Thừa ủy quyền của Chính phủ, Bộ LĐ-TB&XH vừa có tờ trình Dự thảo Luật Lao động sửa đổi. Dự thảo gồm 17 chương, 221 điều (giảm 21 điều so với hiện hành). Đặc biệt, dự thảo đề xuất bổ sung thêm 1 ngày nghỉ lễ: Ngày Thương binh, liệt sỹ (ngày 27/7 dương lịch).
Lao động là cách để tri ân
Bộ trưởng Bộ LĐ- TB&XH Đào Ngọc Dung cho biết trong quá trình chuẩn bị dự thảo Bộ luật Lao động, nhiều ý kiến đề nghị bổ sung ngày 27/7 làm ngày nghỉ lễ để người lao động (NLĐ) có thêm một ngày nghỉ để làm những hoạt động thiết thực tri ân những người có công với đất nước.
Với 10 ngày nghỉ lễ, Tết trong một năm của người lao động Việt Nam hiện nay là ở mức trung bình thấp so với các quốc gia trên thế giới và ở mức thấp so với các quốc gia trong khu vực.
Việc tăng thêm 1 ngày nghỉ lễ cũng giúp cho NLĐ có thêm một ngày nghỉ lễ trong năm để nghỉ ngơi tái sản xuất sức lao động, thực hiện hoạt động tri ân người có công với đất nước, có thêm thời gian dành chăm lo gia đình và góp phần kích thích các ngành kinh tế dịch vụ phát triển.
Chính phủ cho rằng ý kiến đề xuất bổ sung 1 ngày nghỉ lễ (vào ngày 27/7 dương lịch) là phù hợp, đề nghị trình Quốc hội xem xét, quyết định.
Bày tỏ quan điểm đồng tình, ông Võ Quang Thọ - nguyên Viện trưởng Viện Công nhân Công đoàn, cho rằng với đất nước ta và cá nhân gia đình ông, ngày 27/7 đúng là rất quan trọng và thiêng liêng. “Với quốc dân, đồng bào, chúng ta đã có một ngày nghỉ lễ là ngày 10/3 âm lịch - ngày giỗ tổ Hùng Vương, vì vậy tôi cho rằng vào ngày 27/7, những thân nhân các gia đình thương binh, liệt sỹ, nhất là những người thân nhân này đang trong độ tuổi lao động thì cần được tạo điều kiện để tưởng nhớ, tri ân các bậc tiền bối đã hy sinh vì đất nước”.
Tuy nhiên, ở góc độ DN, ông Nguyễn Hoài Nam - Tổng Thư ký Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu thủy sản Việt Nam (Vasep), cho rằng 27/7 đúng là ngày rất thiêng liêng và quan trọng, nhưng nếu chọn là ngày nghỉ để tri ân sẽ không bằng làm để tri ân, sẽ có ý nghĩa nhiều hơn.
![]() |
Đang thực hiện ổn định, không nên bàn tới sửa đổi quy định nghỉ lễ Tết nữa |
Không nghỉ bù dịp Tết Âm lịch?
Bên cạnh bổ sung thêm ngày nghỉ, về thời gian nghỉ Tết âm lịch, dự thảo Luật cho rằng quy định nghỉ Tết trong Bộ luật Lao động 2012 đã được thực hiện từ ngày 1/5/2013 và đã được đa số nhân dân ủng hộ.
Tuy nhiên, có ý kiến cho rằng kỳ nghỉ Tết Âm lịch của Việt Nam dài so với một số quốc gia trong khu vực, có thể làm ảnh hưởng gián đoạn kế hoạch sản xuất kinh doanh của các DN gia công sản phẩm, hàng hóa xuất khẩu, hiệu quả thực hiện công việc không cao sau khi trở lại làm việc.
Theo đó, Chính phủ quy định 2 phương án về thời gian nghỉ Tết Âm lịch tại dự thảo Bộ luật Lao động để lấy ý kiến.
Cụ thể, phương án 1 (sửa đổi): NLĐ được nghỉ 5 ngày Tết Âm lịch, nếu ngày nghỉ Tết Âm lịch trùng với ngày nghỉ hàng tuần thì không được nghỉ bù vào ngày tiếp theo.
Phương án 2 (giữ nguyên hiện hành): NLĐ được nghỉ 5 ngày Tết Âm lịch, nếu ngày nghỉ Tết Âm lịch trùng với ngày nghỉ hàng tuần thì được nghỉ bù vào ngày tiếp theo.
Quá trình thảo luận, lấy ý kiến và tham vấn ý kiến chuyên gia, đa số ý kiến thể hiện sự đồng thuận với phương án 2.
Theo ông Nguyễn Hoài Nam, nhiều DN, nhất là những DN đang có sự cạnh tranh về lao động, do vậy cứ đến Tết là DN sợ vì ra Tết xong NLĐ quay trở lại luôn thiếu hụt do nhiều lý do khác nhau. Còn trong 2 phương án trong dự thảo, Vasep nghiêng về phương án 1, số ngày nghỉ Tết có thể giữ nguyên như hiện nay nhưng không có nghỉ bù.
Về phương án nghỉ Tết Âm lịch không hoán đổi, nghỉ bù, ông Bùi Sỹ Lợi cho rằng hiện đang thực hiện ổn định, không nên bàn tới sửa đổi nữa.
Thy Lê