Căn nhà của ông Giáp Văn Bảy (71 tuổi), nằm ven con sông nhỏ thuộc xã Tân Trung, huyện Tân Yên, tỉnh Bắc Giang. Đoạn đường đất hằn những vết bánh xe dẫn vào căn nhà nhỏ 3 gian đã cũ. Ngồi ở góc giường, ông Bảy khó khăn kể chúng tôi nghe về câu chuyện chữa bệnh của mình.
Cứu nguy lúc hoạn nạn, ốm đau
Ông Bảy mắc bệnh về phổi đã hơn 20 năm nay nên từ lâu, tấm thẻ bảo hiểm y tế (BHYT) đã trở thành không thể thiếu, gắn bó với ông mỗi lần đi khám chữa bệnh từ trạm y tế xã cho tới bệnh viện huyện, bệnh viện tỉnh. Mỗi lần đi viện, chi phí điều trị khoảng vài triệu đồng và đều được quỹ BHYT chi trả.
Tấm thẻ bảo hiểm y tế sẽ hỗ trợ người dân những lúc ốm đau, bệnh tật. |
Tuy nhiên, lần gần đây nhất, bệnh tình nặng hơn, ông phải nhập viện điều trị tại Bệnh viện Đa khoa tỉnh hơn 3 tháng trời. “Tôi thấy trong người rất mệt, thở khó khăn nên đi khám ở bệnh viện huyện. Tới đó, tôi được chuyển lên bệnh viện tỉnh. Các bác sĩ khám và quyết định tôi phải mổ điều trị. Nghe tin này, tôi và vợ lo lắng lắm vì biết số tiền cần để chữa trị sẽ rất lớn. Nhưng khi được các bác sĩ cho biết, chi phí điều trị được BHYT chi trả, chúng tôi mới yên tâm”, ông Bảy chia sẻ.
Ngồi bên, nhớ lại thời gian đó, bà Bảy (cách gọi dân dã theo tên chồng của nhiều phụ nữ thôn quê - PV) cho biết, khi ông nhà nhập viện, phải điều trị dài ngày, bà rất lo lắng vì nhà chỉ có 2 vợ chồng. Con cái đều đã lập gia đình nhưng kinh tế đều khó khăn không phụ giúp được nhiều. Nên khi ông nhà nhập viện, bà chỉ biết trông vào tấm thẻ BHYT. Hết đợt điều trị, thấy tổng viện phí hơn 105 triệu đồng nhưng gia đình chỉ phải đồng chi trả 5 triệu đồng, bà như trút được gánh nặng.
Chỉ vào gần 10 bao thóc sau vụ chiêm trong góc nhà, bà chia sẻ: "Năm nay mất mùa, mỗi sào chỉ thu được ngót 1 tạ thóc. Nhà tôi cấy 5 sào thu về được khoảng 5 tạ. Với giá bán hiện nay, nếu bán hết cũng chỉ được hơn 3 - 4 triệu đồng. Tính ra, số tiền đó chỉ đủ vài ngày đi viện của ông nhà tôi vừa rồi. Vì vậy, tôi thấy BHYT có giá trị rất lớn nên năm nào cũng mua và vận động con cháu, người thân cùng tham gia".
Là con cả của ông Bảy, anh Giáp Văn Hà cho biết, hiện gia đình anh có 4 người, tất cả đều đã tham gia BHYT. Con trai đầu của anh bị bệnh thận, hàng tháng đều phải điều trị tại Bệnh viện Đa khoa huyện Tân Yên. Căn bệnh này cần điều trị lâu dài và khá tốn kém nên mỗi năm khoản tiền hơn 800.000 mua thẻ BHYT cho con với anh là một mục chi cố định, không bao giờ thay đổi.
