Được lĩnh lương hưu vào định kỳ mỗi tháng, được cấp thẻ bảo hiểm y tế (BHYT), bác Khuất Thị Anh Văn (sinh năm 1962, ở khu 12 xã Phù Ninh, huyện Phù Ninh, tỉnh Phú Thọ) vẫn không ngớt lời cảm ơn cán bộ bảo hiểm xã hội (BHXH) trước đây đã khuyên không nên rút BHXH một lần.
Quyết định sáng suốt dù 4 lần nộp hồ sơ xin rút BHXH một lần
Bác Văn kể lại, bác có 9 năm 9 tháng làm việc tại một doanh nghiệp nước ngoài trên địa bàn huyện Phù Ninh. Tháng 12/2020, dịch COVID-19 ập đến, bác Văn nghỉ việc do công ty giải thể. Ở tuổi ngoại ngũ tuần nên bác cho rằng mình không có cơ hội xin được vào làm việc tại các công ty khác. Sau khi nghỉ hưởng bảo hiểm thất nghiệp, bác Văn nộp đơn lên cơ quan BHXH huyện Phù Ninh đề nghị giải quyết BHXH một lần.
Nhiều người lao động quyết định tham gia BHXH tự nguyện để về già có lương hưu. |
Chỉ trong đầu tháng 12/2021, bác Văn nộp hồ sơ tới 3 lần và cả 3 lần ấy, cán bộ cơ quan BHXH đều gọi điện thuyết phục bác không nên thanh toán trợ cấp BHXH một lần. Đến lần thứ 4, bác Văn lại tiếp tục nộp hồ sơ đề nghị thanh toán, cơ quan BHXH đã mời bác đến để phân tích.
Bác Văn cho biết: “Nghe mọi người đồn rằng nếu không thanh toán ngay, khi Luật thay đổi thì thiệt lắm, bỏ ra một đống tiền đóng biết hưởng được bao nhiêu, chả sống được lâu, rồi khéo lại mất hết!...”.
Biết được băn khoăn đó của bác Văn, BHXH huyện Phù Ninh đã tính toán đưa ra phương án, tổng số tiền đóng vào và tổng quyền lợi được hưởng. Sau khi nghe phân tích, bác Văn quyết định không hưởng trợ cấp BHXH một lần mà tiếp tục tham gia BHXH tự nguyện, khi đủ điều kiện thì nộp một lần cho 10 năm còn thiếu với tổng số tiền 79.148.000 đồng và hưởng lương hưu từ tháng 4/2022. “Giờ mỗi lần đến tháng lĩnh lương hưu, tôi thấy vui, yên tâm. Rất cảm ơn cán bộ BHXH”, bác Văn chia sẻ.
Cùng có niềm vui như bác Văn, là một trong những người đầu tiên tại huyện Tam Nông (Phú Thọ) hưởng lương hưu từ việc tham gia BHXH tự nguyện, bác Trần Thị Khiêm (xã Vạn Xuân) vui mừng chia sẻ: “Năm 2008, khi chính sách BHXH tự nguyện ra đời, cán bộ đại lý thu của UBND xã Cổ Tiết cũ nay là xã Vạn Xuân đã đến nhà tuyên truyền, vận động tôi. Do tham gia BHXH tự nguyện, nay khi tuổi đã cao, sức đã giảm, hằng tháng tôi đều có lương hưu để góp phần trang trải cuộc sống, ốm đau thì đã có thẻ BHYT của đối tượng hưu trí. Bây giờ, tôi chỉ còn phải rèn luyện chăm sóc cho mình thật khỏe mạnh để an hưởng tuổi già”.
'Biết vậy thì kiên trì đóng BHXH'
Bác Khiêm cũng cho biết thêm, kể từ khi tham gia BHXH tự nguyện, bản thân bác cũng tuyên truyền cho những người hàng xóm, bạn bè chưa tham gia về những lợi ích lâu dài mà chính sách này mang tới để họ tham gia. Đến một ngày không xa, chính những người hàng xóm mà bác đã động viên tham gia đó cũng sẽ được hưởng lương hưu như bản thân bác ngày hôm nay.
Tham gia BHXH sẽ giúp người lao động có cuộc sống an nhàn khi về già. |
Thực tế, rút BHXH một lần có thể giúp người lao động có một khoản tiền để giải quyết khó khăn tạm thời, nhưng sau đó đã có nhiều người hối hận vì quyết định trên. Đơn cử như trường hợp của chị L.H.T, trú tại phường Sông Cầu, thành phố Bắc Kạn mất việc làm do công ty ở Thành phố Hồ Chí Minh rơi vào suy thoái, phải cắt giảm nhân công. Trở về Bắc Kạn, chị tiếp tục đóng BHXH và nuôi hy vọng tìm việc làm hoặc chờ công ty cũ gọi nhưng không được. Số tiền tích cóp bấy lâu chỉ đủ tằn tiện chi tiêu hơn một năm, trong khi chi phí cuộc sống, lo cho bố mẹ già và các con ăn học khá tốn kém.
