Là một trong những địa phương tại Sơn La bị ảnh hưởng bởi Quyết định 861/QĐ-TTg, từ ngày 1/7/2021, huyện Mai Sơn có 8 xã khu vực II được phê duyệt là xã khu vực I, với hơn 40.000 đối tượng người dân tộc thiểu số không được ngân sách hỗ trợ đóng bảo hiểm y tế (BHYT). Trước tình hình trên, BHXH huyện Mai Sơn đã tập trung đổi mới nội dung, phương thức truyền thông đa dạng, phù hợp với tình hình địa phương, trong đó mô hình Tổ xung kích phát triển người tham gia bảo hiểm xã hội (BHXH), BHYT được coi là giải pháp mũi nhọn.
Cán bộ xã sẵn sàng tuyên truyền, kể cả ngày nghỉ
Đã tham gia BHXH tự nguyện được hơn 10 năm, chị Hà Thị Giang (TK8, xã Nà Bó, Mai Châu) cho hay, dù gia đình rất khó khăn, đặc biệt trong giai đoạn COVID-19 vừa qua nhưng được sự động viên của Tổ xung kích xã nên chị đã bớt thêm một phần chi phí sinh hoạt hàng ngày bỏ heo đất để tham gia BHXH tự nguyện cho cả chồng.
Mô hình tổ xung kích phát triển người tham gia BHXH, BHYT có sự tham gia của cán bộ xã đến nhà dân để tuyên truyền. |
Mới được thành lập nhưng Tổ xung kích phát triển người tham gia BHXH, BHYT của xã Nà Bó được coi là mô hình điểm tại huyện Mai Sơn. Cũng nhờ hoạt động hiệu quả của mô hình này mà nhận thức của bà con nơi đây về chính sách BHXH tự nguyện đã dần thay đổi.
Dù khá bận rộn với công việc nhưng ngay khi có thông báo của BHXH huyện xuống phối hợp tuyên truyền, anh Đoàn Quang Dũng, Phó Chủ tịch UBND, Phó Trưởng Ban Chỉ đạo thực hiện chính sách BHXH, BHYT xã Nà Bó, lập tức sắp xếp để “lên đường” cùng mọi người.
Theo anh Dũng, đây là chiến dịch nuôi heo đất tiết kiệm để đóng BHXH tự nguyện. Ý tưởng trên do UBND xã Nà Bó phát động thực hiện nhằm khuyến khích người dân tham gia BHXH tự nguyện. Cụ thể, UBND xã đã bỏ tiền ra mua hơn 70 con heo đất cấp đều cho các Chi hội, từ đó chia lại cho các hội viên tiềm năng để khuyến khích người dân tích góp để tham gia BHXH tự nguyện.
“Thông qua mô hình này, bà con sẽ biết cách tiết kiệm tiền hàng ngày để đến khi đủ sẽ báo cho cán bộ Tổ xung kích xuống tận nhà hỗ trợ hoàn thành các thủ tục tham gia BHXH tự nguyện. Bản thân tôi cũng trực tiếp xuống chứng kiến bàn giao biên lai để tạo sự yên tâm cho bà con”, anh Dũng chia sẻ.
Theo anh Dũng, trước kia khi cán bộ BHXH huyện xuống tuyên truyền, đôi khi người dân vẫn còn ngần ngại. Tuy nhiên, khi có mặt của những người trong bộ máy chính quyền địa phương thì bà con đã mạnh dạn tham gia. Cũng bởi vậy, mà bản thân anh luôn chủ động “xắn tay” xuống nhà dân để làm cầu nối và trực tiếp tuyên truyền, vận động bà con tham gia chính sách bất kể sáng, tối, thứ Bảy hay Chủ nhật…
Tạo lòng tin với người dân
Với việc giao trực tiếp chỉ tiêu phát triển người tham gia tới từng thôn, bản, cùng những giải pháp, mô hình hiệu quả, chỉ tính đến tháng 11/2022, trên địa bàn xã Nà Bó đã có 258 người tham gia BHXH tự nguyện, đạt 118% kế hoạch được giao; số người tham gia BHYT từ 62% đã tăng lên 82% dân số…
Chia sẻ thêm về kết quả này, anh Dũng cho biết, ngay khi nhận được các văn bản chỉ đạo của UBND, BHXH huyện về việc thành lập các Tổ xung kích phát triển người tham gia BHXH, BHYT trên địa bàn, lãnh đạo UBND xã đã nhanh chóng thành lập Tổ xung kích với nòng cốt là các cán bộ trẻ nhiệt huyết, người có uy tín và đặc biệt là có “duyên” trong dân vận. Chỉ sau một thời gian ngắn hoạt động, số người tham gia BHXH tự nguyện, BHYT hộ gia đình trên địa bàn đã gia tăng đáng kể.
Huyện Mai Sơn tiếp tục tập trung vào các giải pháp đẩy mạnh công tác truyền thông về chính sách BHXH và BHYT đến mọi cán bộ, người dân. |
Từ thực tế tại Nà Bó, có thể thấy, muốn nhận được sự tín nhiệm của người dân thì vai trò người đứng đầu trong lòng dân là rất quan trọng. Huyện Mai Sơn hiện có gần 300 người có uy tín, trong đó có tới 99% là người dân tộc thiểu số - đây là những hạt nhân tiêu biểu, bằng uy tín, trách nhiệm, sự nhiệt tình của mình đã phát huy vai trò “cầu nối” giữa chính sách của Đảng với dân. Vì vậy, việc đưa những người đó vào Tổ xung kích nhằm phát huy vai trò người đứng đầu gương mẫu cũng như tạo lòng tin cho nhân dân sẽ góp phần quan trọng trong công tác vận động, tuyên truyền chính sách BHXH, BHYT.
