Đợt cải cách tiền lương sẽ được thực hiện trên quy mô rộng, tác động tới hầu hết người lao động cả khu vực công lẫn khu vực tư. Tuy vậy, khả năng vẫn có những nhóm lao động không được tăng lương.
Thêm động lực làm việc
Chia sẻ với VnBusiness, chị Nguyễn Hạnh, viên chức một cơ quan tự chủ tài chính tại Hà Nội cho biết nghe tin tăng lương cơ sở 30%, chị mong chờ bản thân mình thuộc diện được tăng bởi khoản này có thể giúp bù đắp chi phí, có thêm động lực làm việc. Bởi theo chị Hạnh nếu tăng lương cơ sở lên thì giá cả các loại mặt hàng cũng có thể tăng theo.
Chị Hạnh tâm sự vào viên chức được hơn 10 năm, với hệ số lương 4,32 , chị Hạnh nhẩm tính, hiện tại, sau khi trừ khoản đóng bảo hiểm xã hội, lương cơ bản, phụ cấp của chị dao động 7,5 triệu đồng/tháng.
Theo chị Hạnh, để đạt được mức thu nhập của chị không hề dễ, nó là tổng của lương cơ bản (lương cơ sở nhân hệ số lương), phụ cấp (tiền xăng xe, điện thoại, ăn trưa), lương tăng thêm theo mức độ xếp loại hoàn thành công việc và cả nhuận bút.
Dù ngóng tăng lương nhưng chị Hạnh cũng như bao người khác đang làm trong cơ quan hành chính sự nghiệp có thu đều thấp thỏm khi nghe thấy nhiều khả năng tổng thu nhập hằng tháng sẽ không được tăng thêm, bởi quỹ lương của cơ quan không thay đổi.
Các đơn vị sự nghiệp công đang rất "bí" nguồn để cải cách tiền lương. Ảnh: Nguyệt Tạ |
Theo chị Thanh Bình, kế toán tại cơ quan nhà nước tự chủ tài chính, tăng lương cơ sở năm 2024 ở mức 30%. Ngoài khoản tăng lương cho viên chức, cơ quan còn phải đóng thêm chi phí liên quan như bảo hiểm xã hội.
Chị Bình cho biết, khoản tăng thêm khi lương điều chỉnh tăng khá lớn trong khi quỹ lương của cơ quan chưa tăng thêm. Vì vậy, viên chức ở các đơn vị tự chủ vẫn đang chờ quyết định từ lãnh đạo cơ quan, do đó có thể người lao động sẽ phải giảm bớt đi các khoản thu nhập khác.
Chia sẻ với VnBusiness, lãnh đạo một doanh nghiệp công lập hoạt động trong lĩnh vực kinh doanh giống cây trồng trực thuộc Bộ NN&PTNT cho biết, từ đầu năm đến nay doanh thu từ hoạt động sản xuất kinh doanh giảm đến 30% so với cùng thời điểm năm ngoái, nếu áp dụng chế độ tăng lương cơ sở cho cán bộ nhân viên mà không bố trí được quỹ, e là rất khó. “Bởi những đơn vị sự nghiệp này đều phải tự chủ về kinh tế”, lãnh đạo đơn vị này thông tin.
Theo vị lãnh đạo này, gần đây nhất đơn vị này cũng đã phải cân đối tài chính, lập quỹ dự nguồn khi tăng lương cơ sở tăng từ 1,49 triệu đồng lên 1,8 triệu đồng/tháng vào tháng 7/2023.
Chủ tịch Công đoàn Y tế Việt Nam Phạm Thanh Bình cho rằng, tăng lương cơ sở 30% mức cao nhất lịch sử là sự nỗ lực, cố gắng của nhà nước. Đây là quyết sách kịp thời trong giai đoạn hiện nay. Bởi nếu không tăng lương kịp thời thì đời sống cán bộ không thể đảm bảo.
Với ngành y, bà Bình cho biết số nhân viên hành chính có sự yên tâm rất lớn với mức điều chỉnh lương trên. Bên cạnh việc nhân viên y tế mong chờ, thì lãnh đạo trong các đơn vị tự chủ khá áp lực. Bởi, tăng lương phải xem xét đến nguồn lực thực hiện được đối với tất cả các cơ sở đang tự chủ.
