Trong 6 tháng đầu năm 2021, Hà Nam đứng trong tốp 5 tỉnh dẫn đầu toàn quốc trong thực hiện công tác thu, phát triển người tham gia bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, bảo hiểm thất nghiệp (BHXH, BHYT, BHTN).
Đa dạng hình thức giải đáp thông tin
Do ảnh hưởng của đại dịch Covid-19 nên việc vận động người dân tham gia BHXH, BHYT trên cả nước nói chung và tỉnh Hà Nam nói riêng gặp rất nhiều khó khăn. Tuy nhiên, với quyết tâm phấn đấu hoàn thành các chỉ tiêu được giao, BHXH tỉnh Hà Nam đã triển khai nhiều giải pháp phát triển người tham gia, giảm nợ BHXH, BHYT, BHTN. Đồng thời, đẩy mạnh cải cách hành chính, ứng dụng công nghệ thông tin trong quản lý; đổi mới phương thức hoạt động theo hướng phục vụ nhanh chóng, kịp thời, đảm bảo quyền lợi cho người tham gia.
Việc tuyên truyền, vận động hiệu quả đã mang lại thành công trong công tác mở rộng đối tượng tham gia BHXH tự nguyện và BHYT hộ gia đình (Ảnh: LTM) |
Nhằm hỗ trợ thông tin, giải đáp các thắc mắc của người lao động và đơn vị sử dụng lao động liên quan tới việc triển khai gói hỗ trợ theo Nghị quyết số 116/NQ-CP, hướng dẫn cài đặt và sử dụng ứng dụng VssID – Bảo hiểm xã hội số, cũng như đăng ký giao dịch điện tử, BHXH tỉnh Hà Nam đã triển khai 3 nhóm hỗ trợ giải đáp thông tin trên ứng dụng Zalo.
Theo đó, các nhóm hỗ trợ này được thông tin công khai trên Trang thông tin điện tử, Fanpage Facebook và Zalo Offical Occount của BHXH tỉnh Hà Nam. Qua đó, giúp người lao động và đơn vị sử dụng lao động biết và tiện cho việc giao dịch.
Ngay khi đi vào hoạt động, các nhóm hỗ trợ giải đáp thông tin của BHXH tỉnh đã thu hút được sự quan tâm và đánh giá cao của người lao động và đơn vị sử dụng lao động. Theo đó, các nhóm hỗ trợ đã kịp thời giải đáp hàng chục nghìn câu hỏi, thắc mắc, giúp người lao động và đơn vị sử dụng lao động không phải trực tiếp đến cơ quan BHXH, để đảm bảo an toàn phòng chống dịch Covid-19.
Đáng chú ý, thông qua hình thức hỗ trợ giải đáp này đã giúp BHXH tỉnh kết hợp tuyên truyền về chính sách BHXH, BHYT, trong đó có việc tham gia BHXH tự nguyện, BHYT hộ gia đình. Đặc biệt, giúp người lao động hiểu rõ hệ lụy của việc nhận BHXH một lần, từ đó có ý thức lo an sinh cho tuổi già…
Theo kế hoạch, trong thời gian tới, BHXH tỉnh Hà Nam sẽ tiếp tục duy trì các nhóm hỗ trợ thông tin, giải đáp thắc mắc cho người lao động và đơn vị sử dụng lao động - coi đây là một trong những kênh thông tin chính thức để truyền thông về chính sách BHXH, BHYT.
Trong thời gian qua, BHXH tỉnh Hà Nam luôn chú trọng đẩy mạnh tuyên truyền trên tất cả các kênh thông tin như: Trang thông tin điện tử BHXH tỉnh, Fanpage Facebook, Zalo Offical Occount “Bảo hiểm xã hội tỉnh Hà Nam”, Đài PTTH Hà Nam, Báo Hà Nam; cũng như hệ thống đài truyền thanh xã, phường, thị trấn.
