Là địa phương đặc thù 100% dân trong xóm đều thuộc hộ nghèo, trình độ thấp, chị Quách Thị Hòa, xã Hương Nhượng, huyện Lạc Sơn, tỉnh Hòa Bình đã chọn con đường khởi nghiệp từ mô hình nuôi gà đồi. Đây là mô hình điển hình tiên tiến được Liên minh HTX tỉnh Hòa Bình đặc biệt quan tâm lựa chọn làm mô hình điểm để giúp người dân thoát nghèo.
Tự lực vươn lên
Trước đây, các hộ chủ yếu chăn nuôi nhỏ lẻ, tự phát nên tiêu thụ bấp bênh, tư thương ép giá. Mặt khác, khâu kiểm soát giống, thức ăn do không có kỹ thuật nên xảy ra dịch bệnh, dẫn đến hiệu quả kinh tế không cao. Từ khi thành lập HTX Gà đồi Hương Nhượng, các thành viên trong nhóm đã được học về kỹ thuật chăn nuôi, nhờ đó năng suất gà tăng, quy mô ngày càng được mở rộng.
Mô hình nuôi gà của HTX Hương Nhượng |
Chị Hòa cho biết thời gian đầu, có 7 hộ nuôi gà đồi khoảng 7.000 con, hộ nuôi nhiều 3.000 - 4.000 con/lứa, hộ nuôi ít từ 200 - 500 con/lứa. Những thành viên khác nuôi trâu, trồng rau an toàn, cây ăn quả có múi. Năm 2017, HTX được chọn tham gia dự án liên kết sản xuất, tiêu thụ gà theo chuỗi giá trị thuộc chương trình xây dựng nông thôn mới.
Dự án đã hỗ trợ HTX 8.000 con gà giống, hỗ trợ tập huấn chuyển giao KH-KT cho các hộ nuôi gà thương phẩm; hỗ trợ mua thuốc, vắc xin, bóng úm, khay ăn, bình uống nước và xây dựng điểm giết mổ, bảo quản gà, tổng kinh phí hỗ trợ 300 triệu đồng.
“Tôi thấy cái được rất lớn khi HTX được chọn tham gia dự án liên kết sản xuất là các thành viên không những có điều kiện chia sẻ kinh nghiệm trong chăn nuôi mà còn mua được con giống tốt, thức ăn với giá thành thấp do không phải thông qua trung gian vì có những đơn vị sẵn sàng cung ứng thức ăn cho HTX và chấp nhận thanh toán sau khi các hội viên bán sản phẩm.
Nhờ vậy, dù mới thành lập, nhưng với chiến lược phát triển hiệu quả, năm 2017, doanh thu của HTX đạt 2,9 tỷ đồng, lợi nhuận 600 triệu đồng. Hiện tại, HTX duy trì hai mảng sản xuất chính là chăn nuôi và trồng trọt”, chị Hòa chia sẻ.
Khởi nghiệp theo cách của chị Hòa không còn là câu chuyện hiếm về vượt khó vươn lên thoát nghèo hiện nay. Tại các địa phương khác có rất nhiều cách làm sáng tạo, những mô hình vươn lên thoát nghèo bằng chính nội lực của mình. Đơn cử như Bắc Giang, để khơi gợi ý chí thoát nghèo của người dân, phong trào viết đơn thoát nghèo đã được triển khai. Theo thống kê của Sở LĐTB&XH tỉnh Bắc Giang, phong trào viết đơn tự nguyện thoát nghèo đã thực sự lan tỏa và là tấm gương sáng về tự lực vươn lên giảm nghèo trong nhân dân.
Thay đổi nhận thức
Theo thống kê sơ bộ đến cuối năm 2017, số hộ đăng ký thoát nghèo ở các huyện đều tăng như: Lạng Giang (191 hộ); Lục Nam (145 hộ); Sơn Động (136)… Cùng với phong trào viết đơn tự nguyện thoát nghèo, Bắc Giang cũng triển khai nhiều giải pháp như phong trào “Mỗi chi hội giúp một hộ thoát nghèo” của Hội Liên hiệp Phụ nữ tỉnh; chương trình giúp người nghèo giống cam, bưởi, gà, bò ở huyện Yên Thế, Việt Yên; đào tạo nghề, giải quyết việc làm cho hộ nghèo của huyện Lạng Giang, Tân Yên, Yên Dũng...
Nhờ những cách làm sáng tạo này mà phần lớn người dân không còn ỷ lại vào sự giúp đỡ từ bên ngoài. Đa số hộ nghèo đều hiểu rõ để vượt qua khó khăn, bản thân họ phải nỗ lực, phấn đấu; sự quan tâm, giúp đỡ của Nhà nước và cộng đồng chỉ có tác dụng như “đòn bẩy".
Là một huyện khó khăn khi có tới 97% dân số là đồng bào dân tộc thiểu số, Nam Trà My của tỉnh Quảng Nam đã triển khai cuộc vận động “3 công chức, lao động giúp một hộ thoát nghèo”.
Cuộc vận động được xem như “cú hích” tạo lên những chuyển biến tích cực trong công tác giảm nghèo ở Nam Trà My trong 3 năm trở lại đây. Nhờ có cuộc vận động này, các hộ nghèo không còn loay hoay với việc làm sao để thoát nghèo cũng như làm sao sử dụng nguồn vốn vay hỗ trợ hiệu quả.
Ở mỗi cơ quan, đơn vị đều triển khai cuộc vận động theo những cách làm khác nhau, nhưng chung nhất vẫn là giúp đỡ kiến thức, kinh nghiệm sản xuất, hướng dẫn cách trồng trọt, chăn nuôi, tìm đầu ra cho sản phẩm nông sản của người dân. Nhờ đó, ngay trong năm đầu triển khai có gần 400 hộ ở 10 xã đăng ký thoát nghèo và có 150 hộ cận nghèo đăng ký thoát nghèo vượt trên chuẩn cận nghèo.
Có thể nhận thấy, chuyển biến lớn nhất của các địa phương có tỷ lệ hộ nghèo cao trong những năm gần đây chính là sự thay đổi mạnh mẽ về nhận thức của người dân trong cuộc chiến chống đói nghèo. Đời sống vật chất, tinh thần của các hộ nghèo đã và đang thay đổi từng ngày, đó là thành quả từ việc hỗ trợ kịp thời của chính quyền địa phương, sự cần cù, tự lực vươn lên của những người có hoàn cảnh khó khăn.
Hoàng Lê