Sau khi giảm số năm đóng bảo hiểm xã hội (BHXH), cơ quan soạn thảo đề xuất, mức lương hưu hằng tháng được tính bằng 45% tiền lương tháng đóng BHXH khi đóng đủ 15 năm với nữ và 20 năm đối với nam, sau đó mỗi năm đóng được cộng thêm 2%, lương hưu tối đa bằng 75% mức lương đóng.
Cơ hội để nhiều người có lương hưu
Nếu đề xuất trên được thông qua, nhiều người lao động sẽ được nhận lương hưu khi về già. Tán thành với đề xuất trên, bà Nguyễn Thị Thanh, Trưởng Ban Công tác đại biểu của Ủy ban Thường vụ Quốc hội dẫn chứng số liệu thống kê, trong 07 năm thực hiện Luật BHXH năm 2014, có trên 476 nghìn người hưởng BHXH một lần đã có thời gian tham gia BHXH trên 10 năm với độ tuổi từ 40 tuổi trở lên; có trên 53 nghìn người đã hết tuổi lao động phải nhận BHXH một lần do chưa đủ 20 năm đóng BHXH bắt buộc; có trên 20 nghìn người khi đến tuổi nghỉ hưu chưa đủ thời gian đóng phải đóng một lần cho thời gian còn thiếu để hưởng lương.
Việc quy định giảm thời gian đóng BHXH được hưởng lương hưu không có nghĩa là về hưu lương thấp. |
“Nếu vẫn quy định thời gian tối thiểu để hưởng lương hưu là 20 năm thì những người này khó có cơ hội nhận lương hưu”, bà nói.
Tuy vậy, nhiều người lao động cũng lo lắng vì mặt bằng lương hưu hiện nay đã thấp, sắp tới điều kiện thời gian đóng BHXH để hưởng lương hưu giảm từ 20 năm xuống còn 15 năm thì lương hưu của một số người đóng BHXH dưới 20 năm sẽ còn thấp hơn.
Theo ông Trần Thanh Sơn, Chủ tịch Công đoàn cơ sở công ty TNHH May mặc G&G II (quận Bình Tân, TP.HCM), một trong những nguyên nhân chính khiến nhiều người rút BHXH một lần dù không khó khăn là vì họ thấy lương hưu thấp, không hấp dẫn.
Bà Nguyễn Thị Hoa, Chủ tịch Công đoàn cơ sở công ty TNHH Quadrille Việt Nam (KCN Amata, Đồng Nai) cho biết, công ty bà có tuyển dụng lại 4 lao động lớn tuổi sau khi họ nghỉ hưởng chế độ hưu trí.
"Mức lương hưu của 4 người này rất thấp, người lĩnh cao nhất là gần 3,2 triệu đồng/tháng, người lĩnh thấp nhất là 2,4 triệu đồng/tháng. Chính vì lương hưu thấp nên họ tiếp tục xin đi làm sau khi hết tuổi lao động để kiếm thêm thu nhập", bà Hoa nói.
Theo đó, nhiều người lao động mong muốn, lương hưu tối thiểu phải đáp ứng được nhu cầu tối thiểu, nếu thấp hơn mức sống tối thiểu thì người lao động khó an tâm chờ đến khi nhận lương hưu.
Giảm thời gian đóng không có nghĩa lương hưu thấp
Chia sẻ với những băn khoăn của người lao động, bà Nguyễn Thị Lan Hương, nguyên Viện trưởng Viện Khoa học lao động xã hội (Bộ LĐ-TB&XH) nhấn mạnh, việc quy định giảm thời gian đóng BHXH được hưởng lương hưu không có nghĩa là về hưu lương thấp. Đây là điều kiện tối thiểu để những người tham gia thị trường lao động muộn (tuổi 35-40) có cơ hội được thụ hưởng chính sách hưu trí.
Niềm vui an nhàn của người già khi có lương hưu. |
Với những người tham gia BHXH càng dài, khi đủ tuổi hưu mức hưởng sẽ càng cao, vẫn không có gì thay đổi so với hiện nay.
Bà Hương cũng nêu thực tế, trước đây nhiều người đóng BHXH không đủ 20 năm hầu như “mất trắng”, chỉ được hưởng chế độ "một cục" (không có lương hưu), đến bây giờ khi về già đa số đời sống đều rất khó khăn. Do vậy, chính sách hạ mức đóng còn 15 năm được hưởng lương hưu là để giúp người lao động có điều kiện được hưởng chế độ hưu trí khi về già.