ĐBHXH tỉnh đã tiếp tục đẩy mạnh tuyên truyền, phổ biến quan điểm, chủ trương, chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước về BHXH, BHYT, BHTN. Tập trung tuyên truyền, phổ biến vai trò, lợi ích, ý nghĩa nhân văn và tính ưu việt của chính sách BHXH, BHYT để người lao động và Nhân dân hiểu được giá trị thiết thực khi tham gia BHXH, BHYT, BHTN, từ đó tích cực, chủ động tham gia. Đặc biệt, BHXH tỉnh đã triển khai các hoạt động truyền thông theo chủ đề trọng điểm: truyền thông Tháng BHXH; tuyên truyền, vận động cài đặt, sử dụng ứng dụng VssID - BHXH số. 6 tháng đầu năm 2021, có 98.286 người cài đặt thành công ứng dụng VssID, đạt 71% kế hoạch BHXH Việt Nam giao.
Mở rộng phát triển đối tượng tham gia
Trong ngày thứ Bảy ra quân vào ngày 18/9 vừa qua, BHXH và Bưu điện tỉnh Hà Nam đã vận động được 209 người tham gia BHXH tự nguyện và 53 người tham gia BHYT hộ gia đình.
Tiềm năng để mở rộng đối tượng tham gia BHXH trên địa bàn tỉnh Hà Nam còn rất lớn, nhất là ở nhóm người lao động tự do, kinh doanh cá thể, nông dân, thành viên hợp tác xã (Ảnh: TL) |
Được cán bộ BHXH đến tận nhà tư vấn, vận động, chị Nguyễn Thị Huệ (xã Liêm Thuận, huyện Thanh Liêm) đã quyết định đăng ký tham gia BHXH tự nguyện với mức đóng 424.600 đồng/tháng. Đáng chú ý, chị Huệ đã không ngại ngần đóng một lần cho 60 tháng, với tổng số tiền 22.478.000 đồng. Theo chị Huệ, mỗi ngày chị chỉ cần để dành ra khoảng 15.000 đồng tham gia, sau này về già vừa có lương hưu, lại còn được cấp thẻ BHYT miễn phí.
"Nhiều lần tôi đã muốn đến đại lý thu tìm hiểu kỹ hơn về chính sách này. Tuy nhiên, do dịch bệnh thời gian qua diễn biến phức tạp, việc đi lại cũng hạn chế, thêm vào nữa là tâm lý ngại tìm hiểu, nên tôi vẫn chưa đi. Nay được cán bộ BHXH đến tận nhà tư vấn tận tình, giải đáp mọi thắc mắc, nên tôi đã hiểu kỹ về chính sách an sinh xã hội của Đảng, Nhà nước và yên tâm đăng ký tham gia”, chị Huệ chia sẻ.
Theo thống kê, tính đến ngày 30/9/2021, số người tham gia BHXH trên địa bàn tỉnh là 152.193 người, tỷ lệ tham gia BHXH so với lực lượng lao động trong độ tuổi lao động đạt 31,8%, tăng 2% so với cùng kỳ năm 2020. Số thu BHXH, BHYT, BHTN 9 tháng đầu năm là 2.183 tỷ đồng, đạt 67,7% kế hoạch BHXH Việt Nam giao; bằng 105% so với cùng kỳ năm 2020. Tính đến hết tháng 8/2021, toàn tỉnh Hà Nam có 155.567 người tham gia BHXH, tăng 6.791 người so với năm 2020. Trong đó, tham gia BHXH tự nguyện có 11.506 người, tăng 1.188 người và vượt 11,5% so với năm 2020; tham gia BHYT có 774.918 người, tỷ lệ bao phủ đạt 90,9% dân số.
BHXH tỉnh cũng phối hợp với Sở LĐ-TB&XH tháo gỡ những vướng mắc trong quá trình giải quyết, chi trả chế độ BHXH, BHTN cho người lao động. Phối hợp với Bưu điện tỉnh thực hiện đa dạng, linh hoạt các phương thức chi trả lương hưu, trợ cấp BHXH hàng tháng, tạo thuận lợi tối đa cho người tham gia, thụ hưởng. Đặc biệt, trong thời gian xảy ra dịch bệnh Covid-19, thực hiện chi trả lương hưu trợ cấp BHXH 2 tháng liền kề trong cùng một kỳ chi trả và chi trả tận nơi cho người hưởng tại vùng cách ly y tế. 9 tháng đầu năm ước thực hiện chi BHXH 1.866,5 tỷ đồng, đạt 71,3% kế hoạch và bằng 100,5% so với cùng kỳ năm 2020.
