Bá Thước là một trong 7 huyện miền núi nghèo ở tỉnh Thanh Hóa thụ hưởng các chính sách ưu đãi đối với vùng dân tộc thiểu số và miền núi đặc biệt khó khăn. Từ thực tế đó, tỉnh cũng chủ động triển khai nhiều giải pháp phát huy nội lực nhằm giúp huyện giảm nghèo nhanh và bền vững.
Khai thác tiềm năng
Năm 2015, Hội Làm vườn huyện Bá Thước đã hướng dẫn 7 hộ gia đình dân tộc Mường xã Ái Thượng cải tạo vườn tạp, đầu tư làm giàn trồng gấc ở trên, trồng gừng ở dưới và thành lập ra HTX nông sản Bá Thước. Nhận thấy được tiềm năng của cách làm này, các hộ gia đình đã tích cực tham gia.
Thành viên HTX Bá Thước cải tạo đất để sản xuất |
Người dân tham gia mô hình được hỗ trợ kỹ thuật cải tạo vườn tạp cũng như cung cấp những kiến thức cơ bản để trồng gừng, gấc. Các thành viên có nhu cầu mua giống, mua phân bón sẽ được giới thiệu đơn vị cung cấp đạt chất lượng, giá cả hợp lý.
Nhờ đó, vụ thu hoạch đầu tiên, hiệu quả so với trồng lúa gấp 3- 4 lần, giúp một số hộ thoát nghèo và có thể làm giàu. Nhận thấy rõ hiệu quả của mô hình trồng gấc, gừng, nhiều hộ nông dân huyện Bá Thước đã học tập và làm theo. Đến nay, HTX nông sản Bá Thước có tới 17 hộ gia đình tự nguyện tham gia. Đây cũng là mô hình phù hợp với nhiều đối tượng lao động, nhất là lao động nữ.
Chị Trương Thị Huấn, thành viên HTX cho biết quy trình trồng gấc, gừng rất đơn giản, ít chăm sóc, không tốn giống, phân bón. Cây gấc trồng 1 năm mà có thể thu hoạch trong 5-6 năm. "Khi tham gia HTX, gia đình tôi dành toàn bộ thời gian lao động để trồng gấc. Nhờ mô hình này, đời sống của gia đình từng bước thay đổi, trong nhà đã sắm sửa được nhiều đồ đạc. Cũng như gia đình tôi, các hộ khác đều được hướng dẫn làm phân vi sinh từ chất thải gia súc, rác thải nông nghiệp để bón cho gấc, gừng. Đồng thời, các hộ dân đã biết sơ chế gấc để bán. Riêng phần hạt được sơ chế để làm thuốc xoa bóp, còn vỏ quả để làm phân vi sinh", chị Huấn nói.
Vào đợt thu hoạch vừa qua, 2ha ớt của HTX cho thu về gần 100 triệu đồng. Hiện nay, sản phẩm gấc của người dân được cung ứng cho Công ty Vinaga, còn gừng thì được Công ty Trí Đức nhận tiêu thụ. Với thành công từ trồng kết hợp gấc và gừng, hiện nay, HTX Nông sản Bá Thước còn trồng thêm các loại rau, ớt, củ đậu, dưa vàng…
Nhân rộng mô hình
Năm 2016, tại Cuộc thi “Sáng kiến giảm nghèo” do Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội phối hợp Đại sứ quán Ailen tại Việt Nam tổ chức, mô hình trồng gấc, gừng của HTX được đánh giá rất cao về hiệu quả, cũng như sáng kiến phù hợp, xuất phát từ nội lực của người dân. Mô hình đã giành giải 3 tại cuộc thi.
Mới đây, chị Nguyễn Thị Thủy, Giám đốc HTX còn được vinh danh trong Chương trình “Khát vọng khởi nghiệp - Bừng sáng bản làng” (do Ủy ban Dân tộc phối hợp với Đài Tiếng nói Việt Nam tổ chức) nhờ mô hình trồng gừng, gấc.
Hiện nay, cấp ủy, chính quyền các cấp của tỉnh Thanh Hóa đang tập trung khai thác tiềm năng, thế mạnh ở địa phương nhằm khơi dậy tinh thần chủ động, sáng tạo, nỗ lực vươn lên thoát nghèo trong nhân dân. Các ngành, địa phương trong tỉnh trợ giúp, đồng hành cùng nhân dân huyện Bá Thước phát triển kinh tế - xã hội nhằm giảm nghèo nhanh, bền vững.
Bên cạnh mô hình trồng gấc, gừng của HTX, Bá Thước dự kiến du nhập, trồng cây gai xanh, cây dược liệu, khoai tây, bí, măng tây, mở rộng vùng rau an toàn đi đôi với quan tâm khai thác tiềm năng, thế mạnh ở các địa phương khác, nhất là phát triển du lịch sinh thái, cộng đồng nhằm tăng thu nhập, nâng cao chất lượng cuộc sống cho người dân, đặc biệt là đối với người dân vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi.
Ông Vũ Đình Hảo, Trưởng Phòng Nông nghiệp huyện Bá Thước cho biết thời gian tới, huyện sẽ tiếp tục nhân rộng các mô hình HTX làm ăn hiệu quả, các chuỗi sản xuất, kinh doanh sản phẩm an toàn, tập trung vào các sản phẩm chủ lực như gạo, thịt lợn, rau và ưu tiên xây dựng các chuỗi cung ứng thực phẩm áp dụng phương pháp canh tác hữu cơ, không sử dụng hóa chất độc hại. Đồng thời, huyện cũng hướng dẫn các xã, thị trấn chỉ đạo cơ sở sản xuất, kinh doanh ứng dụng khoa học công nghệ vào sản xuất, chế biến nông sản thực phẩm, ứng dụng quy trình thực hành nông nghiệp VietGAP, GlobalGAP.
Bên cạnh đó, huyện cũng đẩy mạnh các hoạt động kết nối cung cầu nông sản, thực phẩm an toàn và tăng cường quảng bá, mở rộng thị trường tiêu thụ các sản phẩm nông sản của huyện đến các nhà phân phối, cửa hàng, siêu thị kinh doanh thực phẩm an toàn và đẩy mạnh phát triển thị trường tiêu thụ nông sản, thực phẩm thông qua các chương trình, hội nghị, hội chợ giao thương, kết nối cung cầu. Qua đó, tạo thuận lợi để người dân yên tâm sản xuất, từng bước cải thiện đời sống và nâng cao thu nhập.
Thu Huyền