Chiều 28/4, BHXH Việt Nam tổ chức Hội nghị cung cấp thông tin định kỳ về chính sách BHXH, BHYT quý I/2022. Theo đó, BHXH đã cung cấp thông tin mới nhất về tình hình người lao động nhận BHXH một lần.
Nhận BHXH một lần sẽ đánh mất nhiều quyền lợi
Bà Đinh Thị Thu Hiền, Phó Trưởng Ban Thực hiện chính sách BHXH (BHXH Việt Nam), cho biết mấy năm nay, số người nhận BHXH có xu hướng tăng, nhất là trong thời điểm dịch bệnh COVID-19. Năm 2021, số người nhận BHXH một lần tăng hơn 13% so với 2020.
Việc nhận BHXH một lần được coi là “lợi trước mắt, hại lâu dài”. |
Tuy nhiên, trong 4 tháng đầu năm 2022, ước tính số người nhận BHXH có xu hướng giảm khoảng 3% so với cùng kỳ năm trước. Riêng tháng 4 năm 2021, số người nhận BHXH một lần giảm hơn 10% so với với cùng kỳ 2021.
Ngoài việc được nhận lương hưu, người tham gia BHXH một lần còn được hưởng nhiều chế độ khác. Theo đó, người hưởng lương hưu được cấp thẻ bảo hiểm y tế (BHYT) miễn phí từ khi hưởng lương hưu đến khi chết với quyền lợi hưởng cao (mức hưởng BHYT của người nghỉ hưu là 95%, trong khi mức hưởng BHYT của người tham gia BHYT hộ gia đình là 80%). Trong giai đoạn tuổi già, nguy cơ đối mặt nhiều hơn với ốm đau, bệnh tật nên việc được chia sẻ phần lớn nguồn kinh phí khám chữa bệnh từ quỹ BHYT sẽ giảm bớt áp lực kinh tế cho gia đình họ.
Về chế độ tử tuất, trong thời gian hưởng lương hưu, không may người hưởng lương hưu qua đời thì thân nhân sẽ được hưởng chế độ tử tuất, bao gồm: trợ cấp mai táng phí bằng 10 lần mức lương cơ sở tại tháng mà người hưởng lương hưu chết; trợ cấp tuất hàng tháng (mức trợ cấp bằng 50% hoặc 70% mức lương cơ sở); hoặc trợ cấp tuất một lần.
"Như vậy, có thể thấy, người tham gia BHXH khi hưởng lương hưu được hưởng rất nhiều quyền lợi trong quá trình hưởng lương hưu. Và ngay cả khi qua đời, thân nhân của họ cũng được hưởng chế độ tử tuất trong khi người hưởng BHXH một lần chỉ được hưởng một số tiền cố định duy nhất và ra khỏi hệ thống BHXH đánh mất đi cơ hội được hưởng an sinh xã hội dài hạn", bà Hiền cho biết.
Phó Trưởng Ban Thực hiện chính sách BHXH một lần nữa nhấn mạnh một công dân tham gia BHXH đến khi đủ điều kiện nghỉ hưu thì khi về già quyền lợi được hưởng rất lớn. Nếu gia đình nào đã có ông, bà, bố, mẹ được hưởng lương hưu sẽ thấy lương hưu rất quan trọng trong cuộc sống của người cao tuổi, không chỉ hưởng tiền lương hưu hàng tháng mà còn được chăm sóc sức khỏe trọn đời.
Điều đó được minh chứng rõ nét trong những giai đoạn khó khăn của cuộc sống, nhất là trong bối cảnh chịu ảnh hưởng nặng nề của dịch COVID-19 hơn 2 năm qua, người dân phải đối mặt với những rủi ro trong cuộc sống khi không có thu nhập, bị ốm đau bệnh tật, sức khỏe giảm sút thì khoản tiền lương hưu hằng tháng và quyền lợi về BHYT thực sự là “cứu cánh” cho họ.
