Ngày 20/2, Bộ Tài chính cho biết, Bộ đã nhiều lần có ý kiến chỉ đạo, yêu cầu tăng cường thanh tra, kiểm tra, giám sát chặt chẽ hoạt động của các doanh nghiệp bảo hiểm, các công ty môi giới bảo hiểm nhằm hạn chế tối đa tình trạng gian lận, trục lợi bảo hiểm cũng như đảm bảo tối đa quyền lợi của người mua bảo hiểm.
Gần đây, nhiều khách hàng đã có đơn tố cáo gửi đến các cơ quan chức năng về việc Công ty TNHH Manulife Việt Nam bán bảo hiểm thông qua kênh đối tác Ngân hàng SCB có hành vi lừa dối khách hàng. |
Tuy nhiên, vẫn có tình trạng nhân viên của một số ngân hàng giới thiệu, chào mời, ép buộc khách hàng mua bảo hiểm nhân thọ, bảo hiểm liên kết đầu tư khi tới gửi tiền hoặc vay vốn.
Theo đó, Bộ trưởng Hồ Đức Phớc đã nhiều lần có ý kiến về việc này, đặc biệt, tại cuộc họp giao ban Bộ Tài chính tháng 9/2022, Bộ trưởng đã giao Cục Quản lý và giám sát bảo hiểm chủ động giám sát chặt chẽ thị trường bảo hiểm, không để xảy ra tình trạng nhân viên ngân hàng chèo kéo, gợi ý, ép buộc khách hàng mua bảo hiểm cùng với các sản phẩm tài chính khác khi vay vốn, tiến hành thanh tra, kiểm tra và xử lý nghiêm các vi phạm.
Song, qua phản ánh của báo đài, vẫn có tình trạng nhân viên của một số ngân hàng giới thiệu, chào mời, ép buộc khách hàng mua bảo hiểm nhân thọ, bảo hiểm liên kết đầu tư khi tới gửi tiền hoặc vay vốn.
Do đó, tại Công văn số 1544 /BTC-VP về việc tăng cường công tác thanh tra, giám sát hoạt động trên thị trường bảo hiểm được ban hành ngày 20/2, Bộ trưởng Hồ Đức Phớc tiếp tục yêu cầu Cục Quản lý và giám sát bảo hiểm đẩy mạnh quản lý, giám sát hoạt động thị trường bảo hiểm.
Cùng với đó, thanh tra, kiểm tra các công ty bảo hiểm, bao gồm cả các đại lý bảo hiểm, môi giới bảo hiểm; không để tiếp tục xảy ra tình trạng doanh nghiệp bảo hiểm liên kết với ngân hàng ép buộc khách hàng tới giao dịch phải mua bảo hiểm mới cho vay vốn, hay hình thức giới thiệu cho người tới gửi tiền tham gia đầu tư vào các sản phẩm bảo hiểm liên kết trái với quy định pháp luật liên quan.
Ngoài ra, công bố đường dây nóng (số điện thoại, email) để tiếp nhận thông tin phản ánh của người dân và doanh nghiệp về các sản phẩm bảo hiểm biến tướng nêu trên. Đồng thời, phân công cán bộ trực 24/7 và kịp thời kiểm tra xác minh thông tin để có biện pháp thanh tra, phối hợp với cơ quan công an và thanh tra giám sát của Ngân hàng Nhà nước ngăn chặn, xử lý nghiêm theo quy định của pháp luật.
Bộ Tài chính cũng yêu cầu rà soát và báo cáo đánh giá rủi ro tình hình thị trường bảo hiểm Việt Nam; có đánh giá về thực trạng số lượng, hoạt động của các doanh nghiệp bảo hiểm, đại lý bảo hiểm, tái bảo hiểm so với quy mô thị trường và đặc biệt là việc tuân thủ các quy định trong hoạt động huy động, đầu tư vốn (nếu có) của các doanh nghiệp bảo hiểm tại một số lĩnh vực có hệ số rủi ro cao.
Gần đây, nhiều khách hàng đã có đơn tố cáo gửi đến các cơ quan chức năng về việc Công ty TNHH Manulife Việt Nam bán bảo hiểm thông qua kênh đối tác Ngân hàng SCB có hành vi lừa dối khách hàng. Các nội dung tố cáo liên quan đến các nội dung: Đại lý bảo hiểm và nhân viên SCB tiếp thị, giải thích sai làm mọi người nhầm lẫn và ký kết Hợp đồng không đúng với mục đích của mình và cách tổ chức bán bảo hiểm và thái độ giải quyết khiếu nại của Manulife là trốn tránh, phủi tay, vô trách nhiệm.
Theo đó, sau khi nhận được đơn thư tố cáo, Bộ Tài chính đã chuyển đơn đến Cục Cảnh sát điều tra tội phạm về tham nhũng, kinh tế buôn lậu, Bộ Công an (C03) để được xem xét, giải quyết theo quy định của pháp luật và thông báo kết quả đến Bộ Tài chính.
Thanh Hoa