Số liệu thống kê của BHXH huyện Đà Bắc cho thấy, tính đến 15/11/2021, toàn huyện có 1.194 người tham gia BHXH tự nguyện, tăng mạnh nhất là từ năm 2020 đến nay, tăng gấp 5 lần so 12 năm trước cộng lại, tính từ ngày chính sách BHXH tự nguyện bắt đầu được triển khai thực hiện ngày 1/1/2008. Con số này đạt 81% kế hoạch BHXH tỉnh Hòa Bình giao, đồng thời là đơn vị dẫn đầu toàn tỉnh trong khối huyện về phát triển số người tham gia BHXH tự nguyện.
Bám làng, bám bản đưa chính sách đến với đồng bào
Đà Bắc là huyện vùng cao, vùng xa, với dân số chỉ khoảng 55.000 người, song lại phân bố rải rác, với nhiều dân tộc cùng sinh sống. Những rào cản về ngôn ngữ đã gây khó khăn trong quá trình tuyên truyền, vận động người dân tham gia BHXH tự nguyện. Ngoài ra, do nhận thức của đồng bào còn hạn chế, lại chủ yếu làm nông nghiệp nên thu nhập của nhiều gia đình không ổn định, không đủ khả năng tham gia BHXH; thậm chí có trường hợp đã tham gia nhưng sau đó phải tạm dừng.
Hội nghị tuyên truyền do BHXH huyện Đà Bắc tổ chức thu hút được sự quan tâm của nhiều người dân (Ảnh: Int) |
Lãnh đạo BHXH huyện Đà Bắc chia sẻ, để phát triển BHXH tự nguyện hiệu quả, BHXH huyện đã chú trọng bám làng, bám bản để đưa chính sách đến với đồng bào các dân tộc. Đồng thời, chủ động phối hợp với UBND các xã, thị trấn tổ chức hội nghị tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật, trong đó có lồng ghép tuyên truyền BHXH tự nguyện, bảo hiểm y tế (BHYT) hộ gia đình. Các hội nghị được tổ chức linh hoạt về thời gian và địa điểm, phù hợp với từng địa bàn bằng tiếng Việt và tiếng dân tộc thiểu số. Bên cạnh đó, phát huy vai trò của các trưởng thôn, trưởng bản trong việc tuyên truyền, vận động người dân tham gia BHXH, BHYT.
“Là huyện miền núi, vùng sâu, vùng xa nên vai trò và tiếng nói của các trưởng bản rất quan trọng. Để đưa chính sách BHXH, BHYT đến từng người dân, BHXH huyện chú trọng tuyên truyền cho các trưởng bản hiểu rõ về chính sách. Khi các trưởng bản hiểu và ủng hộ thì việc tuyên truyền, vận động người dân tham gia BHXH tự nguyện rất thuận lợi và hiệu quả”, Phó Giám đốc BHXH huyện Đà Bắc Phạm Xuân Hạnh cho biết.
Những cách làm này được đánh giá là hiệu quả, phù hợp với tập quán sinh hoạt mang tính cộng đồng ở vùng đồng bào dân tộc thiểu số, trình độ dân trí không đồng đều, xóa bỏ được khoảng cách về địa lý, ngôn ngữ.
Ví dụ như trong tháng 10 và nửa đầu tháng 11, BHXH huyện đã tổ chức 2 hội nghị tuyên truyền tại xã Đồng Ruộng và Cao Sơn. BHXH huyện đã chọn những cán bộ biết tiếng dân tộc, hiểu phong tục, tập quán của bà con để tham gia tuyên truyền, vận động. Đồng thời, thông qua các trưởng thôn, trưởng bản và người có uy tín trong dòng họ giải thích cho người dân hoặc con cháu hiểu rõ lợi ích khi tham gia BHXH tự nguyện. Kết quả, riêng 2 hội nghị này đã vận động được 38 người đăng ký tham gia BHXH tự nguyện.
Bên cạnh đó, BHXH huyện Đà Bắc cũng luôn coi trọng công tác đào tạo nhân viên đại lý thu; ký kết chương trình phối hợp tuyên truyền với các hội, đoàn thể. Nhờ vậy, nhiều xã, bản đã trở thành điển hình trong phát triển BHXH tự nguyện, như xã Đồng Ruộng và xã Giáp Đắt.
