Thực hiện tốt chính sách BHXH, nhiều HTX đã tham gia đóng BHXH cho người lao động trong thời gian qua. Đơn cử, HTX Long Viên (Lạc Sơn, Hòa Bình) hoạt động trong lĩnh vực may mặc. Hiện, HTX đang tạo việc làm cho khoảng 100 lao động địa phương, thu nhập từ 4 - 6 triệu đồng/người/tháng. Trung bình 1 tháng, HTX sản xuất được 40 nghìn sản phẩm, doanh thu đạt 800 triệu đồng, lợi nhuận khoảng 120 triệu đồng.
Hiệu quả từ chính sách BHXH
Chị Lưu Thị Thanh Dung, huyện Lạc Sơn, chia sẻ chị làm việc cho HTX Long Viên từ giữa năm 2021 - đúng thời điểm dịch bệnh COVID-19 diễn biến căng thẳng. Mức lương trung bình của chị từ 9 - 10 triệu đồng/tháng. Ngoài ra, dù dịch bệnh song chị vẫn được hưởng đầy đủ các chế độ như được HTX đóng bảo hiểm, thăm hỏi lúc ốm đau, trả thêm tiền tăng ca.
Nghiên cứu sửa Luật BHXH theo hướng mở rộng đối tượng tham gia. |
Huyện Lạc Sơn có 44 HTX với 579 thành viên. Các HTX đã linh hoạt thích ứng với thị trường, góp phần giải quyết việc làm cho khoảng 700 lao động thường xuyên, thu nhập từ 3,5 - 5 triệu đồng/người/tháng. Đáng chú ý, nhiều HTX đã thực hiện đóng BHXH cho người lao động.
Việc được tham gia đóng BHXH giúp người lao động gắn bó chặt chẽ hơn đối với các HTX. Đồng thời, không chỉ người lao động có hợp đồng lao động mới được tham gia đóng BHXH, mà các thành viên của HTX cũng được tuyên truyền để nhận thức rõ hơn về chính sách BHXH, từ đó có thể tham gia BHXH tự nguyện.
Tuy vậy, để mở rộng thêm các đối tượng tham gia BHXH bắt buộc và BHXH tự nguyện, thì cần thêm nhiều giải pháp. Mới đây, Phó Thủ tướng Chính phủ Vũ Đức Đam đề nghị Bộ LĐ-TB&XH phối hợp với BHXH Việt Nam và các bộ, ngành, cơ quan liên quan nghiên cứu, hoàn thiện chính sách hỗ trợ người lao động gặp khó khăn trong quá trình sửa đổi, bổ sung Luật BHXH để hạn chế tình trạng rút BHXH một lần.
Theo số liệu của Ban thực hiện chính sách BHXH (BHXH Việt Nam), trong quý I/2022, cả nước có trên 208.000 người rút BHXH một lần, tăng 1% so với cùng kỳ năm trước. Riêng tháng 4/2022, cả nước có trên 93.000 người rút BHXH một lần, giảm 10% so với tháng 4/2021.
Điều này cho thấy số người lao động rút BHXH một lần đã có xu hướng giảm, nhưng xét về con số thì vẫn đang ở mức cao. Do vậy, cần có những chính sách hạn chế rút BHXH một lần gắn với việc tăng quyền lợi lâu dài cho người lao động.
Theo đó, ông Robert J.Palacios, Chuyên gia trưởng lĩnh vực An sinh xã hội khu vực Đông Á-Thái Bình Dương, cho biết việc sửa đổi Luật BHXH là rất quan trọng và rất phù hợp trong bối cảnh hiện nay. Việt Nam là quốc gia châu Á đang có dân số già hoá nhanh nhất, nhanh hơn cả Nhật Bản và Trung Quốc nên vấn đề bao phủ BHXH cũng như các chế độ cần phải xử lý khi sửa Luật BHXH. Vì vậy, cùng với Nghị quyết số 28 về cải cách chính sách BHXH thì Việt Nam cũng cần các biện biện pháp chủ động để tăng tỷ lệ người tham gia vào hệ thống BHXH nếu không Việt Nam sẽ rơi vào tình trạng “già trước khi giàu”.
