Dự thảo Luật Bảo hiểm xã hội (BHXH) sửa đổi dự kiến trình Quốc hội tại kỳ họp tháng 10 tới, thông qua tháng 5/2024 và có hiệu lực từ 1/1/2025.
Đề xuất phương án giảm quyền lợi nếu hưởng BHXH một lần
Mới đây, Bộ LĐ-TB&XH đã có báo cáo tiếp thu, giải trình ý kiến thẩm định của Bộ Tư pháp về Dự thảo Luật BHXH (sửa đổi). Về BHXH một lần, Bộ LĐ-TB&XH cho biết, có quy định phù hợp để giảm tình trạng hưởng BHXH một lần theo hướng tăng quyền lợi nếu bảo lưu thời gian tham gia BHXH để hưởng chế độ hưu trí; giảm quyền lợi nếu hưởng BHXH một lần.
5 tháng đầu năm nay, cả nước có 547.989 người hưởng các chế độ BHXH một lần. |
Cơ sở thực tiễn là sau 9 năm thực hiện Luật BHXH năm 2014, tổng số lượt người hưởng BHXH một lần là khoảng 4,5 triệu lượt người, trong đó có gần 1,3 triệu lượt người sau khi nhận BHXH một lần tiếp tục quay trở lại thị trường lao động và tiếp tục tham gia BHXH (chiếm gần 28% tổng số lượt người nhận BHXH một lần giai đoạn 2016-2022).
Do đó, về hưởng BHXH một lần, Ban soạn thảo đang có 2 phương án xin ý kiến (điểm đ khoản 1 Điều 77): Phương án 1: "Sau 12 tháng không thuộc diện tham gia BHXH bắt buộc, không tham gia BHXH tự nguyện và có thời gian đóng BHXH chưa đủ 20 năm".
Phương án 2: "Sau 12 tháng không thuộc diện tham gia BHXH bắt buộc, không tham gia BHXH tự nguyện và có thời gian đóng BHXH chưa đủ 20 năm mà người lao động có yêu cầu thì được giải quyết một phần nhưng tối đa không quá 50% tổng thời gian đã đóng vào quỹ hưu trí và tử tuất. Thời gian đóng BHXH còn lại được bảo lưu để người lao động tiếp tục tham gia và hưởng các chế độ BHXH.".
Cần tuyên truyền để người lao động hiểu rõ
Trong báo cáo thẩm định Luật BHXH (sửa đổi) mới nhất, Bộ Tư pháp cho rằng việc đề xuất 2 phương án này vẫn còn một số bất cập và nếu không làm tốt công tác tuyên truyền, giải thích để người lao động hiểu được cặn kẽ ý nghĩa, mục đích của quy định mới, có thể làm phát sinh những phản ứng không tốt như quy định của Luật BHXH năm 2014. Do đó, Bộ Tư pháp đề nghị cơ quan chủ trì soạn thảo đánh giá kỹ tác động và nêu quan điểm lựa chọn phương án.
Báo cáo giải trình, tiếp thu, Bộ LĐ-TB&XH cho rằng, bản chất phương án 1 là quy định hiện hành đang thực hiện (Luật BHXH năm 2014 và Nghị quyết số 93/2015/QH13). Đối với ý kiến đề nghị bỏ hoặc giảm điều kiện "sau 12 tháng" hiện hành đang thực hiện, Bộ LĐ-TB&XH bảo lưu quy định này trong dự thảo tại cả 2 phương án và cho biết đã có giải trình cụ thể tại báo cáo tiếp thu, giải trình ý kiến tham gia của các bộ, ngành, địa phương.
Về quy định hưởng BHXH một lần đối với người người lao động có dưới 20 năm đóng là quy định hiện hành đang áp dụng; việc giảm điều kiện hưởng lương hưu xuống 15 năm chỉ áp dụng đối tượng nghỉ hưu theo Điều 71, còn Điều 72 vẫn là đủ 20 năm.
Bộ LĐ-TB&XH cho biết, tiếp thu ý kiến thẩm định của Bộ Tư pháp, tiếp tục đánh giá kỹ lưỡng từng phương án và nghiên cứu các giải pháp truyền thông phù hợp đối với vấn đề này; đồng thời bổ sung giải pháp gia tăng quyền lợi của người lao động nếu bảo lưu thời gian tham gia BHXH để hưởng chế độ hưu trí theo tinh thần của Nghị quyết số 28-NQ/TW.
Cụ thể, bổ sung quy định tại khoản 5 Điều 77 của dự thảo Luật BHXH (sửa đổi) theo hướng người lao động sau một năm nghỉ việc không nhận BHXH một lần mà tiếp tục bảo lưu thời gian đóng BHXH thì được hưởng bảo hiểm y tế do quỹ BHXH đóng, thời gian hưởng bảo hiểm y tế tối đa bằng thời gian đóng BHXH của người lao động.
Bài toán đảm bảo quyền lợi nhưng cũng phải đảm bảo an sinh lâu dài
Đáng chú ý, một trong những giải pháp ngăn chặn tình trạng rút BHXH một lần cũng được Ban Nghiên cứu phát triển kinh tế tư nhân (Ban IV thuộc Hội đồng Tư vấn Cải cách thủ tục hành chính của Thủ tướng Chính phủ) báo cáo tới Thủ tướng Chính phủ mới đây, đó là có thể xem xét cho người lao động dùng sổ BHXH thế chấp, vay tiêu dùng ngắn hạn khi thu nhập bấp bênh.
Theo BHXH Việt Nam, 5 tháng đầu năm nay, cả nước có 547.989 người hưởng các chế độ BHXH một lần. Nguyên nhân khiến người lao động rút BHXH một lần là do cuộc sống khó khăn. Tuy vậy, vấn đề an sinh lâu dài cũng được đặt ra, bởi không nhiều nước trên thế giới cho rút BHXH một lần, trừ khi mất sức lao động.
Tổng Giám đốc Bảo hiểm Xã hội (BHXH) Việt Nam - ông Nguyễn Thế Mạnh cho biết, có nhiều nguyên nhân khiến người lao động phải rút BHXH một lần. Song, nguyên nhân căn cơ nhất khi phải rút BHXH một lần là kinh tế khó khăn, người lao động khó khăn mới phải rút. Đồng thời, thủ tục rút BHXH một lần đơn giản - tạo điều kiện cho người lao động thực hiện quyền lợi.
Tuy nhiên, Tổng Giám đốc BHXH Việt Nam cho rằng, cần sửa đổi Luật BHXH theo hướng làm thế nào đảm bảo quyền lợi nhưng cũng phải đảm bảo an sinh lâu dài cho người lao động.
"Làm sao phải đảm bảo an sinh lâu dài cho người lao động. Cơ bản các nước trên thế giới không có chuyện rút BHXH một lần khi chưa đến tuổi, chỉ trừ mất sức lao động. Theo đó, quy định này cũng cần nghiên cứu phù hợp với nước ta", ông Mạnh chia sẻ.
Nguyệt Ánh