Tại hội nghị đánh giá việc thực hiện quy chế về mối quan hệ công tác giữa Chính phủ và Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam mới đây, Bộ trưởng Bộ LĐ-TB&XH Đào Ngọc Dung cho rằng, cần kịp thời xử lý ngay quyền lợi của 200.000 người lao động bị nợ BHXH do doanh nghiệp phá sản, có chủ bỏ trốn.
Vấn đề khó cần tính toán kỹ
Theo Bộ trưởng Đào Ngọc Dung, đối với những trường hợp này, hiện nay mới xử lý tạm thời đóng BHXH đến đâu được hưởng đến đó, còn quyền lợi tiếp theo do người lao động bị ngắt quãng đóng BHXH là rất khó khăn.
200 nghìn người lao động bị nợ bảo hiểm xã hội do doanh nghiệp phá sản, có chủ bỏ trốn |
Đề cập đến việc Quốc hội còn cho xóa nợ thuế, Bộ trưởng Bộ LĐ-TB&XH đề xuất xóa nợ BHXH trong các trường hợp này bằng chính nguồn kết dư của quỹ BHXH và các nguồn dự trữ, đảm bảo quyền lợi của người lao động.
Tại Dự thảo Luật BHXH (sửa đổi) bổ sung cơ chế giải quyết chế độ hưu trí, tử tuất đối với người lao động trong trường hợp người sử dụng lao động không còn khả năng đóng BHXH.
Theo đó, về cơ chế giải quyết chế độ hưu trí, tử tuất đối với người lao động trong trường hợp người sử dụng lao động không còn khả năng đóng BHXH cho người lao động, Chính phủ cho rằng đây là quy định mới được bổ sung so với dự thảo Luật đã được Chính phủ trình Quốc hội tại Kỳ họp thứ 6.
Nội dung chính sách mới này liên quan đến việc ghi nhận thời gian chậm đóng, trốn đóng BHXH của giai đoạn đến trước ngày Luật BHXH (sửa đổi) được Quốc hội thông qua để giải quyết chế độ hưu trí và tử tuất (giải quyết tồn tại liên quan đến các đơn vị, doanh nghiệp đã phá sản, chủ bỏ trốn, ngừng hoạt động mà thiếu tiền đóng BHXH gây ảnh hưởng tới quyền lợi của người lao động).
Tuy nhiên, Chính phủ cho rằng, đây là vấn đề rất phức tạp, việc đề xuất cơ chế xử lý cần được đánh giá tác động cũng như rà soát, cập nhật số liệu chính xác, cụ thể đối với từng người lao động về thời gian và số tiền chậm đóng, trốn đóng. Do đó, để đảm bảo tính khả thi, hiệu quả, đặc biệt tránh “tác dụng ngược” tạo tiền lệ xấu cho các doanh nghiệp “cố tình” trốn đóng BHXH, Chính phủ đề nghị Luật chỉ quy định nguyên tắc, giao Chính phủ quyết định, nguồn kinh phí thực hiện từ số tiền lãi mà người sử dụng lao động phải nộp khi vi phạm chậm đóng, trốn đóng BHXH.
Số người lao động rút BHXH một lần gia tăng
Trả lời thêm về vấn đề này tại buổi thông tin báo chí 6 tháng 2024, ông Dương Văn Hào, Trưởng Ban Quản lý Thu- Sổ, thẻ (BHXH Việt Nam), nhìn nhận việc giải quyết quyền lợi của người lao động bị nợ BHXH nhưng chủ doanh nghiệp đã bỏ trốn là vấn đề khó. Làm thế nào để chính sách khi tổ chức triển khai đảm bảo đúng nguyên tắc, đúng quy định, không tạo ra tiền lệ với doanh nghiệp nghiêm túc chấp hành.
Do vậy, ngành BHXH sẽ trực tiếp tham gia với Bộ LĐ-TB&XH thảo luận kỹ, xử lý đảm bảo quyền lợi cho người lao động, không tạo tiền lệ xấu cho đơn vị cố tình vi phạm trốn đóng.
Liên quan tới chính sách BHXH, một trong những vấn đề đang nhận được sự quan tâm đó là câu chuyện rút BHXH một lần. Ông Đào Duy Hiện, Phó trưởng Ban Thực hiện chính sách BHXH Việt Nam, cho hay số người lao động hưởng BHXH một lần tiếp tục gia tăng.
6 tháng đầu năm 2024, có hơn 686.000 người hưởng các chế độ BHXH một lần, tăng hơn 3% so với cùng kỳ. Trong đó, có 595.000 người hưởng BHXH một lần, tăng 3,7%. Đa số là người lao động ngừng đóng BHXH sau một năm, chiếm khoảng 98%.
