Tính đến hết quý I/2022, số người tham gia bảo hiểm xã hội (BHXH) là trên 16,4 triệu người, đạt 32,47% lực lượng lao động trong độ tuổi (trong đó có trên 15,1 triệu người tham gia BHXH bắt buộc, trên 1,28 triệu người tham gia BHXH tự nguyện, lần lượt tăng 1,78% và 16,09% so với cùng kỳ năm 2021); Bảo hiểm thất nghiệp trên 13,4 triệu người, đạt 26,57% lực lượng lao động trong độ tuổi, tăng 2,05% so với cùng kỳ 2021.
Tham gia vì thấy rõ lợi ích
Ông Bùi Văn Tường, Giám đốc HTX sản xuất và kinh doanh nông nghiệp 0789, xóm Sung, xã Thanh Hối (Tân Lạc - Hòa Bình) cho hay, HTX hoạt động trong lĩnh vực ươm giống cây trồng. Sau nhiều năm gắn bó với mô hình ươm giống cây dổi và một số cây lâm nghiệp, năm 2020, với mong muốn mở rộng quy mô vườn ươm, tìm kiếm những thị trường tiềm năng tiêu thụ cây giống, ông Tường mạnh dạn thành lập HTX sản xuất và kinh doanh nông nghiệp 0789. Hiện, 4 lao động trong HTX được đóng BHXH, mức lương 3-4 triệu đồng/người/tháng.
Đổi mới công tác tuyên truyền chính sách BHXH. |
Dù mới đi vào hoạt động, còn khó khăn, tuy nhiên HTX 0789 đã luôn quan tâm đến việc đảm bảo quyền lợi cho người lao động có hợp đồng làm việc vì thấy rõ lợi ích vai trò của chính sách an sinh xã hội.
Theo số liệu đến ngày 31/12/2021, cả nước có 27.342 hợp tác xã, tăng 16.420 đơn vị (gấp 2,5 lần) so với năm 2001; thu hút gần 6 triệu thành viên và tạo việc làm cho gần 1 triệu người lao động. Với khoảng 6 triệu thành viên, gần 1 triệu người lao động thường xuyên, có thể thấy, lao động tại các hợp tác xã hiện đang chiếm một số lượng khá lớn và là nguồn để phát triển số người tham gia BHXH.
Tất nhiên, để mở rộng hơn đối tượng tham gia BHXH trong khu vực hợp tác xã. Việc đẩy mạnh tuyên truyền để người lao động, quản lý hợp tác xã hiểu rõ vai trò chính sách an sinh BHXH là rất quan trọng.
Đặc biệt, việc tuyên truyền không chỉ có nhiệm vụ phát triển đối tượng tham gia mà trực tiếp ngăn chặn việc rút BHXH một lần. Trước tình trạng trong quý I/2022 có hơn 200.000 lượt người đã rút BHXH một lần, BHXH Việt Nam vừa có công văn gửi BHXH các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương về việc đẩy mạnh công tác truyền thông về chính sách BHXH, trong đó có đặc biệt nhấn mạnh đến việc tuyên truyền, vận động để người lao động không lựa chọn nhận BHXH một lần vì lợi ích mất đi là rất lớn.
Theo đó, BHXH Việt Nam yêu cầu cần đẩy mạnh tuyên truyền tham gia BHXH để lúc về già được hưởng lương hưu đảm bảo cuộc sống và được cấp thẻ bảo hiểm y tế (BHYT) miễn phí để được chăm sóc sức khỏe, đây là bản chất nhân văn của chính sách, là chính sách hỗ trợ thiết thực cho người lao động.
Người lao động có lương hưu, đồng nghĩa với việc sẽ có nguồn thu nhập ổn định hằng tháng bảo đảm cuộc sống khi về già, giúp người lao động tự chủ hơn trong cuộc sống của mình, không phải lệ thuộc vào gia đình và xã hội. Được cấp thẻ BHYT miễn phí (với mức hưởng 95% chi phí khám, chữa bệnh) trong suốt thời gian hưởng lương hưu để thực hiện khám chữa bệnh, không phải lo lắng khi không may bị ốm đau, bệnh tật.
