Theo thống kê của Bảo hiểm Xã hội (BHXH) Việt Nam, tính đến đầu tháng 6/2022, tổng số nợ các loại bảo hiểm là 24.576 tỷ đồng, chiếm tỷ lệ 5,6% số phải thu (tăng 4,6% so với cùng kỳ năm 2021). Trong tổng số nợ BHXH, hơn 3.500 tỷ đồng là của các doanh nghiệp (DN) đã bị phá sản, giải thể, chủ là người nước ngoài đã trốn khỏi Việt Nam không có khả năng trả nợ BHXH, BHYT, bảo hiểm thất nghiệp (BHTN), ảnh hưởng quyền lợi của hơn 200.000 người lao động.
Nan giải xử lý vấn đề nợ đọng
Bộ LĐ-TB-XH thừa nhận việc xử lý nợ BHXH, bảo hiểm thất nghiệp đối với các DN giải thể, phá sản, chủ bỏ trốn là vấn đề rất phức tạp, tuy đã được nghiên cứu, báo cáo các cấp nhiều lần nhưng vẫn có nhiều ý kiến khác nhau giữa các cơ quan quản lý. Nguyên nhân chủ yếu của tình trạng này là do chưa có cơ sở pháp lý về nguồn lực cho việc xử lý, chưa có số liệu chi tiết bảo đảm cho việc thực hiện xử lý khi có nguồn lực.
Ứng dụng VssID- Bảo hiểm xã hội số giúp người lao động chủ động nắm bắt thông tin, theo dõi quá trình tham gia, thụ hưởng chính sách BHXH, BHYT, |
Chỉ tính riêng tại TP.HCM, tình trạng nợ đóng BHXH, BHYT, bảo hiểm thất nghiệp, bảo hiểm tai nạn lao động - bệnh nghề nghiệp tính tới ngày 30/6 đã có 46.414 đơn vị nợ đóng BHXH, BHYT, BHTN, bảo hiểm tai nạn lao động - bệnh nghề nghiệp trên 1 tháng của 703.840 lao động với tổng số nợ lên đến 3.873 tỷ đồng. Số nợ này tăng so với năm 2021 (số nợ năm 2021 là 2.241 tỷ đồng) và năm 2020 (1.513 tỷ đồng).
Theo ông Phan Văn Mến, Giám đốc BHXH TP.HCM, có 2 nguyên nhân chính khiến tỷ lệ nợ đọng cao vì các doanh nghiệp bị ảnh hưởng bởi dịch COVID-19, gặp khó khăn trong sản xuất kinh doanh hoặc nguồn vốn và đến nay vẫn chưa phục hồi hoàn toàn nên chậm trả lương cho người lao động và việc nợ BHXH sẽ tăng. Thứ hai là nhiều đơn vị chây ì, vẫn tạo công việc và trả lương cho người lao động nhưng chậm đóng BHXH; một số mặc dù đã phục hồi sản xuất kinh doanh nhưng lợi dụng tình hình dịch bệnh, cố tình nợ BHXH.
Ông Phan Văn Mến cho hay, hiện nay các chế tài xử lý vấn đề nợ đọng BHXH đã tương đối mạnh, đơn cử như mức phạt chậm đóng cao; cơ quan BHXH TP.HCM được phép thanh tra, xử phạt hành chính. Tuy nhiên, chế tài hình sự (được quy định tại điều 216 của BLHS về tội trốn đóng BHXH) đến nay chưa áp dụng thực tế khi chưa có chủ đơn vị nào bị khởi tố, xử lý; trong khi đó, quan điểm về việc “trốn đóng” chưa đạt được sự đồng thuận cao giữa các cơ quan tố tụng.
Còn đối với tỉnh Bình Dương, cơ quan BHXH địa phương này cho biết 6 tháng đầu năm 2022, qua thanh tra đột xuất, kiểm tra thực hiện Luật BHXH, Luật BHYT, chi trả trợ cấp BHXH tại 208 đơn vị, doanh nghiệp, đã phát hiện chưa đóng, đóng thiếu thời gian đối với 1.085 lao động với số tiền truy đóng hơn 8 tỷ đồng. Ngoài ra, thanh tra BHXH còn phát hiện việc lạm dụng để giải quyết chế độ thai sản của 12 người với số tiền thu hồi hơn 437 triệu đồng; số tiền chi sai các chế độ ngắn hạn phải thu hồi của 613 lượt lao động với số tiền hơn 400 triệu đồng.
