Liên tục trong hai ngày 16 và 17/7, tại một số nơi trên địa bàn Nghệ An, Hà Tĩnh có mưa rất to. Theo thông tin từ Đài Khí tượng Thủy văn Bắc Trung bộ, lượng mưa đo được ở Tp.Vinh (Nghệ An) là 72mm, Cửa Hội (Nghệ An) là 100 mm, Linh Cảm (Hà Tĩnh) 67mm…
Phố thành sông, ruộng thành biển
Tại Tp.Vinh, mưa lớn liên tục nhiều giờ đã gây ngập úng tại các tuyến đường ở trung tâm, khiến cuộc sống người dân bị đảo lộn.
Sáng 17/7, theo ghi nhận của Thời báo Kinh Doanh ở các tuyến phố như Nguyễn Thị Minh Khai, Phan Bội Châu, Quang Trung, Đinh Công Tráng, Đặng Thái Thân… bị ngập nặng 30 – 40 cm.
Đặc biệt, tuyến Đại lộ V.I Lê Nin và Xô Viết Nghệ Tĩnh nối ngã tư sân bay quốc tế Vinh đến Quảng trường Hồ Chí Minh đã có nhiều đoạn bị ngập sâu 30 - 50cm.
Nước ngập sâu đã khiến các phương tiện lưu thông gặp rất nhiều khó khăn. Nhiều xe máy, ôtô bị chết máy, hư hỏng, đã phải nhờ lực lượng cứu hộ giao thông đến “giải cứu”. Một số khu vực chung cư ở Tp.Vinh cũng đang có nguy cơ ngập nước do mật độ người ở đông, hệ thống thoát nước hạn chế.
Tương tự, tại Hà Tĩnh, mưa lớn cũng đã biến nhiều tuyến phố ở đây thành sông, cá biệt có nhiều đoạn bị ngập sâu khiến các phương tiện và cuộc sống người dân nội thành khốn khổ.
Tại các tuyến phố như Hải Thượng Lãn Ông, Nguyễn Công Trứ, Nguyễn Du, Phan Đình Phùng… do bị ngập nặng nên giao thông trở nên hỗn loạn; lực lượng chức năng đã phải căng mình để điều tiết giao thông.
Mưa lớn cũng đã làm hàng ngàn ha lúa và hoa màu ở Nghệ An, Hà Tĩnh ngập nặng. Tại Nghệ An, một số địa phương như Yên Thành, Diễn Châu, Hưng Nguyên, Nghi Lộc… có nhiều diện tích sản xuất lúa và hoa màu vụ hè thu chìm trong biển nước.
Ông Nguyễn Văn Dương - Trưởng phòng NN&PTNT Yên Thành (Nghệ An), thông tin: Vựa lúa Yên Thành đã có hơn 1.000 ha lúa Hè Thu đang vào giai đoạn ngậm đòng ở các xã vùng sâu. Riêng xã Long Thành đã có tới 250 ha lúa bị ngập sâu trong nước từ 2 ngày qua và có khả năng bị mất trắng.
Ở Hà Tĩnh, mưa lớn cũng đã làm cho gần 8.000 diện tích lúa hè thu, rau màu tại nhiều địa phương bị ngập. Một số địa phương ở Hà Tĩnh có nhiều diện tích bị ngập nặng như Can Lộc 500 ha, Hương Sơn 850 ha, Vũ Quang 386 ha, Nghi Xuân 360ha…
Khu vực miền núi của Nghệ An, Hà Tĩnh đã xuất hiện nhiều điểm sạt lở đất trên các tuyến đường giao thông làm ảnh hưởng nghiêm trọng đến việc đi lại.
Sáng ngày 16/7, trên tuyến Quốc lộ 7A đã xuất hiện sạt lở tại xã Bồng Khê địa phận huyện Con Cuông (Nghệ An), tuyến đường Mậu Đức - Thạch Ngàn của huyện này cũng bị sạt lở.
Hiện trường vụ sạt lở ở huyện Con Cuông tỉnh Nghệ An |
Triển khai chống bão, lũ
Trên tuyến đường Tỉnh lộ 552 nối hai huyện Đức Thọ và Vũ Quang (Hà Tĩnh) bị sạt lở nghiêm trọng, buộc lực lượng chức năng phải huy động máy móc, nhân lực tiến hành xúc đất, giải phóng hiện trường, tạo thuận lợi cho người và phương tiện tham gia giao thông.
Theo thông tin chúng tôi có được, trên địa bàn huyện Anh Sơn tỉnh Nghệ An đã có hai vợ chồng mất tích do nước lũ sông Lam cuốn trôi thuyền. Còn tại huyện Quỳnh Lưu (Nghệ An), vẫn còn 1 tàu cá mang số hiệu NA 96588 do anh Trần Ngọc Biển ở thôn Đại Hải, xã Quỳnh Long làm thuyền trưởng cùng với 17 ngư dân trên tàu vẫn chưa thể liên lạc được.
Mưa lớn đã làm nước trên các sông ở Nghệ An, Hà Tĩnh (Sông Hiếu, sông Lam, sông La…) lên nhanh; nhiều nơi đã xuất hiện lũ. Theo dự báo, trên khu vực biển Đông, áp thấp đã mạnh lên thành bão số 3 có tên gọi Sơn Tinh với sức gió giật cấp 10. Hiện tại, các ngành chức năng tại đây đang triển khai nhiều giải pháp đối phó với bão, lũ.
Đối với những cánh đồng ngập nước, ngành nông nghiệp cũng đang triển khai các biện pháp tháo nước, bảo đảm an toàn cho lúa hè thu. Đó là ra quân khơi thông dòng chảy, mở các cửa cống thoát nước.
Điều khó khăn nhất ở các xã miền núi của Nghệ An và Hà Tĩnh trong đối phó với mưa lũ là nguy cơ sạt lở đất đá có thể xảy ra bất cứ lúc nào, nhất là ở các huyện miền núi, đe dọa trực tiếp đến tính mạng người dân, nhất là tại các khu dân cư nằm cạnh các vùng núi, sông suối.
Trước tình hình diễn biến bất thường của thời tiết, tỉnh Hà Tĩnh cũng triển khai nhiều giải pháp chống bão, lũ. Ông Trần Đức Thịnh - Phó Chánh văn phòng Ban chỉ huy Phòng chống thiên tai - Tìm kiếm cứu nạn tỉnh đề nghị các huyện ven biển tổ chức chặt chẽ, đưa tàu thuyền vào neo đậu tại các khu tránh trú bão an toàn; các huyện miền núi đề phòng mưa lớn gây lũ quét, sạt lở đất và các địa phương, đơn vị quản lý thủy lợi thường trực vận hành tiêu thoát lũ để chủ động tiêu nước đệm, giảm ngập úng cho diện tích lúa và hoa màu.
Thanh Nguyễn