Bancassurance đang là “gà đẻ trứng vàng” của nhiều ngân hàng hiện nay. (Ảnh minh hoạ: Int) |
Liên quan đến vấn đề này, thông tin với báo chí, Bộ Tài chính cho biết, sẽ tiếp tục phối hợp với Ngân hàng Nhà nước nghiên cứu, hoàn thiện cơ chế chính sách; tăng cường quản lý, giám sát hoạt động bán bảo hiểm của các đại lý là tổ chức tín dụng.
Kinh doanh kiểu “phi thị trường”
Thống kê của Hiệp hội Bảo hiểm Việt Nam, tính riêng trong năm 2020, bán bảo hiểm qua kênh ngân hàng (bancassurance) chiếm tới 40% doanh thu bán bảo hiểm mới. Nhiều chuyên gia nhận định, bancassurance sẽ tiếp tục phát triển mạnh và trở thành một trong những kênh phân phối chính của ngành bảo hiểm.
Thực tế, gần đây, hàng loạt thương vụ hợp tác giữa ngân hàng thương mại với công ty bảo hiểm đã được ký kết, với hàng nghìn tỷ đồng phí trả trước của hãng bảo hiểm cho ngân hàng.
Lợi nhuận thu về từ bán bảo hiểm khiến một số ngân hàng đẩy mạnh kinh doanh mảng này bằng cách áp chỉ tiêu đến từng nhân viên. Điều đó tạo ra áp lực cho cán bộ, và khi bị áp lực thì các cán bộ có thể tìm mọi cách để có thể bán được bảo hiểm.
Theo tìm hiểu, không phải ngân hàng nào cũng áp dụng quy định phải mua bảo hiểm tiền vay, số tiền khách hàng phải chi để mua bảo hiểm cũng khác nhau. Với tài sản thế chấp là cơ sở kinh doanh, nhà xưởng, dãy nhà trọ cho thuê… thì ngân hàng mới yêu cầu khách hàng phải mua bảo hiểm tài sản thế chấp khoản vay. Điều này nhằm bảo đảm khi có sự cố xảy ra sẽ có công ty bảo hiểm thay khách hàng thực hiện nghĩa vụ trả nợ.
Nếu tài sản thế chấp có giá trị nhỏ thì thường ngân hàng không yêu cầu mua bảo hiểm, trừ trường hợp khi thẩm định thấy tính rủi ro cao. Tuy nhiên, ngân hàng vẫn khuyến khích khách hàng mua bảo hiểm cho tài sản đó.
Nhìn nhận một cách khách quan, đã có một số trường hợp khách hàng có khoản vay tại ngân hàng gặp rủi ro, nhờ có bảo hiểm thực hiện nghĩa vụ trả thay, nên khách hàng thoát khỏi giai đoạn khó khăn.
Thực tế, trường hợp nhân viên ngân hàng tư vấn để khách hàng vui vẻ mua bảo hiểm không phải đa số. Nhiều khách hàng phản ánh tình trạng đến giao dịch tại nhà băng, nhưng nhân viên mời chào mua bảo hiểm gần như mang tính chất kèm theo, khách hàng buộc phải mua các gói bảo hiểm này.
Chị Mai Hương (quận Hoàng Mai, Hà Nội) chia sẻ: “Tôi thường xuyên đến ngân hàng giao dịch, mỗi lần như vậy đều nhận được những lời mời chào mua bảo hiểm với những mức chiết khấu cao, có quà tặng. Có lần, tôi còn được tư vấn mua bảo hiểm còn “lãi” hơn gửi tiết kiệm”.
Xử lý kịp thời trường hợp vi phạm
Về câu chuyện nhân viên ngân hàng mời chào, thậm chí "ép" khách hàng vay vốn phải mua kèm bảo hiểm nhân thọ thời gian qua, ông Ngô Trung Dũng, Phó Tổng thư ký Hiệp hội Bảo hiểm Việt Nam khẳng định, các doanh nghiệp bảo hiểm và cả Hiệp hội không khuyến khích.
"Chúng tôi rất khó xử trong câu chuyện này, vì đây không phải chủ trương của ngành bảo hiểm nhưng khi công ty bảo hiểm và ngân hàng ký hợp đồng độc quyền khai thác bảo hiểm sẽ có những ràng buộc về chỉ tiêu. Các ngân hàng giao lại chỉ tiêu cho nhân viên và có thể xảy ra chuyện "ép" hoặc mời khách hàng mua, nhưng thực ra đây là "con dao hai lưỡi" có thể ảnh hưởng uy tín thương hiệu của cả ngân hàng và công ty bảo hiểm", ông Dũng phân tích.
Đồng quan điểm, mới đây Bộ Tài chính khẳng định, pháp luật về kinh doanh bảo hiểm đã quy định các nguyên tắc, quyền, nghĩa vụ của các bên liên quan trong kinh doanh và khai thác bảo hiểm nhằm đảm bảo việc tham gia bảo hiểm là tự nguyện trên cơ sở nhu cầu và khả năng tài chính của khách hàng, không quy định cụ thể hoặc giới hạn về các sản phẩm bảo hiểm bán qua ngân hàng.
Do đó, Bộ Tài chính yêu cầu các doanh nghiệp bảo hiểm rà soát, tăng cường kiểm tra, giám sát hoạt động đại lý bảo hiểm của các ngân hàng, phối hợp với các ngân hàng kịp thời phát hiện và xử lý các trường hợp ép buộc khách hàng mua bảo hiểm nếu có, thực hiện các biện pháp nhằm nâng cao tỷ lệ duy trì hợp đồng bảo hiểm.
Trong thời gian tới, để kênh phân phối này vừa mang lại hiệu quả cao, vừa an toàn và không ảnh hưởng tới quyền lợi người mua bảo hiểm, Bộ Tài chính sẽ tiếp tục phối hợp với Ngân hàng Nhà nước nghiên cứu, hoàn thiện cơ chế chính sách, tăng cường quản lý, giám sát hoạt động bán bảo hiểm của các đại lý là tổ chức tín dụng.
Đồng thời, Bộ Tài chính sẽ tiếp tục yêu cầu các doanh nghiệp bảo hiểm tăng cường kiểm tra, giám sát việc thực hiện hợp đồng đại lý bảo hiểm với các tổ chức tín dụng, có các biện pháp chấn chỉnh, xử lý kịp thời trường hợp vi phạm.
Huyền Anh