Đại diện Ngân hàng Nhà nước khẳng định, thời gian qua đã có nhiều văn bản chỉ đạo yêu cầu tổ chức tín dụng (TCTD) tuyệt đối không ép khách hàng tham gia bảo hiểm, không để tình trạng nhân viên tại các chi nhánh yêu cầu khách hàng mua bảo hiểm sau đó mới được cho vay, giải ngân vốn.
Ngoài ra, Ngân hàng Nhà nước chỉ đạo cơ quan thanh tra giám sát khi thực hiện thanh tra cũng đặc biệt lưu ý về nội dung này, nếu phát hiện sẽ xử lý nghiêm.
Nhiều khách hàng phản ánh họ phải chấp nhận mua bảo hiểm để được vay vốn ngân hàng sau khi đã tìm mọi cách nhưng không thể từ chối mua bảo hiểm nhân thọ. (Ảnh: Int) |
"Quan điểm của Ngân hàng Nhà nước và các TCTD cũng quán triệt nghiêm túc việc này. Đây cũng không phải hiện tượng phổ biến mà chỉ xảy ra ở đâu đó, nếu có tình trạng này Ngân hàng Nhà nước mong nhận được phản hồi từ phía khách hàng, người dân", ông Phi nói.
Hiện nay, nhiều khách hàng phản ánh họ phải chấp nhận mua bảo hiểm để được vay vốn ngân hàng sau khi đã tìm mọi cách nhưng không thể từ chối mua bảo hiểm nhân thọ.
Anh Lê Đức Anh cho biết, do có nhu cầu mua ô tô nên anh đã đến chi nhánh một ngân hàng thương mại trên đường Hoàng Đạo Thuý (Hà Nội) để vay vốn, quá trình hoàn tất hồ sơ, anh được nhân viên duyệt hồ sơ yêu cầu mua gói bảo hiểm nhân thọ khoảng 20 triệu. Nhưng do cả gia đình 4 người đã mua đầy đủ bảo hiểm nên anh từ chối. Tuy nhiên, nhân viên ngân hàng thuyết phục: “mua thêm để tích lũy”, đồng thời khẳng định: “anh mua thêm gói bảo hiểm nhân thọ, sếp em mới duyệt hồ sơ nhanh”.
Hầu hết tâm lý khách hàng khi cần tiền đều mong muốn nhanh chóng được vay vốn, nên họ sẵn sàng chấp nhận chi thêm vài chục triệu để mua bảo hiểm. Với những trường hợp này khách hàng thường huỷ ngang sau khi đóng vài năm đầu tiên.
Việc kết hợp bán bảo hiểm giữa ngân hàng và công ty bảo hiểm (bancassurance) thời gian qua khá hiệu quả. Thông qua hoạt động này, ngân hàng mang về khoản lợi nhuận khả quan cũng như giúp nhân viên có thêm thu nhập. Đồng thời giúp ngành bảo hiểm ngày càng phát triển.
Do đó, các ngân hàng coi bán bảo hiểm đã không còn là chỉ tiêu phụ mà như chỉ tiêu chính, giống như huy động vốn, tín dụng, phát hành thẻ,… để phân bổ chỉ tiêu cho từng nhân viên ngân hàng.
Người bán thì phải bán vì chỉ tiêu kinh doanh, bên mua thì không có nhu cầu nên các điều khoản trong hợp đồng bảo hiểm hầu như không được tư vấn kỹ càng về các điều khoản, quyền lợi. Ý nghĩa tốt đẹp của các hợp đồng bảo hiểm nhân thọ vì thế mà trở thành gánh nặng và nỗi bức xúc đối với cả khách hàng và nhân viên ngân hàng.
Trước tình trạng ép khách hàng mua bảo hiểm, các cơ quan chức năng cũng nhiều lần lên tiếng chấn chỉnh hoạt động này. Tại Chỉ thị số 01 về tổ chức thực hiện các nhiệm vụ trọng tâm của ngành ngân hàng trong năm 2022, Ngân hàng Nhà nước yêu cầu các TCTD có hoạt động đại lý bảo hiểm phải chấp hành nghiêm các quy định của pháp luật về kinh doanh bảo hiểm; Tăng cường kiểm tra, kiểm soát nội bộ đối với hoạt động đại lý bảo hiểm trên toàn hệ thống và xử lý nghiêm những trường hợp yêu cầu khách hàng phải mua các loại bảo hiểm khi cấp tín dụng cho khách hàng.
Về phía Bộ Tài chính cũng khẳng định sẽ tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra hoạt động phân phối bảo hiểm qua ngân hàng nhằm bảo đảm hoạt động bán bảo hiểm qua ngân hàng tuân thủ nghiêm túc quyền tự do lựa chọn doanh nghiệp bảo hiểm, sản phẩm bảo hiểm phù hợp với nhu cầu của khách hàng.
Thanh Hoa