Đặc biệt, BHXH yêu cầu truyền thông cần nhấn mạnh tới nhưng thiệt thòi khi người lao động lựa chọn nhận BHXH một lần. Với mức 22% tiền lương tháng đóng vào quỹ hưu trí, tử tuất thì một năm tổng mức đóng là 2,64 tháng lương; trong khi mức hưởng BHXH một lần cho mỗi năm đóng BHXH chỉ bằng 1,5 tháng mức bình quân tiền lương tháng đóng BHXH cho những năm đóng trước năm 2014 và bằng 2 tháng mức bình quân tiền lương tháng đóng BHXH cho những năm đóng từ năm 2014 trở đi.
Đổi mới công tác truyền thông
Như vậy, nếu lĩnh BHXH một lần, người lao động sẽ bị thiệt khoảng 1,14 tháng lương đối với mỗi năm đóng BHXH trước năm 2014 và khoảng 0,64 tháng lương đối với mỗi năm đóng BHXH sau năm 2014. Nếu so sánh với việc tích lũy thời gian để hưởng lương hưu, thì thiệt thòi là không tính hết được....
Thêm vào đó, việc không được cộng nối thời gian tham gia BHXH, khi người lao động đã nhận BHXH một lần, nếu tiếp tục quay lại tham gia BHXH sẽ không được cộng nối thời gian đã đóng BHXH trước đó, dẫn đến người lao động có thể không đủ điều kiện về thời gian đóng để hưởng lương hưu khi hết tuổi lao động hoặc nếu đủ điều kiện thì mức lương hưu cũng không cao.
Do vậy, BHXH Việt Nam yêu cầu cần truyền thông để người lao động hiểu rõ, với những khó khăn trước mắt, người lao động hoàn toàn có thể bảo lưu thời gian đóng BHXH, khi có điều kiện thì tiếp tục tham gia BHXH bắt buộc hoặc tham gia BHXH tự nguyện (được Nhà nước hỗ trợ tiền đóng với các mức 10%-25%-30% trên mức đóng BHXH hằng tháng bằng mức chuẩn hộ nghèo khu vực nông thôn) để được cộng nối thời gian tham gia BHXH trước đó để hưởng chế độ hưu trí. Thời gian đóng BHXH càng nhiều thì mức hưởng sẽ càng cao.
Bộ trưởng Bộ LĐ-TB&XH Đào Ngọc Dung nhấn mạnh việc đẩy mạnh, đổi mới công tác truyền thông về chính sách BHXH, để người lao động hiểu rõ sự cần thiết, lợi ích, vai trò, ý nghĩa của chính sách BHXH, tuyên truyền về lợi ích lâu dài của việc tham gia BHXH, giảm tình trạng hưởng BHXH một lần; tăng cường các hình thức truyền thông mới, truyền thông trên môi trường mạng xã hội…
"Bên cạnh đó, các cơ quan hữu quan sẽ xử lý nghiêm các trường hợp lạm dụng, trục lợi chính sách; lợi dụng lúc người lao động khó khăn để dụ dỗ, lôi kéo mua bán BHXH. BHXH không phải là hàng hoá mà là chính sách an sinh xã hội của Đảng và Nhà nước vì quyền lợi của người dân, người lao động", ông Dung nhấn mạnh.
Đồng thời, Phó Tổng Giám đốc BHXH Việt Nam Đào Việt Ánh yêu cầu, nhằm tiếp tục nâng cao hiệu quả công tác truyền thông chính sách BHXH, BHYT, thời gian tới, BHXH các tỉnh, thành phố cần tăng cường hơn nữa truyền thông tại cơ sở; tiếp tục rà soát, phân nhóm chủ thể truyền thông cụ thể để xây dựng kế hoạch, kịch bản truyền thông chi tiết theo từng nhóm đến tận xã, phường và triển khai các giải pháp truyền thông phù hợp, có mục tiêu, trọng tâm, trọng điểm.
Tiếp tục tăng cường truyền thông theo chiều sâu; truyền thông phải gắn với phương châm lấy người dân, người lao động, người sử dụng lao động làm trung tâm phục vụ. Đồng thời, cần thường xuyên quan tâm đào tạo, bồi dưỡng, nâng cao trình độ chuyên môn nghiệp vụ cho cán bộ làm công tác truyền thông ngày càng tốt hơn để tiếp tục đưa chính sách BHXH, BHYT ngày càng đi vào cuộc sống.
Thy Lê