Hơn 1 tháng qua, trên địa bàn các tỉnh Hà Tĩnh, Nghệ An… không có mưa, dẫn đến lượng nước ở các hồ chứa không được bổ sung. Hiện mực nước trên sông Lam tại các công trình đầu mối không đạt mức thiết kế. Mực nước các hồ đập và các kênh tạo nguồn nội đồng giảm rất nhanh, nhất là các hồ chứa nhỏ.
Đồng khô, hồ cạn
Tại Nghệ An, tính đến nay, trong số 533 hồ đập do UBND xã, HTX quản lý thì có 25 hồ có mực nước chết, 305 hồ đập mực nước còn khoảng 30 - 50%. Trong số 95 hồ đập do các DN quản lý (các công ty thủy lợi), có 40 hồ dung tích nước dưới 50%; 28 hồ dung tích nước còn 50 - 70%. Mực nước tại các công trình đầu mối ở lòng hồ thủy điện Bản Vẽ, Khe Bố (huyện Tương Dương)... đều thấp hơn mực nước thiết kế.
Thiếu nước tưới dẫn đến nhiều địa phương chưa gieo cấy được lúa Hè Thu và lúa mùa. Hiện toàn tỉnh mới gieo cấy được hơn 70.000ha/kế hoạch gần 85.000ha, đạt 83%. Một số huyện như Tân Kỳ, Hưng Nguyên, Yên Thành, Nghi Lộc… đã xuất hiện hạn nặng cục bộ với hàng ngàn ha lúa “khát” nước tưới nghiêm trọng.
Ông Nguyễn Văn Dương - Trưởng phòng NN&PTNT huyện Yên Thành (Nghệ An), thông tin: Đang có 1.000 ha lúa Hè Thu thiếu nước tưới ở các xã vùng cao như Quang Thành, Tây Thành, Kim Thành, Minh Thành… Nếu tiếp tục không mưa trong khoảng 1 tuần tới, sẽ có thêm 1.000ha “khát” nước tưới. Cũng do thiếu nước, nên đã có khoảng 100 ha không tổ chức sản xuất.
Ông Nguyễn Văn Hoa - Phó Chi cục Thủy lợi tỉnh Nghệ An, nhận định: Sẽ có gần 23.000 ha lúa Hè Thu thiếu nước tưới. Nếu trời vẫn không mưa, tình hình thiếu nước tưới sẽ trầm trọng hơn, nguy cơ mất mùa, giảm năng suất đang hiển hiện trước mắt.
Tương tự, tại Hà Tĩnh cũng đang có nhiều diện tích thiếu nước tưới các địa phương thường xảy ra hạn nặng như Lộc Hà, Vũ Quang, Can Lộc... Tính đến ngày 3/7, toàn tỉnh gieo cấy được 44.041 ha/44.369 ha, đạt 99,26% kế hoạch.
Ông Trần Duy Chiến - Phó Chi cục Thủy lợi tỉnh Hà Tĩnh, cho hay: Hà Tĩnh đang có khoảng 320 ha diện tích đã bị cạn nước, cụ thể một số vùng như: 60ha xã Kỳ Phú (huyện Kỳ Anh); 10 ha xã Kỳ Ninh (thị xã Kỳ Anh); 100 ha xã Cẩm Lĩnh (huyện Cẩm Xuyên)... Ngoài ra có khoảng 337ha có nguy cơ bị thiếu nước. Số diện tích này chủ yếu nằm ở những vùng cao, vùng cuối kênh, vùng tưới của các công trình tiểu thủy nông bị cạn nước. Nhiều hồ đập cũng đã bắt đầu khô cạn.
Hồ đập ở Nghệ An đã cạn trơ đáy vì nắng hạn |
“Gồng mình” chống hạn
Chưa lúc nào như lúc này, công tác chống hạn cứu lúa lại trở nên cấp bách như vậy. Nhiều giải pháp, biện pháp chống hạn đã và đang được các địa phương quyết liệt thực hiện để “giải khát” cho cây trồng… nhưng vẫn rất khó khăn.
Ông Nguyễn Bá Tĩnh - Chủ tịch UBND xã Quỳnh Lâm (Quỳnh Lưu, Nghệ An), nói: “Cả xã có hơn 700 ha lúa hạn nặng. Trời càng nắng nhìn càng thấy xót, muốn cứu lúa nhưng chẳng được. Một số vùng có nước thì vẫn đang sử dụng bơm dã chiến, tưới tiết kiệm… để cứu lúa”.
Tuy nhiên, ở một số nơi, công tác chống hạn đang rơi vào cảnh “lực bất tòng tâm”.
Đại diện lãnh đạo sở NN&PTNT tỉnh Nghệ An trao đổi: Bàn giải pháp chống hạn nhưng lấy nước đâu mà chống, hồ đập đều khô cạn thì chống hạn sao được. Thực tế là việc chống hạn ở một số vùng đang rất khó thực hiện do nguồn nước hồ đập đã khô cạn, ruộng đồng khô nứt nẻ lâu ngày.
Cũng theo vị này, tỉnh Nghệ An đang chỉ đạo các địa phương xây dựng kế hoạch chống hạn theo tình hình thực tế và chờ khi mưa xuống đủ nước thì gieo cấy số diện tích chưa sản xuất. Nếu diện tích hiện tại mà quá thời vụ gieo trồng thì chuyển sang cây trồng khác.
“Trước tình hình diễn biến thất thường của thời tiết, nguy cơ hạn nặng có thể xảy ra, UBND tỉnh Hà Tĩnh đang chỉ đạo các địa phương tổ chức rà soát, cân đối nguồn nước tại các hồ chứa để có kế hoạch điều tiết nguồn nước phù hợp, tiết kiệm; ưu tiên cấp đủ nước cho sinh hoạt”, ông Trần Duy Chiến - Phó Chi cục Thủy lợi tỉnh Hà Tĩnh chia sẻ.
Thanh Hải