Khi đề xuất được thông qua đây sẽ là mức tăng lương hưu và trợ cấp bảo hiểm xã hội cao nhất từ trước đến nay.
Dự kiến từ ngày 1/7/2024, mức lương hưu và trợ cấp bảo hiểm xã hội được điều chỉnh tăng đến 15% |
Phạm vi áp dụng của chính sách rất rộng, tới hơn 3,3 triệu người, bao gồm người đang hưởng lương hưu từ tham gia bảo hiểm xã hội bắt buộc (khối nhà nước, tư nhân) và người tham gia bảo hiểm xã hội tự nguyện.
Đồng thời, đối với người đang hưởng lương hưu trước năm 1995, sau khi điều chỉnh mà có mức hưởng thấp hơn 3,2 triệu đồng/tháng thì điều chỉnh tăng 0,3 triệu đồng/tháng, có mức hưởng từ 3,2 triệu đồng/tháng đến dưới 3,5 triệu đồng/tháng thì điều chỉnh bằng 3,5 triệu đồng/tháng.
Tỷ lệ tăng này đã được các cơ quan quản lý tính toán kỹ lưỡng, bảo đảm công bằng, hợp lý, hài hòa, có sự chia sẻ giữa người đang hưởng lương hưu và người đang đóng bảo hiểm xã hội, giữa khu vực nhà nước và khu vực ngoài nhà nước, giữa các thế hệ tham gia và thụ hưởng chính sách; đồng thời bảo đảm khả năng cân đối Quỹ Bảo hiểm xã hội trong dài hạn.
Việc điều chỉnh đồng bộ này cho thấy quyết tâm của Chính phủ trong thực hiện những định hướng, mục tiêu tại Nghị quyết số 28-NQ/TW của Hội nghị lần thứ 7 Ban Chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Việt Nam khóa XII về cải cách chính sách bảo hiểm xã hội.
Theo Bộ LĐ-TB&XH, mức tăng 15% căn cứ Nghị quyết 104 tháng 11/2023 của Quốc hội về dự toán ngân sách nhà nước năm nay, điều chỉnh lương hưu, các khoản trợ cấp, chính sách an sinh xã hội gắn với lương cơ sở; phù hợp chỉ số CPI cũng như cân đối ngân sách và nguồn Quỹ Bảo hiểm xã hội.
Dự kiến tổng kinh phí bố trí tăng lương hưu, trợ cấp bảo hiểm xã hội và trợ cấp hàng tháng nửa cuối năm là hơn 16.200 tỷ đồng, trong đó ngân sách nhà nước chi 3.760 tỷ đồng cho hơn 1,3 triệu người; Quỹ Bảo hiểm xã hội đảm bảo hơn 12.500 tỷ đồng cho 2,36 triệu người.
Thy Lê