Theo bà Bùi Thị Mai Phương, Giám đốc BHXH huyện Mai Sơn, đây là một sáng kiến của đơn vị nhằm triển khai hiệu quả công tác truyền thông, vận động người tham gia chính sách. Theo đó, mỗi Tổ xung kích của BHXH có ít nhất 2 thành viên để phối hợp cùng Tổ xung kích của xã bao gồm cấp ủy, công chức, bí thư bản, trưởng bản là thành viên trong Ban Chỉ đạo phát triển đối tượng tham gia BHXH, BHYT của xã. Nội dung tổ chức hội nghị tuyên truyền, vận động người dân tham gia BHXH tự nguyện, BHYT tự đóng và tuyên truyền, vận động theo nhóm nhỏ đến tận hộ gia đình.
Theo bà Phương, để các buổi xung kích thành công, công tác chuẩn bị và phối hợp phải rất cụ thể, từ dữ liệu tiềm năng do BHXH huyện cung cấp, UBND xã và Tổ chức dịch vụ thu gửi giấy mời đến từng hộ trong bản, đồng thời trưởng bản phát loa thường xuyên về ngày làm việc của Tổ xung kích để người dân biết cụ thể thời gian, chuẩn bị tiền và giấy tờ để đến đăng ký tham gia.
“Trước ngày xung kích BHXH huyện và Ban Chỉ đạo phát triển đối tượng tham gia BHXH, BHYT xã tổ chức hội ý quán triệt về nội dung công việc, chuẩn bị tài liệu, phương tiện đi lại đối với các thành viên xung kích đảm bảo hiệu quả, đúng mục đích và đúc rút các kinh nghiệm từ các lần xung kích trước”, bà Phương chia sẻ.
Phấn đấu 6,04% lực lượng lao động tham gia BHXH tự nguyện
Thời gian qua, huyện Mai Sơn đã triển khai nhiều chính sách nhằm thúc đẩy việc người dân tham gia BHXH, BHYT. UBND huyện đã chỉ đạo cơ quan BHXH huyện phối hợp chặt chẽ với các các cơ quan đơn vị liên quan, UBND các xã, thị trấn giao chỉ tiêu phát triển người tham gia BHXH, BHYT cho các tổ bản, tiểu khu đạt 100% và đã tổ chức ký cam kết thực hiện theo kế hoạch giao theo Quyết định số 449/QĐ-UBND ngày 16/3/2023 của UBND huyện.
BHXH cũng chủ động phối hợp với UBND các xã, thị trấn tham mưu tổ chức Hội nghị giao chỉ tiêu BHXH, BHYT năm 2023 kết hợp triển khai mô hình Trưởng bản, Tiểu khu trưởng làm cộng tác viên thu BHXH, BHYT với 84 người đăng ký tham gia. Từ đó tham mưu BHXH tỉnh tổ chức lớp đào tạo nhân viên thu, khi có công nhận kết quả đào tạo thì BHXH tiếp tục vận dụng, phối kết hợp giữa 2 mô hình “Xung kích” và “Trưởng bản, Tiểu khu trưởng làm cộng tác viên thu BHXH, BHYT” để tổ chức Hội nghị, tuyên truyền nhóm nhỏ nhằm nâng cao chất lượng công tác truyền thông.
Trong năm 2022, huyện Mai Sơn đã có trên 11.000 người mới tham gia BHYT tự đóng và trên 18.000 người tiếp tục tham gia BHYT tự đóng, gần 700 người tham gia mới BHXH tự nguyện, phát triển thêm được 10 doanh nghiệp tham gia BHXH, BHYT mới cho người lao động; vận động xã hội hóa, tặng trên 2.000 thẻ BHYT học sinh và thẻ BHYT cho các gia đình có hoàn cảnh khó khăn trên địa bàn.
Đến hết năm 2022, toàn huyện có hơn 6.400 người tham gia BHXH, BHYT bắt buộc; 4.266 người tham gia BHXH tự nguyện; gần 143.000 người tham gia BHYT, đạt trên 90%.
Trong 6 tháng đầu năm 2023, BHYT tự đóng đã vận động gần 12.000 người đóng tiếp BHYT và tham gia mới BHYT gần 4.000 người, tổng số người tham gia BHYT tự đóng đến tháng 6/2023 khoảng 29.000 người; BHXH bắt buộc phát triển thêm 12 doanh nghiệp tham gia mới với 125 lao động được hưởng các quyền lợi an sinh xã hội.
Năm 2023, huyện Mai Sơn phấn đấu toàn huyện có 7,3% lực lượng lao động tham gia BHXH bắt buộc, 6,04% lực lượng lao động tham gia BHXH tự nguyện, tiếp tục duy trì và giữ vững 90,6% người tham gia BHYT.
BHXH Mai Sơn tiếp tục tập trung vào các giải pháp đẩy mạnh công tác truyền thông về chính sách BHXH và BHYT đến mọi cán bộ, người dân, nhất là đồng bào dân tộc thiểu số. Duy trì và thành lập mới các tổ xung kích, tuyên truyền nhỏ lẻ, nghiên cứu cải tiến và thực hiện các giải pháp truyền thông mới mang lại hiệu quả cao. Vận động các doanh nghiệp, tổ chức, cá nhân đóng trên địa bàn tặng sổ BHXH, thẻ BHYT cho người dân có hoàn cảnh khó khăn, học sinh sinh viên là người dân tộc thiểu số có hoàn cảnh khó khăn thuộc xã vùng I, xã đạt chuẩn nông thôn mới và nông thôn mới nâng cao.
Nguyệt Ánh