Kịp thời xử lý phản ánh qua ứng dụng VssID
Trong bối cảnh để xử phạt tình trạng nợ đọng, trốn đóng BHXH còn gặp nhiều khó khăn thì việc theo dõi, giám sát quá trình đóng – hưởng của người tham gia để kịp thời phát hiện sai phạm thông qua ứng dụng BHXH số (VssID) là rất quan trọng. Thống kê cho thấy, toàn quốc đã có hơn 26,3 triệu tài khoản giao dịch điện tử cá nhân với cơ quan BHXH được đăng ký, phê duyệt (dùng để đăng nhập và sử dụng ứng dụng VssID), trong đó có 737.807 người với 1.354.110 lượt sử dụng hình ảnh thẻ BHYT trên ứng dụng VssID để khám chữa bệnh BHYT, hơn 2 triệu lượt hồ sơ giao dịch điện tử được gửi từ ứng dụng VssID.
Hiện nay, ứng dụng VssID đang cung cấp các thông tin đóng, hưởng chế độ BHXH, BHYT, BHTN; thực hiện các dịch vụ công trực tuyến;… Tuy nhiên, trong quá trình triển khai ứng dụng VssID, vẫn còn có phản ánh của người dân về việc thông tin trên ứng dụng VssID chưa chính xác (quá trình tham gia chưa đầy đủ, thông tin lịch sử khám chữa bệnh BHYT chưa chính xác...).
Khi người dân phản ánh đến cơ quan BHXH (qua Tổng đài điện thoại/đường dây nóng, Fanpage trên Facebook, Zalo Official Account trên Zalo, Hệ thống Cổng thông tin điện tử hay trực tiếp tại Bộ phận tiếp nhận hồ sơ và trả kết quả thủ tục hành chính) còn chưa được xử lý, phải hồi đầy đủ, kịp thời, dẫn tới bức xúc, không hài lòng cho người dân.
Vì vậy, để khắc phục tình trạng trên, BHXH Việt Nam yêu cầu Trung tâm Dịch vụ hỗ trợ, chăm sóc khách hàng, BHXH các tỉnh, khi tiếp nhận các phản ánh của người dân về thông tin trên ứng dụng VssID chưa chính xác, thực hiện kiểm tra ngay thông tin do người dân phản ánh trên các phần mềm nghiệp vụ, phối hợp với đơn vị quản lý người tham gia để xác minh thông tin; điều chỉnh, xử lý ngay đối với các thông tin sai lệch (nếu đã được xác minh chính xác).
Chậm nhất sau 01 giờ làm việc phải trả lời người dân, trường hợp phức tạp thì phải hẹn thời gian trả lời và chủ động liên hệ lại với người dân. Trường hợp sau khi đối chiếu, xác minh thông tin mà phát hiện có dấu hiệu trục lợi quỹ BHXH, BHYT, BHTN thì thực hiện (hoặc phối hợp với các đơn vị liên quan thực hiện) thanh tra, kiểm tra theo đúng quy định.
Bên cạnh đó, Ban Quản lý Thu - Sổ, Thẻ, Ban Thực hiện chính sách BHXH; Ban Thực hiện chính sách BHYT cử cán bộ đầu mối, thường trực phối hợp với Trung tâm Dịch vụ hỗ trợ, chăm sóc khách hàng giải đáp nhanh các vấn đề liên quan đến thông tin người tham gia, giải quyết chế độ BHXH, thanh toán chi phí KCB BHYT.
Với các cơ quan BHXH các tỉnh, BHXH Việt Nam yêu cầu cán bộ thu, giải quyết chế độ BHXH, giám định BHYT,... thực hiện rà soát trên các phần mềm được giao theo dõi, quản lý nhằm đảm bảo việc quản lý thông tin người tham gia, giải quyết chế độ BHXH, thanh toán chi phí khám chữa bệnh BHYT được thực hiện theo đúng quy trình do BHXH Việt Nam quy định. Tránh việc thiếu quá trình tham gia BHXH, BHYT, BHTN (do chưa chốt sổ và cộng nối thời gian tham gia ở các đơn vị cũ về đơn vị tham gia hiện tại của người lao động), thiếu thông tin thụ hưởng chế độ BHXH, lịch sử khám chữa bệnh BHYT hoặc thông tin chưa chính xác.
Mai Linh