Để kịp thời thực hiện các chính sách hỗ trợ người lao động và người sử dụng lao động gặp khó khăn do đại dịch Covid-19 theo tinh thần Nghị quyết số 68/NQ-CP của Chính phủ, Quyết định số 23/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ và các văn bản chỉ đạo của UBND tỉnh Hà Nam, BHXH tỉnh đã ban hành Văn bản số 1072/BHXH-QLT ngày 14/7/2021 về việc thực hiện một số nội dung của chính sách hỗ trợ người lao động và người sử dụng lao động bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19 và Công văn số 1107/BHXH-QLT ngày 19/7/2021 về việc giảm mức đóng vào Quỹ bảo hiểm tai nạn lao động - bệnh nghề nghiệp với đơn vị sự nghiệp công lập tự chủ một phần kinh phí chi thường xuyên hướng dẫn các doanh nghiệp gặp khó khăn do đại dịch Covid-19, sớm lập hồ sơ để được giải quyết việc tạm dừng đóng vào Quỹ hưu trí và tử tuất, Quỹ bảo hiểm tai nạn lao động - bệnh nghề nghiệp theo quy định. Kịp thời gửi thông báo số tiền tạm tính giảm mức đóng bảo hiểm tai nạn lao động - bệnh nghề nghiệp 12 tháng (từ tháng 7/2021 đến tháng 6/2022) đến 3.041 đơn vị sử dụng lao động.
Lũy kế đến ngày 31/8/2021, BHXH tỉnh Hà Nam đã thực hiện giảm thu bảo hiểm bảo hiểm tai nạn lao động - bệnh nghề nghiệp cho 2.844 đơn vị với 120.474 lao động. Xác nhận cho 6 đơn vị đề nghị hỗ trợ đối với 76 lao động tạm hoãn hợp đồng lao động, nghỉ việc không lương; xác nhận cho 6 đơn vị đề nghị hỗ trợ 259 lao động ngừng việc...
Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả đạt được, vẫn tồn tại một số hạn chế: Tỷ lệ người tham gia BHXH so với số người trong độ tuổi lao động còn thấp so với tiềm năng; số người tham gia BHXH bắt buộc có xu hướng giảm. Ý thức tuân thủ pháp luật về BHXH, BHYT của một số đơn vị sử dụng lao động còn hạn chế, nhiều chủ sử dụng lao động tìm mọi cách trốn tránh việc tham gia BHXH cho người lao động. Bên cạnh đó, việc tổ chức thực hiện chính sách BHTN còn gặp nhiều khó khăn; quy định về khai báo tình trạng việc làm hàng tháng đối với người lao động đang hưởng chế độ trợ cấp BHTN chưa có cơ chế kiểm tra, kiểm soát...
Vì vậy, một trong 7 nhiệm vụ trọng tâm trong các tháng cuối năm để thực hiện thành công các chỉ tiêu, nhiệm vụ được giao năm 2021 cũng như những năm sắp tới được BHXH tỉnh Hà Nam xác định là tập trung đẩy mạnh các biện pháp tuyên truyền, vận động mở rộng đối tượng tham gia BHXH, BHYT, BHTN, nhất là BHYT theo hộ gia đình và BHXH tự nguyện.
Theo đánh giá, tiềm năng để mở rộng đối tượng tham gia bảo hiểm trên địa bàn tỉnh Hà Nam còn rất lớn, nhất là ở nhóm người lao động tự do, kinh doanh cá thể, nông dân, thành viên hợp tác xã.
Thống kê của Liên minh HTX tỉnh Hà Nam cho thấy, trên địa bàn tỉnh hiện có hơn 330 HTX. Đại hội Liên minh tỉnh Hà Nam nhiệm kỳ 2020-2025 cũng đặt ra mục tiêu phấn đấu trong nhiệm kỳ thành lập mới thêm từ 80-100 HTX, thành lập từ 2-3 liên hiệp HTX và 150 tổ hợp tác trở lên. Tuy nhiên, hiện nay, vì nhiều lý do khác nhau, số cán bộ và người lao động trong các hợp tác xã, tổ hợp tác tham gia BHXH còn tương đối thấp. Đây chính là một trong những dư địa để ngành BHXH tỉnh Hà Nam có thể khai thác để phát triển trong thời gian tới.
Phương Linh