Theo ông Đào Trường Thi, Giám đốc Bảo hiểm xã hội (BHXH) huyện Quế Võ, đợt dịch bệnh Covid-19 thứ tư bùng phát, lan rộng, diễn biến hết sức phức tạp trên địa bàn tỉnh Bắc Ninh nói chung, huyện Quế Võ nói riêng đã ảnh hưởng rất lớn đến việc thực hiện các nhiệm vụ của đơn vị, đặc biệt là công tác thu và phát triển người tham gia BHXH, bảo hiểm y tế (BHYT).
Đa dạng hình thức tuyên truyền
Cán bộ BHXH hướng dẫn người lao động cài đặt, sử dụng ứng dụng VssID-Bảo hiểm xã hội số (Ảnh: TL) |
Đặc biệt, trong thời gian cao điểm, các đơn vị sử dụng lao động bị phong toả, hết sức khó khăn phải đóng cửa, tạm dừng sản xuất, kinh doanh, nhiều lao động mất việc làm và gần như không tuyển dụng lao động mới; việc tổ chức Hội nghị phát triển người tham gia BHXH tự nguyện cũng rất khó khăn: thường xuyên phải hoãn hoặc chia nhỏ do diễn biến dịch, đồng thời thu nhập người dân cũng bị giảm, đã phải sử dụng tiền tích lũy cho chi tiêu, sinh hoạt hàng ngày nên lại khó khăn hơn khi tham gia BHXH tự nguyện để tích lũy khi về già hay tham gia BHYT hộ gia đình để phòng ngừa rủi ro sức khỏe.
"Trước những khó khăn như vậy, để thực hiện tốt mục tiêu kép vừa chống dịch, vừa thực hiện tốt các nhiệm vụ chính trị được giao, tập thể cán bộ, viên chức BHXH huyện Quế Võ đã đoàn kết, tìm tòi, sáng tạo và luôn chủ động bám sát sự chỉ đạo của ngành cấp trên, tranh thủ sự lãnh đạo, chỉ đạo của cấp ủy, chính quyền địa phương, phối hợp với các cơ quan, ban ngành, đoàn thể, đặc biệt là các xã, thị trấn trong toàn huyện", ông Thi cho biết.
Với các xã không bị phong toả, cách ly, BHXH huyện đã phối hợp với Bưu điện, UBND xã, thị trấn bám sát đến từng thôn, xóm chỉ đạo các trưởng xóm, rà soát, vận động tham gia, đồng thời thông báo trên hệ thống loa truyền thanh của các xóm đến từng hộ gia đình về chủ trương của Nhà nước để nhân dân chủ động tham gia BHXH tự nguyện, BHYT hộ gia đình, tránh bị gián đoạn và mất quyền lợi và thực hiện nghĩa vụ khi tham gia. Đồng thời, linh động tiếp cận đối với người lao động mất việc làm đến thanh toán một lần, hướng dẫn cài đặt và sử dụng ứng dụng Bảo hiểm số - VssID, đến làm thủ tục nhận gói hỗ trợ theo Nghị quyết 116 để vận động tham gia theo các phương thức tùy vào điều kiện kinh tế của từng hộ gia đình. Với cách làm này, người dân đã tham gia BHXH tự nguyện và BHYT hộ gia đình đạt hiệu quả khả quan.
Trước đó, thực hiện việc cài đặt ứng dụng VssID - Bảo hiểm xã hội số, BHXH huyện Quế Võ đã tăng cường hướng dẫn, hỗ trợ cài đặt và đối chiếu duyệt hồ sơ đăng ký trực tiếp tại đơn vị sử dụng lao động.
Cụ thể, BHXH huyện Quế Võ nỗ lực triển khai đến từng cơ quan, ban, ngành, đoàn thể, UBND các xã, thị trấn, các đơn vị doanh nghiệp và người dân trên địa bàn huyện. Riêng trong tháng 4/2021, BHXH huyện đã tiếp nhận 21.582 hồ sơ tham gia BHXH, BHYT đăng ký ứng dụng VssID, đã duyệt và xử lý xong 20.975 hồ sơ... Tiếp theo, để đưa chính sách đến gần hơn với người dân, BHXH huyện tiếp tục đẩy mạnh tuyên truyền, phổ biến việc cài đặt ứng dụng VssID đến người tham gia BHXH, BHYT trên địa bàn huyện. Đồng thời, tiếp nhận, xử lý những khó khăn, vướng mắc của người tham gia BHXH, BHYT khi sử dụng ứng dụng VssID để người dân hiểu, tích cực đăng ký, cài đặt và sử dụng ứng dụng.
