Bên cạnh hỗ trợ về tài chính, các địa phương cũng cần đẩy mạnh tuyên truyền để người dân hiểu rõ hơn về quyền lợi khi tham gia bảo hiểm xã hội (BHXH) tự nguyện. Dựa trên yêu cầu này, HĐND TP.Hà Nội đã ban hành Nghị quyết số 03/2022/NQ-HĐND về quy định mức hỗ trợ thêm tiền đóng BHXH cho người dân tham gia BHXH tự nguyện trên địa bàn thành phố có hiệu lực trong cả giai đoạn 2022-2025, áp dụng từ ngày 1/8/2022.
Tăng mức hỗ trợ, đẩy mạnh tuyên truyền
Cụ thể, từ ngày 1/8/2022, Hà Nội sẽ hỗ trợ thêm tiền đóng BHXH tự nguyện cho người tham gia trên địa bàn thành phố. Dự kiến, kinh phí dành cho chính sách này là gần 182 tỷ đồng, áp dụng tới ngày 31/12/2025. Các đối tượng được thụ hưởng chính sách là công dân có đăng ký thường trú tại TP.Hà Nội, không thuộc đối tượng tham gia BHXH bắt buộc theo quy định của pháp luật về BHXH. Trong đó, những đối tượng được hỗ trợ phải kể đến như người hoạt động không chuyên trách ở thôn, tổ dân phố; người lao động giúp việc gia đình; thành viên không hưởng tiền lương, tiền công làm việc trong hợp tác xã, liên hiệp hợp tác xã…
Thêm nhiều hỗ trợ để người dân tham gia bảo hiểm xã hội tự nguyện. |
Về mức hỗ trợ, người tham gia BHXH tự nguyện được hỗ trợ tiền đóng theo tỷ lệ phần trăm (%) trên mức đóng BHXH tự nguyện hằng tháng theo mức chuẩn hộ nghèo của khu vực nông thôn theo từng thời kỳ do Thủ tướng Chính phủ quy định. Cụ thể, hỗ trợ thêm 30% mức đóng BHXH tự nguyện đối với người thuộc hộ nghèo; hỗ trợ thêm 25% mức đóng BHXH tự nguyện đối với người thuộc hộ cận nghèo; hỗ trợ thêm 10% mức đóng BHXH tự nguyện đối với các đối tượng khác.
Bên cạnh đó, ông Chử Xuân Dũng, Phó Chủ tịch UBND TP.Hà Nội, Trưởng Ban Chỉ đạo thực hiện chính sách BHXH, BHYT trên địa bàn TP.Hà Nội yêu cầu các Sở, ban, ngành, UBND các quận, huyện, thị xã, các thành viên Ban Chỉ đạo của Thành phố và Ban Chỉ đạo các quận, huyện, thị xã thời gian tới cần tập trung triển khai thực hiện các giải pháp gồm: Tiếp tục thực hiện nghiêm các chỉ đạo, giải pháp, hướng dẫn của Thành uỷ, HĐND, UBND TP.Hà Nội về công tác BHXH, BHYT. Về tham gia BHYT hộ gia đình, BHXH tự nguyện, UBND các quận, huyện, thị xã cần thường xuyên chỉ đạo UBND các xã, phường, thị trấn phối hợp Tổ chức dịch vụ thu BHXH, BHYT trên địa bàn tiếp tục tuyên truyền, vận động người dân, Ban chấp hành các hội, đoàn thể, Đoàn thanh niên, cán bộ không chuyên trách cấp xã tham gia BHXH tự nguyện, BHYT theo hộ gia đình; giao chỉ tiêu cho từng xã, phường, thị trấn.
Không chỉ TP.Hà Nội, thời gian qua, nhiều địa phương trên cả nước cũng đã và đang thực hiện nhiều giải pháp để hỗ trợ phát triển BHXH tự nguyện. Bà Phạm Thị Thảo, xã Đông Hiệp, huyện Cờ Đỏ đã tham gia BHXH tự nguyện hơn một năm nay. Tiền tham gia BHXH tự nguyện là số tiền bà tích góp hằng ngày nhờ buôn bán nhỏ ở chợ xã. Bà Thảo chia sẻ: “Qua vận động, tuyên truyền của ban, ngành, đoàn thể địa phương, tôi thấy được lợi ích khi tham gia BHXH tự nguyện, như: được cấp thẻ BHYT miễn phí, được lãnh lương hưu hằng tháng, được hưởng chế độ tử tuất... nên tôi tham gia và vận động người thân cùng tham gia BHXH tự nguyện”.