Tình trạng hưởng BHXH một lần tiếp tục tăng qua các năm. Giai đoạn 2016 - 2023, toàn quốc có khoảng 6 triệu lượt người lao động đã giải quyết hưởng BHXH một lần. Số lượng năm sau cao hơn năm trước với tốc độ trung bình tăng khoảng 10,5%.
Theo đánh giá của cơ quan BHXH, người lao động rút BHXH một lần tập trung chủ yếu ở khu vực ngoài nhà nước, do tính chất công việc, các doanh nghiệp có vốn đầu tư FDI, đối tượng lao động chịu áp lực công việc, nhảy việc…
"Nhóm tuổi chủ yếu nằm ở độ tuổi từ 20 đến dưới 40 tuổi, chiếm 78%. Nguyên do là tâm lý người lao động trẻ tuổi cho rằng nhu cầu trước mắt quan trọng hơn so với việc đóng BHXH đủ thời gian để được hưởng lương hưu. Bên cạnh đó, trong độ tuổi này, mức lương làm việc tại các doanh nghiệp chưa cao, vì vậy nhiều người có nhu cầu về tài chính sẽ hưởng BHXH một lần”, ông Hiện nêu rõ.
Theo ông Hiện, số người rút BHXH một lần tăng còn do một số người lao động e ngại chính sách thay đổi sẽ ảnh hưởng đến quyền lợi; chính sách BHXH tự nguyện còn thiếu hấp dẫn, mức hỗ trợ đóng của Nhà nước còn thấp, có ít địa phương hỗ trợ thêm từ nguồn ngân sách địa phương; chính sách cho người lao động thất nghiệp khi chấm dứt hợp đồng lao động chưa tạo sức hấp dẫn.
Không những vậy, từ năm 2022, mức chuẩn nghèo khu vực nông thôn tăng từ 700.000 đồng lên 1,5 triệu đồng, điều này khiến người lao động khó khăn hơn để tham gia BHXH tự nguyện.
Dự báo nếu đà tăng này tiếp tục thì năm 2024 ước có khoảng 1,4 triệu người hưởng BHXH một lần. Trước thực trạng đó, thảo luận về dự thảo Luật BHXH sửa đổi, nhiều đại biểu Quốc hội cho rằng, cần có những giải pháp tối ưu để đảm bảo cho hàng triệu người lao động không bị ra khỏi lưới an sinh, không được bảo đảm cuộc sống khi về già.
Hướng tới gia tăng quyền lợi cho người lao động
Nhằm giải quyết vấn đề rút BHXH một lần, dự thảo Luật BHXH mới đây trình Quốc hội 2 phương án. Phương án 1, người tham gia đóng BHXH trước khi Luật BHXH sửa đổi có hiệu lực (dự kiến 1/7/2025) sau 12 tháng không đóng BHXH bắt buộc lẫn tự nguyện mà đóng BHXH chưa đủ 20 năm thì được rút một lần. Còn người bắt đầu đi làm và tham gia BHXH từ sau 1/7/2025 sẽ không được rút BHXH một lần, trừ trường hợp theo quy định.
Luật BHXH sửa đổi sẽ được sửa đổi theo hướng bảo lưu thời gian đóng để được hưởng lương hưu thay vì nhận BHXH một lần. |
Phương án 2, người lao động đóng BHXH chưa đủ 20 năm, sau 12 tháng không thuộc diện tham gia BHXH bắt buộc cũng không đóng tự nguyện thì được giải quyết rút BHXH với mức không quá 50% tổng thời gian đóng, phần còn lại được bảo lưu trong hệ thống để sau này hưởng chế độ khi quay lại hệ thống an sinh.
Theo ông Dương Văn Hào, phát triển đối tượng tham gia BHXH sẽ được thực hiện trên cơ sở dữ liệu của ngành BHXH, tiếp cận từ các Hội đoàn thể, nhóm có thu nhập nhưng không phải đối tượng bắt buộc để khuyến khích tham gia BHXH tự nguyện. Đối với nhóm người lao động thuộc hộ nghèo, cận nghèo sẽ tiếp tục được ngân sách Nhà nước hỗ trợ.
Bên cạnh đó, dự Luật sẽ tính bổ sung thêm các nhóm đối tượng tham gia vào nhóm BHXH bắt buộc như tài xế taxi, xe ôm công nghệ…
Theo ông Nguyễn Thế Mạnh, Tổng Giám đốc BHXH Việt Nam, BHXH Việt Nam đang xây dựng dự thảo Luật BHXH sửa đổi với nhiều quy định hướng đến gia tăng quyền lợi, khuyến khích người lao động, như bảo lưu thời gian đóng để được hưởng lương hưu thay vì nhận BHXH một lần.
Minh Trang