Vì vậy, trước khi quyết định hưởng BHXH một lần, người lao động hãy cân nhắc kỹ và nghĩ đến các quyền lợi được hưởng chế độ hưu trí khi hết tuổi lao động nhất là trong thời gian tới đây người lao động sẽ dễ dàng được tiếp cận và thụ hưởng lương hưu khi Nhà nước sửa đổi điều kiện hưởng lương hưu theo hướng giảm dần số năm đóng BHXH tối thiểu từ 20 năm xuống 15 năm và xây dựng hệ thống BHXH đa tầng nhằm tạo điều kiện tối ưu cho người lao động tiếp cận và thụ hưởng quyền lợi của chế độ hưu trí lâu dài theo đúng tinh thần chỉ đạo tại Nghị quyết số 28 -NQ/TW về cải cách chính sách BHXH của Ban Chấp hành Trung ương Đảng.
Người lao động trẻ tuổi thuộc nhóm rút BHXH nhiều nhất
Ông Đào Việt Ánh, Phó Tổng Giám đốc BHXH Việt Nam, cho rằng thời gian tới cần phải đẩy mạnh truyền tải thông tin tới người lao động để giữ thời gian tham gia BHXH nhằm hưởng quyền lợi lâu dài. Chính sách BHXH được thiết kế theo nguyên tắc cơ bản đóng - hưởng, mức đóng và thời gian đóng. Nếu người lao động rút sớm thì quyền lợi giảm hơn rất nhiều.
Theo ông Ánh, hiện đa phần người hưởng BHXH một lần, cơ bản tuổi còn trẻ chủ yếu tuổi ở 20-30 tuổi. Người lao động còn có suy nghĩ khó khăn về tài chính, trước mắt rút BHXH một lần sau đó tham gia tiếp. Tuy nhiên, người lao động cần biết rằng việc tham gia lại sẽ ảnh hưởng tới thời gian để hưởng lương hưu rất nhiều.
"Thực tế đã cho thấy nhiều người lao động đã hưởng chế độ BHXH một lần, sau đó rất muốn quay trở lại nhưng cũng khó vì gần hết tuổi lao động", ông Ánh chia sẻ.
Bên cạnh thông tin về việc rút BHXH một lần, Phó Tổng Giám đốc BHXH Việt Nam Đào Việt Ánh cho biết, trong bối cảnh khó khăn vì dịch COVID-19, toàn ngành BHXH Việt Nam đã chủ động, quyết tâm, “biến khó khăn, thách thức thành động lực”, phấn đấu hoàn thành mọi nhiệm vụ được giao, tiếp tục đảm bảo kịp thời, đầy đủ các quyền lợi an sinh cho người tham gia và thụ hưởng chính sách BHXH, BHYT, BHTN.
Tính đến hết quý I/2022, đã có trên 16,4 triệu người tham gia BHXH đạt 32,47% lực lượng lao động trong độ tuổi, tăng 2,77% so với cùng kỳ năm 2021 (trong đó, số người tham gia BHXH tự nguyện đạt gần 1,3 triệu người, tăng 16,09% so với cùng kỳ năm 2021); trên 13,4 triệu người tham gia BHTN đạt 26,57% lực lượng lao động trong độ tuổi, tăng 2,05% so với cùng kỳ năm 2021; trên 85,3 triệu người tham gia BHYT đạt 87,44% dân số.
Với mục tiêu luôn đặt quyền và lợi ích của người tham gia BHXH, BHYT, BHTN lên hàng đầu, trong quý I/2022, nắm bắt và bám sát tình hình thực tiễn, ngành BHXH Việt Nam đã luôn chủ động và tích cực phối hợp cùng với các Bộ, ban, ngành liên quan, kịp thời có những giải pháp tích cực trong việc tạo điều kiện và hỗ trợ tối đa cho người tham gia thụ hưởng các chính sách BHXH, BHYT, BHTN.
Kết quả, trong quý I/2022, toàn ngành BHXH đã giải quyết đầy đủ, kịp thời các chế độ BHXH, BHYT, BHTN cho trên 2 triệu lượt người hưởng chế độ ốm đau, tăng 10,3% so với cùng kỳ năm 2021; trên 308 nghìn lượt người hưởng chế độ thai sản; gần 199 nghìn lượt người hưởng mới các chế độ BHTN; gần 27,8 triệu lượt người khám chữa bệnh BHYT;…
Thy Lê