VssID là ứng dụng bảo hiểm xã hội số của BHXH Việt Nam được cài đặt và sử dụng trên nền tảng thiết bị di động. Chị Giàng Thị Chở, thôn Sà Lủng, xã Pả Vi (huyện Mèo Vạc – Hà Giang) chia sẻ: Sau khi cài đặt ứng dụng VssID, chị dễ dàng tra cứu thông tin, lịch sử tham gia và hưởng các chế độ BHXH. Ngoài ra còn có thể sử dụng căn cước công dân gắn chip thay thẻ BHYT giấy khi đi khám, chữa bệnh, rất tiện lợi.
Khám chữa bệnh bằng VssID, căn cước công dân gắn chíp
Thời gian qua, để giúp người tham gia bảo hiểm xã hội (BHXH), bảo hiểm y tế (BHYT), bảo hiểm thất nghiệp (BHTN) tiếp cận thông tin, thực hiện các dịch vụ công tiện lợi, dễ dàng, nhanh chóng nhất, thời gian qua, BHXH huyện Mèo Vạc, tỉnh Hà Giang đang tích cực đẩy mạnh triển khai đăng ký giao dịch điện tử và cài đặt ứng dụng VssID.
![]() |
Hỗ trợ người dân sử dụng cài đặt ứng dụng bảo hiểm xã hội số VssID. |
Tính đến hết tháng 5/2023 toàn huyện có 83.971 dữ liệu của người tham gia BHXH, BHYT, đạt 95,6% được đồng bộ với cơ sở dữ liệu Quốc gia về Dân cư. Đến nay đã có 19/19 cơ sở khám, chữa bệnh BHYT có bệnh nhân sử dụng căn cước công dân để khám chữa bệnh BHYT, với 15.828 lượt người sử dụng căn cước công dân gắn chíp thay thẻ BHYT giấy khi đi khám chữa bệnh và hệ thống tra cứu trả kết quả thành công.
BHXH huyện Mèo Vạc cũng đẩy mạnh tuyên truyền, hướng dẫn cài đặt và sử dụng ứng dụng BHXH số - VssID. Kết quả 6 tháng đầu năm 2023 có 931 người tham gia BHXH, BHYT đã đăng ký tài khoản dịch vụ công BHXH, cài đặt và sử dụng VssID; lũy kế có 7.720 người tham gia BHXH, BHYT đã đăng ký, cài đặt và sử dụng VssID so với kế hoạch giao.
Theo ông Hà Tô Hoài, BHXH huyện Mèo Vạc: VssID là ứng dụng dịch vụ thông tin trên nền tảng thiết bị di động chính thức của BHXH Việt Nam nhằm phục vụ mục đích thiết lập kênh giao tiếp, tiếp cận thông tin, thực hiện dịch vụ công cho cá nhân, tổ chức tham gia giao dịch với cơ quan BHXH, thông qua môi trường di động một cách tiện lợi, dễ dàng, nhanh chóng. Ứng dụng này và thông tin của cá nhân trên ứng dụng, là một hình thức thay thế và có giá trị tương đương cho thẻ BHYT, thông báo quá trình đóng BHXH trong thực hiện các giao dịch.
Để đưa ứng dụng VssID đến với người tham gia BHXH, BHYT, BHTN, góp phần thực hiện chiến lược số quốc gia, xây dựng Chính phủ số, BHXH huyện Mèo Vạc đã triển khai nhiều biện pháp tuyên truyền với từng nhóm đối tượng khác nhau; thành lập các nhóm trực tiếp hỗ trợ, cung cấp số điện thoại của từng cán bộ làm công tác BHXH ở cấp huyện, xã, thị trấn thông qua mạng xã hội Zalo nhằm hỗ trợ người dân cài đặt và sử dụng ứng dụng VssID.
Bên cạnh đó, tăng cường công tác tuyên truyền, phổ biến về ứng dụng, tiện ích khi tham gia và hướng dẫn cài đặt, sử dụng trên các phương tiện thông tin truyền thông để người dân biết, tích cực cài đặt và sử dụng ứng dụng VssID.
Tương tự ở Sơn La, từ nhiều năm nay, trước khi đi đến các bản làng trên địa bàn để thực hiện tuyên truyền, hướng dẫn người dân cài đặt và sử dụng ứng dụng VssID. Theo anh Lò Xuân Trường, cán bộ tổ truyền thông của BHXH huyện Sốp Cộp, do đặc điểm riêng biệt của vùng biên là sóng và mạng không ổn định nên với những bản có sóng điện thoại di động và mạng internet, BHXH huyện sẽ chuẩn bị sẵn dây mạng internet dài khoảng 100m, các thiết bị phát sóng wifi có tích hợp kết nối sim 3G/4G có thể kết nối được số lượng khoảng 60 người cùng một lúc. Đồng thời, chọn một nhà dân gần Nhà Văn hóa của bản, thực hiện dòng dây mạng internet để kết nối với thiết bị đem theo, phát wifi để người dân kết nối và cài đặt ứng dụng VssID.
Vượt khó giúp người dân sử dụng công nghệ số
Với địa bàn nào chưa có mạng internet hoặc những nơi không thuận tiện trong việc kéo dây mạng internet, BHXH huyện sử dụng sim 3G/4G gắn vào thiết bị phát sóng wifi đó để người dân có thể kết nối truy cập mạng internet.
