp. Theo dự báo lãi suất tiền gửi ngân hàng sẽ chỉ tăng nhẹ 30-50 điểm cơ bản với các kỳ hạn dưới 1 năm - kỳ hạn gửi tiền phổ biến của các công ty bảo hiểm phi nhân thọ, theo định hướng hỗ trợ phục hồi kinh tế của Chính phủ. Trong khi đó, quy mô tiền gửi sẽ tăng tương ứng với quy mô phí bảo hiểm (13-14%). Mức tăng về lợi nhuận từ tiền gửi sẽ không đủ lớn để bù đắp cho phần giảm của lợi nhuận từ cổ phiếu. Do đó, lợi nhuận đầu tư cũng sẽ suy giảm trong năm nay.
Cạnh tranh ngày càng khốc liệt
Ngoài hai nguyên nhân trên, các doanh nghiệp bảo hiểm còn cho rằng, trong năm nay, cạnh tranh giữa các doanh nghiệp bảo hiểm sẽ khốc liệt hơn khi có sự xuất hiện của các "tân binh" đáng gờm, thông qua các thương vụ mua lại công ty bảo hiểm.
Điển hình là Chứng khoán Tân Việt (TVSI) và một nhóm nhà đầu tư vừa sở hữu 100% vốn Bảo hiểm FWD Việt Nam, thuộc sở hữu của Tập đoàn FWD. Hay như BCG được Bộ Tài chính phê duyệt thương vụ mua lại 80,64% cổ phần Bảo hiểm AAA - thương vụ đánh dấu việc BCG chính thức tham gia vào thị trường bảo hiểm tại Việt Nam.
Tham vọng của các "tân binh" rất lớn. Điển hình như tân Chủ tịch HĐQT Bảo hiểm AAA Nguyễn Đình Ngôn đề ra mục tiêu đưa công ty bảo hiểm này trở thành “một trong những công ty bảo hiểm hàng đầu niêm yết trên sàn giao dịch chứng khoán” trong vòng 3 năm tới. Và để đạt được mục tiêu này, các "tân binh" sẽ phải có chiến lược cạnh tranh hấp dẫn để thu hút thị phần.
Ngay chính doanh nghiệp đang giữ ngôi vương thị phần cũng cảm nhận rõ sức nóng cạnh tranh của lĩnh vực bảo hiểm phi nhân thọ này. Tại cuộc họp ĐHCĐ, ông Phạm Anh Đức, Phó tổng giám đốc PVI Holdings cho biết, hiện có 30 hãng bảo hiểm phi nhân thọ đang hoạt động tại Việt Nam, trong đó nhiều hãng áp dụng các giải pháp cạnh tranh phi truyền thống, bao gồm cả giảm phí bảo hiểm. Do đó, ngoài việc đảm bảo chất lượng dịch vụ, Bảo hiểm PVI cũng phải tính đến cung cấp các sản phẩm bảo hiểm với giá thành cạnh tranh hơn.
Theo khảo sát do Vietnam Report thực hiện mới đây, các doanh nghiệp bảo hiểm nhận định, trong 6 tháng năm 2022, 4 thách thức lớn nhất mà các các doanh nghiệp bảo hiểm phải đối mặt bao gồm: cạnh tranh trong ngành gia tăng; rủi ro từ yếu tố thiên tai dịch bệnh; thu nhập khách hàng giảm sút; hiện tượng trục lợi bảo hiểm.
Đại diện PVI Holdings cũng xác định, sự cạnh tranh trên thị trường sẽ còn gắt gao hơn trong thời gian tới. Còn Tổng giám đốc PJICO Nguyễn Thị Hương Giang cũng nêu rõ, trong năm 2022, các công ty bảo hiểm vẫn sẽ cạnh tranh khốc liệt thông qua việc hạ phí bảo hiểm, tăng chi phí, mở rộng điều kiện điều khoản bảo hiểm để lấy lại tăng trưởng, thị phần bị sụt giảm trong giai đoạn 2020-2021.
Để tăng sức cạnh tranh và đạt mục tiêu kinh doanh, nhiều công ty bảo hiểm đẩy mạnh khai thác thêm các thị trường ngách, đồng thời cho ra mắt những sản phẩm tích hợp nhiều quyền lợi và mang lại sự trải nghiệm cho khách hàng.
Thanh Hoa