Thừa ủy quyền của Thủ tướng Chính phủ, Bộ trưởng Bộ Nội vụ Phạm Thị Thanh Trà cho biết từ ngày 01/7/2024, thực hiện điều chỉnh tăng 15% mức lương hưu và trợ cấp bảo hiểm xã hội.
Nhiều người có thể được tăng lương hưu 2 lần
Đồng thời, Bộ Nội vụ cho biết đối với người đang hưởng lương hưu trước năm 1995, sau khi điều chỉnh mà có mức hưởng thấp hơn 3,2 triệu đồng/tháng thì điều chỉnh tăng 0,3 triệu đồng/tháng, có mức hưởng từ 3,2 triệu đồng/tháng đến dưới 3,5 triệu đồng/tháng thì điều chỉnh bằng 3,5 triệu đồng/tháng.
Từ ngày 1/7, lương hưu và trợ cấp bảo hiểm xã hội được điều chỉnh tăng 15%. |
Điều chỉnh trợ cấp ưu đãi người có công theo mức chuẩn trợ cấp từ 2.055.000 đồng lên 2.789.000 đồng/tháng (tăng 35,7%, cao hơn 5,7% so với mức tăng lương 30% của công chức); giữ nguyên tương quan hiện hưởng các mức trợ cấp ưu đãi người có công so với mức chuẩn trợ cấp; Điều chỉnh trợ cấp xã hội theo mức chuẩn trợ giúp xã hội từ 360.000 đồng lên 500.000 đồng/tháng (tăng 38,9%).
Bộ Nội vụ đánh giá việc tăng lương hưu và trợ cấp xã hội tác động tích cực đến nhiều nhóm đối tượng trong xã hội, tạo hiệu ứng tốt và rất lớn trong xã hội,
Cụ thể, các đối tượng nghỉ hưu, hưởng trợ cấp, chế độ, chính sách gắn với mức lương cơ sở đều được điều chỉnh tăng tương ứng với mức tăng lương của công chức, phù hợp với yêu cầu của Nghị quyết số 27-NQ/TW, số 28-NQ/TW, Nghị quyết số 42-NQ/TW và các quy định của pháp luật có liên quan.
Theo đó, sẽ bảo đảm được tương quan cân đối hài hòa, công bằng, bình đẳng giữa các đối tượng hưởng lương, trợ cấp và chính sách liên quan đến mức lương cơ sở, tạo được sự thống nhất đồng thuận lớn trong xã hội.
Theo Bộ LĐTB&XH, từ ngày 1/7/2024 sẽ có hơn 3,3 triệu người được điều chỉnh tăng lương hưu, trợ cấp bảo hiểm xã hội; khoảng 300.000 người hưởng lương hưu, trợ cấp từ trước ngày 1/1/1995 được điều chỉnh theo số tiền tuyệt đối; ngân sách nhà nước chi trả.
Bộ LĐ-TB&XH dự kiến, kinh phí tăng thêm từ ngân sách Nhà nước trong 6 tháng cuối năm 2024 để tăng lương hưu, trợ cấp hàng tháng khoảng 3.700 tỷ đồng. Qũy bảo hiểm xã hội cần hơn khoảng 12.500 tỷ đồng để chi trả lương hưu, trợ cấp hàng tháng trong 6 tháng cuối năm 2024.
Tổng kinh phí dự kiến để chi trả trong nửa cuối năm 2024 để tăng lương hưu, trợ cấp bảo hiểm xã hội và trợ cấp hàng tháng là hơn 16.200 tỷ đồng.
Vẫn băn khoăn lương hưu tăng thấp
Tuy nhiên, một số người vẫn băn khoăn rằng tại sao mức tăng lương hưu thấp hơn so với lương cán bộ công chức, viên chức (tăng 30%).
Thảo luận tại Tổ về các nội dung cải cách tiền lương; điều chỉnh lương hưu, trợ cấp bảo hiểm xã hội, trợ cấp ưu đãi người có công và trợ cấp xã hội từ ngày 01/7/2024, cơ bản tán thành với đề xuất của Chính phủ, song đại biểu Quốc hội Huỳnh Thị Ánh Sương, đoàn Quảng Ngãi cho rằng, báo cáo của Chính phủ chưa giải thích rõ vì sao đối tượng nhận lương hưu và trợ cấp bảo hiểm xã hội lại tăng thấp hơn so với mức lương của cán bộ, công chức, viên chức, lực lượng vũ trang.