Còn nhiều dư địa để phát triển
Đáng chú ý, sau khi tiếp thu tinh thần Nghị quyết về thực hiện công tác thu phát triển người tham gia BHXH, BHYT năm 2021, BHXH huyện Quế Võ đã triển khai tới toàn thể cán bộ, viên chức, người lao động của cơ quan họp đề ra các giải pháp cụ thể để thực hiện nhiệm vụ: Phân công cán bộ bám sát đại lý thu, hỗ trợ và đôn đốc các đại lý tích cực tuyên truyền vận động nhân dân tham gia BHXH tự nguyện, BHYT bằng nhiều hình thức như tuyên truyền theo nhóm, tuyên truyền tận hộ gia đình, tuyên truyền qua Zalo, Facebook… Từ đó lan toả thu hút được sự quan tâm của người dân về hai chính sách này.
Còn nhiều dư địa đề phát triển đối tượng tham gia BHXH tự nguyện (Ảnh: TL) |
Ngoài ra, khi các xã tổ chức được hội nghị, BHXH huyện chủ động phối hợp cử cán bộ đến tận thôn xóm cùng đại lý thu và Trưởng thôn, xóm tuyên truyền, vận động, giải đáp và lắng nghe ý kiến của nhân dân về chính sách BHXH tự nguyện và BHYT hộ gia đình. Từ đó để thấu hiểu tâm lý, chia sẻ và tìm các phương thức tuyên truyền cho sát hơn, hiệu quả hơn.
Song song với công tác phát triển người tham gia BHXH, BHYT là công tác thu, thu nợ. BHXH huyện đã phân công chuyên quản bám sát các đơn vị để đôn đốc kịp thời, luôn vận dụng và tranh thủ sự chỉ đạo của cấp ủy, chính quyền địa phương và đặc biệt là việc đánh giá bình xét của Huyện ủy đối với các Chi, Đảng bộ cuối năm để đôn đốc các đơn vị nợ đọng hoàn thành với cơ quan BHXH huyện trước khi lập hồ sơ đánh giá xếp loại chi bộ cuối năm. Lập danh sách các đơn vị nợ đọng kéo dài báo cáo lãnh đạo địa phương, phối hợp với Đài Truyền thanh huyện thông báo trên hệ thống loa truyền thanh của huyện theo định kỳ hàng tuần.
Nhờ đó, tính đến 30/11/2021 số đơn vị tham gia BHXH, BHYT là 1.414 đơn vị; số người tham gia BHXH, BHYT đạt 162.421 người, tăng 4.451 người (tăng 2,8%) so với cùng kỳ năm trước, bằng 101,2% so với kế hoạch, trong đó: tham gia BHXH, BHYT bắt buộc là 1.414 đơn vị, tăng 94 đầu mối đơn vị. Số người tham gia BHXH tự nguyện là 2.086 người, tăng 778 người - tương ứng tăng 59,4% so với cùng kỳ năm 2020, đạt 101% kế hoạch BHXH tỉnh giao; số người tham gia BHYT là 114.458 người, tăng 1.766 người so với cùng kỳ, đạt 101,2% kế hoạch được giao.
Tuy nhiên, có thể thấy dư địa về phát triển người tham gia BHXH tự nguyện trên địa bàn huyện Quế Võ vẫn còn nhiều, như nông dân, thành viên HTX, người lao động tự do.
Chỉ tính riêng khu vực kinh tế hợp tác, HTX, đến nay, toàn huyện Quế Võ có 71 HTX, trong đó có 63 HTX nông nghiệp - thủy sản, 5 HTX thương mại - dịch vụ, 2 HTX giao thông - vận tải; 1 HTX môi trường. Các HTX thu hút 2.353 thành viên, là những đối tượng rất tiềm năng để phát triển BHXH tự nguyện và BHYT hộ gia đình.
Trên địa bàn huyện hiện có nhiều HTX đã tham gia tích cực vào Chương trình mỗi xã một sản phẩm (OCOP), bằng việc ứng dụng quy trình sản xuất an toàn, hữu cơ để xây dựng thương hiệu, nâng cao chất lượng sản phẩm. Tiêu biểu như HTX chăn nuôi thỏ Nhật Việt (xã Châu Phong) liên kết với doanh nghiệp phát triển theo mô hình chuỗi giá trị; HTX nông nghiệp Công Cối (Đại Xuân) liên kết với doanh nghiệp sản xuất chuỗi lúa gạo; HTX nông nghiệp xanh (Bồng Lai) xây dựng vùng sản xuất khoai tây quy mô lớn và ứng dụng công nghệ tưới nhỏ giọt để trồng dưa chuột baby... Thành viên nhiều HTX có thu nhập tương đối cao nhưng cũng có nhu cầu có "lương hưu" khi tuổi đã về già. Nếu được tuyên truyền vận động, chắc chắn nhiều người sẽ tham gia BHXH để được hưởng chính sách an sinh xã hội này của Nhà nước.
Đức Nguyễn