Không còn cách nào khác, chị T. quyết định dừng đóng BHXH để làm thủ tục nhận trợ cấp một lần sau gần 20 năm đóng BHXH. Số tiền được nhận, chị đầu tư buôn bán kinh doanh, chạy chợ…
Sau quyết định đó, đến nay, chị L.H.T không giấu được lo lắng: “Mọi việc không thuận lợi như dự tính ban đầu của tôi. Liên tiếp mấy chuyến hàng gặp thời tiết bất lợi bị hư hỏng khiến vốn hao hụt. Cứ đà này, khi tiêu hết khoản tiền rút BHXH một lần, không biết cuộc sống của gia đình tôi sẽ ra sao? Nếu biết trước sẽ như hôm nay, thà tôi kiên trì xin việc làm và duy trì đóng BHXH thì về già an tâm hơn nhiều”…
Đừng vì cái lợi trước mắt mà đánh mất cái lợi lâu dài
Không có lương hưu hàng tháng khi đã hết tuổi lao động, mất đi cơ hội được cấp thẻ BHYT miễn phí, số tiền nhận về thấp hơn so với số tiền đã đóng vào quỹ BHXH… là những thiệt thòi của người lao động khi rút BHXH một lần.
Theo đó, BHXH Việt Nam liên tục khuyến cáo khi quyết định rút BHXH một lần, người lao động mất đi cơ hội hưởng lương hưu. Khi còn trẻ, người lao động có nhiều cơ hội để kiếm việc làm, có thu nhập để trang trải cuộc sống, nhưng đến khi về già, nếu không có lương hưu, người già sẽ phải phụ thuộc vào con cái. Không những thế, người lao động còn mất đi cơ hội được cấp thẻ BHYT miễn phí trong suốt thời gian hưởng lương hưu để hưởng các quyền lợi về khám chữa bệnh BHYT, chăm sóc sức khỏe khi tuổi già, độ tuổi dễ gặp bất trắc về sức khỏe nhất của mỗi người.
Theo quy định của pháp luật, hiện nay, tổng mức đóng BHXH là 22% mức tiền lương hàng tháng. Trong đó, người lao động đóng 8%, người sử dụng lao động đóng 14%. Khi quyết định nhận BHXH một lần thì số tiền người lao động nhận được sẽ ít hơn nhiều so với số tiền đã đóng vào Quỹ BHXH. Cụ thể, một năm mức đóng BHXH bằng 2,64 tháng lương, trong khi người lao động chỉ nhận được số tiền tương ứng 1,5 tháng lương cho những năm đóng trước năm 2014 và 2 tháng lương cho những năm đóng từ năm 2014 trở đi. Như vậy, người lao động mất đi 0,64 tháng lương mỗi năm. Còn nếu nhận lương hưu mỗi năm, người lao động nhận được 12 tháng mức bình quân, ngoài ra còn được hưởng trợ cấp một lần khi nghỉ hưu. Mức trợ cấp một lần được tính theo số năm đóng BHXH cao hơn số năm tương ứng với tỷ lệ hưởng lương hưu 75% cứ mỗi năm đóng BHXH thì được tính bằng 0,5 tháng mức bình quân.
Lương hưu không hưởng cố định mà điều chỉnh tăng theo chỉ số giá và mức tăng trưởng kinh tế hàng năm. Giữa 2 người cùng có điều kiện về thời gian và mức đóng BHXH, cùng độ tuổi thì tổng lợi ích bằng tiền của người hưởng lương hưu hàng tháng sẽ cao hơn nhiều khi hưởng BHXH một lần. Cùng với đó, thân nhân của người lao động không được hưởng chế độ tử tuất khi người lao động không may qua đời. Bởi nếu người đang hưởng lương hưu không may qua đời thì người lo mai táng sẽ được nhận một lần trợ cấp mai táng bằng 10 lần mức lương cơ sở tại tháng người hưởng lương hưu qua đời và thân nhân được hưởng trợ cấp tử tuất hàng tháng hoặc một lần.
Qua phân tích cho thấy, khi lựa chọn rút BHXH một lần, các quyền lợi của người lao động bị hạn chế hơn rất nhiều so với hưởng lương hưu. Do đó, người lao động cần cân nhắc, suy nghĩ kỹ trước khi quyết định rút BHXH một lần.
Trong điều kiện khó khăn, người lao động có thể bảo lưu thời gian đóng BHXH, đến khi có điều kiện thì tiếp tục tham gia lại hoặc tham gia BHXH tự nguyện cho đủ điều kiện được hưởng lương hưu, đảm bảo việc chủ động trong cuộc sống khi về già và an sinh xã hội của đất nước.
Sắp tới đây, dự kiến Luật BHXH sẽ được sửa đổi theo hướng giảm thời gian tối thiểu đóng BHXH để hưởng lương hưu cho người lao động. Do vậy, người lao động không nên vội vàng vì cái lợi trước mắt mà đánh mất cái lợi lâu dài, rời khỏi hệ thống an sinh.
Thy Lê