Chủ tịch Công đoàn Y tế nêu thực tế hiện nay, giá viện phí mới được tính đầy đủ với dịch vụ theo yêu cầu. Bên cạnh đó, 80% cơ sở y tế đang thực hiện theo giá dịch vụ với 4/7 yếu tố.
Trong khi đó, chi phí thuốc, vật tư tiêu hao, hàng hóa, tiền lương, tiền công... tăng hằng năm do giá thị trường tăng. Tuy nhiên, giá dịch vụ y tế không điều chỉnh theo kịp.
Trước thực tế trên, bà Bình đề nghị phải sớm ban hành giá, lệ phí đầy đủ yếu tố. Như vậy, các bệnh viện tự chủ có thể đảm bảo thu chi thường xuyên cho nhân viên y tế. Đây cũng là yếu tố tiên quyết để trả lương theo mức điều chỉnh mới.
Giữ được giá trị của đồng tiền
Nhiều cơ quan chưa chuẩn bị nguồn tăng lương, nếu buộc phải tăng sẽ rất khó khăn. Không tăng lương liệu cơ quan có bị phạt? Đây cũng là thắc mắc của nhiều đơn vị sự nghiệp công lập tự chủ tài chính hiện nay khi tăng lương cơ sở. Bộ Tài chính cho biết, đơn vị sự nghiệp công lập tự chủ tài chính cơ chế tiền lương thực hiện theo Nghị định số 60.
Theo đó, khi chế độ tiền lương theo Nghị quyết 27 về cải cách tiền lương có hiệu lực, đơn vị sự nghiệp công lập căn cứ tình hình tài chính, tự chủ tiền lương theo kết quả hoạt động, quyết định mức lương chi trả cho viên chức, người lao động.
Trường hợp, nguồn thu thấp hơn chi, đơn vị sự nghiệp công lập chủ động giảm quỹ lương tương ứng. Tuy nhiên, mức chi trả tiền lương cho viên chức không thấp hơn chế độ tiền lương do Nhà nước quy định.
Khi Nhà nước điều chỉnh chính sách tiền lương, đơn vị sự nghiệp công lập tự chủ tài chính tự đảm bảo tiền lương tăng thêm từ nguồn thu của đơn vị, ngân sách nhà nước không cấp bổ sung.
TS Bùi Sỹ Lợi, Nguyên Phó chủ nhiệm Ủy ban Xã hội của Quốc hội, đánh giá mức tăng 30% tạo niềm vui lớn cho cán bộ, công chức, viên chức hoàn toàn hưởng lương từ ngân sách. Nhưng tỷ lệ này cũng gây áp lực rất lớn cho đơn vị sự nghiệp công lập mới tự chủ một phần hoặc toàn phần, bởi nhiều nơi chưa thể tạo ra ngay nguồn tiền để trả lương từ tháng 7.
Theo ông Lợi, Nhà nước vẫn nên dành một phần ngân sách hỗ trợ các đơn vị này để kịp thời chi trả lương mới ngay từ tháng 7, đảm bảo nguyên tắc ai cũng được nâng lương. Cùng khu vực công, nhưng người được tăng 30%, người chưa được sẽ gây tâm tư. Mức hỗ trợ sẽ không cao bằng mà tùy thực tiễn mỗi đơn vị.
Quan trọng nhất là giữ được giá trị của đồng tiền, đảm bảo sức mua và số lượng hàng hóa tiêu dùng. Chính phủ cần tập trung cao độ các giải pháp kiềm chế lạm phát, không để giá cả tăng đột biến để tiền lương tăng thêm thực chất, nghiên cứu nâng mức giảm trừ gia cảnh.
Đến cuối năm 2023, cả nước có gần 46.400 đơn vị sự nghiệp công lập. Trong đó, có khoảng 11.440 đơn vị sự nghiệp công lập tự chủ tài chính, tương đương gần 25% tổng số đơn vị (bao gồm các nhóm: đảm bảo chi thường xuyên và chi đầu tư; đảm bảo chi thường xuyên; đảm bảo một phần chi thường xuyên). |
Hoàng Phúc