Nghiên cứu sửa Luật BHXH
Trong khi đó, bà Đinh Thu Hiền, Phó Trưởng ban Thực hiện chính sách BHXH (BHXH Việt Nam), nêu lên thực trạng hiện nay một số chế độ BHXH đang được quy định tại các Luật khác như: Luật Việc làm (Bảo hiểm thất nghiệp); Luật An toàn vệ sinh lao động (chế độ tai nan lao động - bệnh nghề nghiệp). Mặt khác, Luật BHXH năm 2014 đang bao phủ BHXH đối tượng có quan hệ lao động và Dự thảo Luật BHXH (sửa đổi) đề xuất bổ sung nhóm đối tượng tham gia BHXH bắt buộc gồm: Chủ hộ kinh doanh; người quản lý doanh nghiệp, người quản lý điều hành HTX không hưởng tiền lương; quy định cụ thể việc tham gia BHXH bắt buộc đối với người lao động làm việc không trọn thời gian.
Cũng theo bà Hiền, Nghị quyết số 28 đặt mục tiêu đến năm 2025 có 45% lực lượng lao động trong độ tuổi lao động tham gia BHXH (trong đó 2,5% tham gia BHXH tự nguyện); đến năm 2030 có 60% tham gia BHXH (trong đó 5% tham gia BHXH tự nguyện).
“Do vậy, để đạt mục tiêu trên cần mở rộng đối tượng làm việc không theo hợp đồng lao động, có công việc ổn định, có thu nhập, có sự ràng buộc trách nhiệm giữa người nhận công việc, nhận thù lao và người giao việc, trả thù lao; quy định các nhóm đối tượng tham gia BHXH theo lộ trình mở rộng dần và giao Chính phủ quy định đảm bảo cân đối và phù hợp với thu nhập từng thời kỳ; bổ sung chế độ trợ cấp thai sản trong chính sách BHXH tự nguyện để thu hút người tham gia BHXH tự nguyện”, bà Hiền đề xuất.
Về vấn đề mở rộng diện bao phủ BHXH và thực trạng tại Việt Nam, ông Christophe Lemiere, Quản lý Chương trình Phát triển Con người tại Việt Nam chia sẻ, năm 2019, Việt Nam có khoảng 23,6% lực lượng lao động tham gia đóng BHXH, trong đó hầu hết là lao động làm công (trừ nhóm hộ kinh doanh cá thể) nhưng không phải tất cả (có 21% số người không tham gia BHXH) với mức lương trung bình hàng tháng là 7,5 triệu đồng/người, số người không tham gia BHXH có mức lương trung bình là 5,2 triệu đồng/người/tháng. Đáng chú ý, trong tất cả các ngành nghề thì thu nhập hàng tháng của nhóm tham gia BHXH cao hơn nhóm không tham gia.
Tuy nhiên, ông Christophe Lemiere cho rằng ngành nào cũng có lao động có khả năng tham gia. Chính vì vậy, nếu Luật BHXH (sửa đổi) mở rộng nhóm tham gia BHXH bắt buộc đến tất cả lao động làm công (khu vực công, doanh nghiệp tư nhân, hộ kinh doanh, HTX) thì số người tham gia vào hệ thống BHXH có thể tăng tối đa 21 điểm phần trăm lực lượng lao động (16% + 1% + 4%), tăng tỷ lệ tham gia BHXH tăng từ 24% lên 45%. Và nếu hạ thêm mức đóng BHXH xuống thấp hơn 22% thì sẽ thu hút thêm được 8,2% lực lượng lao động tham gia BHXH (tổng số tăng lên 32,2%). Như vậy, vẫn chưa đạt mục tiêu 55% lực lượng lao động tham gia BHXH bắt buộc.
Theo ông Christophe Lemiere, từ năm 2018, người tham gia BHXH tự nguyện được ngân sách nhà nước hỗ trợ đóng nên số người vào hệ thống hàng năm đều tăng gấp đôi. Việt Nam không phải quốc gia duy nhất hỗ trợ nhóm tham gia BHXH tự nguyện mà nhiều nước (Trung Quốc, Thái Lan, Ấn Độ...) đều hỗ trợ đóng góp nhằm khuyến khích người tham gia nhưng tiêu chuẩn hỗ trợ và kết quả khác nhau. Nếu ngân sách nhà nước vẫn hỗ trợ thì đến năm 2030, số người tham gia BHXH tự nguyện có thể lên đến 10 triệu người tham gia.
“Để bền vững chính sách, Chính phủ phải tăng diện tham gia BHXH bắt buộc, hủy bỏ chế độ rút trước BHXH một lần, hỗ trợ 30 - 50% mức đóng BHXH tự nguyện cho nhóm nghèo (chi phí dao động trong khoảng 3.196 tỷ đồng đến 20.482 tỷ đồng tùy thuộc vào giả định - tương đương 0,08% GDP) thì mới có thể đạt mục tiêu 60% lực lượng lao động tham gia BHXH vào năm 2030”, ông Christophe Lemiere đề xuất.
Thy Lê