Đáng chú ý, BHXH huyện Đà Bắc đẩy mạnh tuyên truyền qua loa phát thanh lưu động bằng tiếng Việt và tiếng dân tộc thiểu số; tuyên truyền trực quan bằng pano, áp phích; tổ chức quầy tư vấn tại các chợ phiên…
Tuyên truyền, tạo thuận lợi cho người dân
BHXH huyện Đà Bắc cũng luôn chủ động, sáng tạo đổi mới công tác tuyên truyền như: Tổ chức livestream qua trang Facebook cá nhân, tư vấn qua điện thoại, đến từng nhà người dân để vận động… Cùng với đó, khuyến khích cán bộ viên chức sử dụng mạng xã hội Facebook, Zalo cá nhân để giải đáp thắc mắc, phản ánh của người dân, chia sẻ những thông tin về chính sách BHXH, BHYT, trong đó có việc tuyên truyền, hướng dẫn người dân, người lao động cài đặt và trải nghiệm các tính năng của ứng dụng VssID…
Tham gia BHXH tự nguyện, người lao động trong các HTX sẽ có "lương hưu" khi về già (Ảnh: TL) |
Giám đốc BHXH huyện Đà Bắc Xa Văn Vân cho biết, trước thực trạng Đà Bắc là huyện vùng cao, trình độ dân trí thấp, hiểu biết về công nghệ số còn hạn chế, BHXH huyện đã không ngừng nỗ lực đẩy mạnh số lượng cài đặt, hướng dẫn người dân sử dụng dịch vụ BHXH số (VssID) nhằm đem lại cho người dân những tiện ích như: Theo dõi quá trình tham gia, lịch sử thụ hưởng các chế độ, chính sách BHXH, BHYT; tra cứu thông tin: mã số BHXH, cơ quan BHXH, cơ sở khám, chữa bệnh BHYT và các điểm thu, đại lý thu BHXH tự nguyện, BHYT hộ gia đình; dịch vụ hỗ trợ 24/7.
Sử dụng ứng dụng VssID, người dùng còn có thể thực hiện vai trò giám sát nghĩa vụ đóng BHXH, BHYT, BHTN cho người lao động của người sử dụng lao động, góp phần công khai, minh bạch thông tin và hạn chế tình trạng nợ đóng, trốn đóng BHXH, BHYT, BHTN cho người lao động của các đơn vị, doanh nghiệp. Ứng dụng VssID còn là một kênh truyền thông trực tiếp đến người sử dụng, cung cấp đầy đủ, kịp thời thông tin về chính sách BHXH, BHYT, BHTN để người sử dụng thấy được giá trị nhân văn của các chính sách an sinh của Đảng, Nhà nước.
Lãnh đạo BHXH huyện Đà Bắc khẳng định, thời gian tới, đơn vị sẽ tiếp tục tham mưu chính quyền địa phương giao chỉ tiêu phát triển người tham gia BHXH tự nguyện cho UBND các xã, thị trấn để tổ chức thực hiện. Đặc biệc chú trọng công tác phối hợp với các ngành liên quan nhằm huy động sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị, góp phần nâng cao tỷ lệ người dân tham gia và thụ hưởng các chính sách về BHXH tự nguyện trên địa bàn.
Nhìn tổng thế có thể thấy dư địa về phát triển người tham gia BHXH tự nguyện trên địa bàn huyện Đà Bắc vẫn còn khá lớn, như nông dân, thành viên HTX, người lao động tự do. Đặc biệt là người lao động ở hàng chục HTX và tổ hợp tác tại Đà Bắc với số lượng lên tới hàng nghìn người.
Trên địa bàn huyện hiện có nhiều HTX hoạt động có hiệu quả, thu hút hàng chục thành viên và người lao động thường xuyên, như: HTX dịch vụ Nông nghiệp Hòa Bình (thị trấn Đà Bắc) trồng và sản xuất dầu dinh dưỡng Sachi Omega 3.6.9, HTX Nông sản sạch Vầy Nưa (xã Vầy Nưa) nuôi cá lồng trong lòng hồ thủy điện, HTX dược liệu Big Farm (xã Yên Hòa) với các sản phẩm dược liệu hữu cơ, HTX Vịnh Xuân (xã Toàn Sơn) với sản phẩm rượu mầm thóc, HTX Nam Phương (xã Trung Thành) với sản phẩm chè khô, HTX đa nghề Yên Lý (xã Cao Sơn) với sản phẩm miến dong… Tuy nhiên, chưa có nhiều người tham gia BHXH để được hưởng chính sách BHYT cũng như được hưởng “lương hưu” khi về già. Vì thế, đây là đối tượng tiềm năng để BHXH huyện Đà Bắc tập trung tuyên truyền, phát triển diện bao phủ trong thời gian tới.
Phương Linh