Do đó, đại biểu đề nghị cần giải thích rõ nội dung này vì đối tượng nhận lương hưu và trợ cấp bảo hiểm xã hội là đối tượng yếu thế hơn. Đồng thời đề nghị cần tăng mức lương hưu và trợ cấp bảo hiểm xã hội bằng với mức tăng lương cơ sở.
Ngoài ra, đại biểu Huỳnh Thị Ánh Sương cũng đề nghị cần tăng cường sự kiểm soát, quản lý giá và các giải pháp kiềm chế lạm phát, tránh tình trạng tăng lương nhưng đời sống của người dân lại không được tăng trong khi lạm phát lại tăng nhanh hơn.
Theo các chuyên gia, mức tăng lương hưu cần cân nhắc dựa trên tình hình thực tiễn, song cần đảm bảo quyền lợi cho người về hưu, đặc biệt cần có mức sàn để không nhận lương hưu quá thấp...
Theo TS. Nguyễn Thị Lan Hương, nguyên Viện trưởng Viện Khoa học, Lao động và Xã hội (Bộ LĐ-TB&XH), việc chênh lệch mức hưởng lương hưu giữa các nhóm là khó tránh khỏi, bởi mức hưởng dựa trên nguyên tắc đóng – hưởng. Do đó, nếu cùng nhân với một hệ số điều chỉnh giống nhau thì khoảng cách tạo ra càng lớn. Tức những người có lương hưu cao sẽ nhận mức hưởng càng cao, và những người lương hưu thấp sẽ bị điều chỉnh thấp hơn.
Vì thế, chuyên gia nêu quan điểm cần xác định một mức sàn lương hưu tối thiểu đáp ứng nhu cầu đời sống. Nếu lương hưu thấp hơn mức này, Nhà nước cần điều chỉnh bằng số tiền tuyệt đối thay vì tăng theo tỷ lệ % để bù đắp cho họ.
“Cần chia thành các nhóm điều chỉnh lương hưu khác nhau, mục tiêu là đảm bảo cho mọi người đều hưởng lợi từ việc tăng lương này, và không ai bị bỏ lại phía sau”, bà Hương nhấn mạnh.
Đề nghị Chính phủ định kỳ rà soát đảm bảo mức sống tối thiểu
Bảo hiểm xã hội Việt Nam vừa có đề xuất cấp thẩm quyền sớm có văn bản hướng dẫn để đơn vị này có cơ sở chi trả lương hưu, trợ cấp mới ngay từ 1/7, tránh phản ứng của người hưởng khi chưa nhận được tiền lương hưu mới tại thời điểm áp dụng.
Bà Nguyễn Thúy Anh, Chủ nhiệm Ủy ban Xã hội của Quốc hội, nhìn nhận việc thực hiện chính sách cải cách tiền lương, điều chỉnh lương hưu, trợ cấp bảo hiểm xã hội, trợ cấp ưu đãi người có công và trợ cấp xã hội là vấn đề lớn, quan trọng, có tác động sâu sắc trong toàn xã hội, Chính phủ cần tăng cường công tác truyền thông để người có công, người hưởng lương hưu, cán bộ, công chức, viên chức, người lao động và nhân dân hiểu đúng về chính sách và tạo sự đồng thuận xã hội khi tổ chức thực hiện.
Ủy ban Xã hội và Thường trực Ủy ban Tài chính, Ngân sách thống nhất với việc điều chỉnh lương hưu, trợ cấp bảo hiểm xã hội, trợ cấp ưu đãi người có công và trợ cấp xã hội từ ngày 01/7/2024.
Đồng thời, Ủy ban Xã hội kiến nghị Chính phủ định kỳ rà soát, xem xét nâng mức chuẩn trợ giúp xã hội để từng bước tiến tới bảo đảm mức sống tối thiểu cho người có hoàn cảnh khó khăn và sớm thực hiện chính sách trợ cấp xã hội cho hộ nghèo không có khả năng thoát nghèo theo Nghị quyết số 42-NQ/TW và Nghị quyết số 108/2023/QH15.
Chính phủ xem xét quy định mức trợ cấp hưu trí xã hội mới được bổ sung trong dự thảo Luật Bảo hiểm xã hội (sửa đổi), dự kiến có hiệu lực thi hành từ ngày 01/7/2025, một cách thỏa đáng và ở mức hợp lý để đáp ứng yêu cầu thực tiễn và tính toán, trình bổ sung trong dự toán ngân sách nhà nước năm 2025 để triển khai thực hiện.
Thùy Dung