Trong khi đó, PGS. TS. Đinh Dũng Sỹ, Chuyên gia pháp luật nêu quan điểm ủng hộ việc giảm điều kiện về số năm đóng BHXH tối thiểu để được hưởng lương hưu hằng tháng từ 20 năm xuống 15 năm. Đây là một trong những chính sách đặc biệt quan trọng và có giá trị trong lần sửa đổi này, nhằm tạo cơ hội cho những người tham gia muộn hoặc quá trình tham gia không liên tục có thời gian đóng BHXH ngắn được hưởng lương hưu (Điều 71).
Tuy nhiên, ông Sỹ cũng đặt ra một câu hỏi là, tại sao chúng ta không hạ thấp số năm đóng BHXH hơn nữa? có thể là 10 năm hoặc thấp hơn nữa theo nguyên tắc đóng nhiều hưởng nhiều, đóng ít hưởng ít. Cơ chế này nhằm tạo cơ hội cho những người tham gia muộn hoặc quá trình tham gia không liên tục có thời gian đóng BHXH ngắn được hưởng lương hưu, từ đó khuyến khích họ hiểu là tham gia BHXH không bao giờ là muộn.
Quyền lợi người lao động sẽ tăng lên
Ngoài ra, cơ chế này còn hạn chế được tình trạng người đã hết tuổi lao động phải nhận BHXH một lần do chưa đủ số năm đóng BHXH bắt buộc. “Như vậy, một mũi tên trúng hai đích, chúng ta nên làm”, ông Sỹ nói.
Theo đó, ông Sỹ đề nghị Luật nên quy định giảm số năm tối thiểu đóng BHXH xuống 10 năm và thiết kế các chế độ hưởng lương hưu phù hợp theo nguyên tắc đóng nhiều hưởng nhiều, đóng ít hưởng ít.
Về vấn đề này, ông Nguyễn Duy Cường, Phó Vụ trưởng Vụ BHXH (Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội), cho biết: "Theo luật BHXH 2014, đối với những người đóng BHXH bắt buộc đủ 20 năm thì có quy định mức lương hưu không thấp hơn mức lương cơ sở". Tuy nhiên, quy định trên chỉ áp dụng cho người lao động tham gia BHXH bắt buộc đủ 20 năm, vẫn có một số nhóm tham gia BHXH nhưng không được áp dụng quy định này. Ví dụ như nữ cán bộ xã hưởng lương hưu theo điều kiện tham gia BHXH từ 15 năm đến dưới 20 năm, người tham gia BHXH tự nguyện…
Theo ông Cường, trong dự thảo luật BHXH sửa đổi có mấy lý do dẫn đến việc không có quy định liên quan đến mức lương cơ sở. Thứ nhất là định hướng tới đây chúng ta không còn lương cơ sở; chúng ta có quy định giảm điều kiện thời gian hưởng lương hưu từ 20 năm xuống 15 năm nên không thể giữ quy định mức lương hưu thấp nhất bằng lương cơ sở áp dụng cho người đóng BHXH bắt buộc đủ 20 năm.
Ngoài ra, sàn đóng BHXH thay đổi. Chúng ta mong muốn mở rộng ra cho nhiều người tham gia BHXH, do vậy căn cứ đóng BHXH thấp nhất bằng 50% của lương tối thiểu vùng cao nhất. Khác với quy định hiện nay, người tham gia BHXH bắt buộc khu vực doanh nghiệp thì mức lương căn cứ đóng BHXH thấp nhất cũng bằng lương tối thiểu vùng.
Tuy nhiên, vì hoạt động theo nguyên tắc đóng - hưởng, chỉ cần mức đóng BHXH cao và thời gian dài thì lương hưu cũng sẽ cao. Do đó, trong dự thảo luật BHXH sửa đổi có đề xuất "tính đúng, tính đủ" tiền lương làm căn cứ đóng BHXH bắt buộc cho người lao động.
Ông Nguyễn Duy Cường khẳng định: "Điều mọi người quan tâm là liệu các đề xuất sửa đổi trong dự án luật có giảm quyền lợi của người lao động hay không? Tôi khẳng định các nội dung sửa đổi liên quan đến quyền lợi của người lao động đều được điều chỉnh tăng lên cho người lao động”.
Thy Lê