![]() |
Sau khi cài đặt ứng dụng VssID, người dùng dễ dàng tra cứu thông tin, lịch sử tham gia và hưởng các chế độ BHXH. |
“Còn những bản chưa có mạng viễn thông và mạng internet, chúng tôi phối hợp với UBND xã, khoanh vùng và thông báo người tham gia BHXH, BHYT đến tập trung tại nhà Văn hóa bản gần nhất có mạng viễn thông và mạng internet để đăng ký, cài đặt và sử dụng VssID…” , anh Lò Xuân Trường chia sẻ.
Ngoài ra, BHXH huyện Sốp Cộp còn chú trọng phối hợp với các cơ sở khám, chữa bệnh trên địa bàn nâng cao chất lượng dịch vụ khám, chữa bệnh BHYT bằng ứng dụng VssID và căn cước công dân gắn chip. Theo đó, BHXH huyện đã đầu tư bộ phát wifi miễn phí và bố trí một cán bộ tại nơi đăng ký khám chữa bệnh của bệnh viện đa khoa huyện để hướng dẫn cài đặt và sử dụng ứng dụng VssID cho người dân.
Đồng thời, giải quyết các vướng mắc phát sinh, đảm bảo quyền lợi cho người tham gia BHYT. Từ đầu năm đến nay, đã có 11.725 lượt người thực hiện khám chữa bệnh BHYT bằng ứng dụng VssID và căn cước công dân gắn chíp tại các cơ sở khám chữa bệnh.
Bà Quàng Thị Dung, Phó Giám đốc phụ trách BHXH huyện Sốp Cộp - cho biết, vì là địa bàn miền núi, hệ thống mạng không được ổn định, trang bị của người dân về công nghệ vẫn còn khiêm tốn nên BHXH huyện luôn chú trọng rà soát từng địa bàn, từ đó đưa ra phương án hỗ trợ về các thiết bị công nghệ, để bà con nhanh chóng được hưởng các lợi ích từ ứng dụng.
Xây dựng ngành BHXH Việt Nam số
Mới đây, Trung tướng Nguyễn Duy Ngọc, Ủy viên Trung ương Đảng, Thứ trưởng Bộ Công an, Tổ phó Thường trực Tổ công tác triển khai Đề án phát triển ứng dụng dữ liệu về dân cư, định danh và xác thực điện tử phục vụ chuyển đổi số quốc gia giai đoạn 2022-2025, tầm nhìn đến năm 2030 của Chính phủ (Đề án 06) đã chủ trì cuộc họp Tổ công tác triển khai Đề án 06 tháng 9/2023.
Báo cáo tại cuộc họp nêu rõ, công tác triển khai Đề án 06 trong tháng 8 đã đạt nhiều kết quả nổi bật. Cụ thể, về kết quả thực thi 19 Nghị quyết của Chính phủ về đơn giản hóa thủ tục hành chính: các bộ, ngành đã thực thi đơn giản hóa đối với 375/1.086 thủ tục hành chính (đạt tỷ lệ 34,5%, tăng 24 thủ tục so với tháng 8/2023). Có 03 bộ, ngành hoàn thành 100%, gồm: Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn; Bộ Xây dựng và BHXH Việt Nam.
Theo báo cáo từ BHXH Việt Nam, đến tháng 9/2023, hệ thống đã xác thực trên 91,2 triệu thông tin nhân khẩu có trong cơ sở dữ liệu quốc gia về bảo hiểm với cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư. Đồng thời, Hệ thống của BHXH Việt Nam đã cung cấp, chia sẻ trên 131 triệu lượt bản ghi thông tin BHXH, BHYT cho CSDL quốc gia về dân cư.
Toàn quốc đã có 12.597 cơ sở khám chữa bệnh triển khai khám chữa bệnh BHYT bằng căn cước công dân gắn chíp (đạt 98,2% tổng số cơ sở khám chữa bệnh BHYT trên toàn quốc), với trên 43 triệu lượt tra cứu thành công thông tin thẻ BHYT bằng căn cước công dân gắn chíp phục vụ làm thủ tục khám chữa bệnh BHYT.
Theo Tổng Giám đốc BHXH Việt Nam Nguyễn Thế Mạnh, những kết quả đạt được trong triển khai công tác chuyển đổi số, thực hiện Đề án 06 đã mang lại những thay đổi mang tính “bước ngoặt” trong mọi hoạt động của Ngành BHXH Việt Nam, góp phần kiến tạo và xây dựng ngành BHXH Việt Nam số.
Qua 1,5 năm triển khai, Đề án 06 đã mang lại nhiều kết quả tích cực, được người dân, doanh nghiệp, các ngành, các cấp thụ hưởng. Đây là tiền đề cho việc triển khai nhiệm vụ cho các năm tiếp theo. Cùng với cả hệ thống chính trị, toàn ngành BHXH Việt Nam đã nỗ lực, cố gắng, hoàn thành tốt các nhiệm vụ được giao tại Đề án 06 và các chỉ đạo của lãnh đạo Chính phủ và lãnh đạo Tổ công tác đề án 06 của Chính phủ.
BHXH Việt Nam tích cực phối hợp với các bộ, ngành, địa phương tiếp tục xác thực, chia sẻ, liên thông và hoàn thành tất cả nhiệm vụ, mục tiêu được giao đảm bảo chất lượng và thời gian, trong đó tiếp tục tạo thuận lợi để người dân, doanh nghiệp thực hiện; tiếp tục rà soát các dịch vụ công để kết nối tiến tới an toàn thông tin tiến tới xây dựng cơ sở dữ liệu lớn (big Data), điện toán đám mây.
Minh Trang