Theo ông Hồ Văn Sum, Giám đốc BHXH huyện Cờ Đỏ, BHXH huyện đã đẩy mạnh công tác tuyên truyền, vận động, giúp người dân nâng cao nhận thức về việc tham gia BHXH tự nguyện. Đồng thời, chủ động ký kết phối hợp với các ngành liên quan: giáo dục, y tế, các đoàn thể… tổ chức thực hiện tuyên truyền, vận động thân nhân, hội viên tham gia. Nhờ làm tốt công tác vận động, tuyên truyền, đến ngày 30/6/2022, toàn huyện có 3.226 người tham gia, đạt 81,1% chỉ tiêu được giao năm 2022, đạt 4,32% dân số trong độ tuổi lao động tham gia BHXH tự nguyện.
Phấn đấu đạt 954.000 người tham gia BHXH tự nguyện năm 2022
Hay đối với tỉnh Hải Dương, vừa qua, Ban Chỉ đạo thực hiện chính sách BHXH, BHYT tỉnh Hải Dương đã ban hành Chương trình hành động số 2230/CTHĐ-BCĐ ngày 29/7/2022 về việc thực hiện các Nghị quyết về thực hiện chính sách BHXH, BHYT, trong đó phấn đấu đến năm 2025, toàn tỉnh Hải Dương có tỷ lệ người tham gia BHXH chiếm khoảng 55% lực lượng lao động trong độ tuổi tham gia BHXH, trong đó tỷ lệ tham gia BHXH bắt buộc là 46%, BHXH tự nguyện là 9%; tỷ lệ người tham gia BHYT chiếm khoảng 95% dân số của tỉnh.
Để đạt được các mục tiêu trên, tỉnh Hải Dương đã đề ra nhiều nhiệm vụ và giải pháp chủ yếu tại Chương trình hành động như: tăng cường công tác thông tin, truyền thông, nâng cao nhận thức về quan điểm, mục tiêu, ý nghĩa, tầm quan trọng của BHXH, BHYT, đổi mới tư duy, phương pháp, cách làm, tạo sự đồng thuận cao ở các cấp, các ngành, các cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp, hợp tác xã, tổ chức, cá nhân và nhân dân.
Thống kê từ BHXH Việt Nam cho thấy, tính đến ngày 30/6/2022, cả nước đã có 16,821 triệu người tham gia BHXH, trong đó BHXH bắt buộc là 15,498 triệu người, đạt 91,7% kế hoạch; BHXH tự nguyện 1,323 triệu người, đạt 58,1% kế hoạch, đạt khoảng 34% so với lực lượng lao động trong độ tuổi; 86,537 triệu người tham gia BHYT, đạt 94,3% kế hoạch, đạt tỷ lệ 87,4% dân số tham gia BHYT.
Tuy nhiên, với mục tiêu phấn đấu phát triển 1,4 triệu người tham gia BHXH bắt buộc, 954 nghìn người tham gia BHXH tự nguyện; 5,2 triệu người tham gia BHYT..., Tổng giám đốc BHXH Việt Nam Nguyễn Thế Mạnh đề nghị các Giám đốc, Phó Giám đốc BHXH tỉnh, thành phố phải thống nhất trong nhận thức, tư tưởng và hành động, đổi mới tư duy công tác vì nhiệm vụ chung để quán triệt, chỉ đạo cán bộ, viên chức tập trung phối hợp với các đơn vị liên quan để triển khai đúng hướng dẫn của BHXH Việt Nam.
"Đồng thời, kịp thời báo cáo cấp ủy, chính quyền địa phương để tranh thủ sự lãnh đạo, chỉ đạo trong tổ chức thực hiện. Phối hợp chặt chẽ với các đơn vị liên quan, các tổ chức ủy quyền thu, phân công giao trách nhiệm cụ thể cho từng lãnh đạo, cán bộ, viên chức để thực hiện nhiệm vụ, đảm bảo đến 31/12/2022 hoàn thành các chỉ tiêu được BHXH Việt Nam giao. Phản ánh kịp thời những khó khăn, vướng mắc về BHXH Việt Nam để giải quyết", Tổng giám đốc BHXH Việt Nam chỉ đạo.
Hoàng Anh