Có thể thấy với nhiều người, tấm thẻ BHYT có ý nghĩa rất quan trọng, đặc biệt những gia đình có hoàn cảnh khó khăn. Tại phiên thảo luận trực tuyến của Quốc hội tại Kỳ họp thứ 2, Quốc hội khóa XV, Đại biểu Quốc hội Phạm Đình Thanh (Đoàn Kon Tum) đề nghị sớm rà soát, đánh giá đúng thực trạng tình hình để kịp thời ban hành các chính sách phù hợp, nhằm tiếp tục hỗ trợ về BHYT cho những người dân gặp nhiều khó khăn, nhất là đồng bào dân tộc thiểu số để họ có điều kiện tiếp cận các dịch vụ chăm sóc sức khỏe…
Tiến tới BHYT toàn dân
Đại biểu Phạm Đình Thanh thống nhất và đánh giá cao nội dung báo cáo và sự quyết tâm, kịp thời, hiệu quả của Chính phủ và các bộ, ngành trong quá trình chỉ đạo tổ chức thực hiện Nghị quyết 68 của Quốc hội về đẩy mạnh thực hiện chính sách pháp luật về BHYT, tiến tới BHYT toàn dân.
Theo đại biểu, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ đã kịp thời ban hành các chính sách, giải pháp phù hợp, quyết liệt để thực hiện mục tiêu và các chỉ tiêu cụ thể được Quốc hội giao tại Nghị quyết 68; thực sự quan tâm hoàn thiện việc đầu tư trạm y tế xã ở vùng có điều kiện kinh tế - xã hội khó khăn, vùng có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn; chấn chỉnh, nâng cao y đức và chất lượng khám, chữa bệnh; đặc biệt thực hiện đạt và vượt chỉ tiêu về tỷ lệ người dân tham gia BHYT đến năm 2020.
Tuy nhiên, đại biểu cũng cho hay, sau khi Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định số 861 ngày 4/6/2021 về phê duyệt danh sách các xã khu vực 3, khu vực 2, khu vực 1 thuộc vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021-2025 thì số người được ngân sách nhà nước hỗ trợ đóng BHYT theo quy định của Luật BHỶT, Nghị định 146 năm 2018 của Chính phủ và Quyết định số 72 năm 2021 của Thủ tướng Chính phủ đã giảm với số lượng tương đối lớn.
Theo BHXH Việt Nam, kể từ tháng 8/2021 cả nước có khoảng 4 triệu người không còn được Nhà nước tiếp tục hỗ trợ về BHYT. Qua quá trình khảo sát của Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Kon Tum cho thấy, trong số những người không còn được Nhà nước hỗ trợ về BHYT có nhiều trường hợp có hoàn cảnh rất khó khăn, không có khả năng để tự mua BHYT cho cá nhân và hộ gia đình. Đặc biệt, những trường hợp này chủ yếu rơi vào người đồng bào dân tộc thiểu số, riêng tỉnh Kon Tum trong số 51.863 người không còn được Nhà nước hỗ trợ về BHYT thì có đến 49.356 người là đồng bào dân tộc thiểu số, chiếm tỷ lệ trên 95%.
Từ thực trạng tình hình nêu trên, đại biểu đề nghị Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ cần chỉ đạo các bộ, ngành liên quan sớm rà soát, đánh giá đúng thực trạng tình hình để kịp thời ban hành các chính sách phù hợp, nhằm tiếp tục hỗ trợ về BHYT cho những người dân còn gặp nhiều khó khăn trong cuộc sống, không có khả năng tự mua BHYT để giúp người dân, nhất là đồng bào dân tộc thiểu số có điều kiện tiếp cận các dịch vụ chăm sóc sức khỏe, giảm bớt gánh nặng về tài chính của họ và cũng là góp phần tăng tỷ lệ người đồng bào dân tộc thiểu số tham gia BHYT, để đến năm 2025 có 98% đồng bào dân tộc thiểu số tham gia BHYT theo mục tiêu mà Nghị quyết số 88 Quốc hội khóa XIV đã đề ra.
Đồng thời, đại biểu cũng đề nghị Chính phủ chỉ đạo các bộ, ngành liên quan đẩy mạnh hơn nữa công tác tuyên truyền chính sách pháp luật về BHYT, kết hợp với tăng cường thanh tra, kiểm tra, kịp thời phát hiện, xử lý nghiêm minh những hành vi vi phạm pháp luật về BHYT, sớm chỉ đạo xây dựng, hoàn thiện trình Quốc hội Luật BHYT (sửa đổi) và Luật Khám, chữa bệnh (sửa đổi) để thực hiện tốt hơn nữa chủ trương của Đảng về chăm sóc, bảo vệ, nâng cao sức khỏe nhân dân trong hình mới.
Nhật Linh